Y bác sĩ hát ở quán cà phê để mua cơm cho bệnh nhân nghèo, phó giám đốc bệnh viện ra chợ quyên tiền giúp cặp song sinh dính nhau... để lại ấn tượng đẹp về đội ngũ khoác áo blouse trắng năm 2016.
Bác sĩ ra chợ quyên tiền giúp cặp song sinh dính liền
Trước tình cảnh hai bé sinh đôi dính liền cần chuyển gấp về Hà Nội để bàn phương án mổ tách mà gia đình nghèo không có tiền, sáng 14/7 bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên cùng một số đồng nghiệp quyết định mặc áo blouse trắng ra chợ in tấm phông to về tình cảnh của hai bé để kêu gọi người dân xung quanh quyên góp.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên Hà Giang ra chợ kêu gọi giúp đỡ cặp song sinh dính liền. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, nhóm bác sĩ Chung đã nhận được số tiền người dân góp 7.470.000 đồng. Bệnh viện cử cán bộ ghi chép cẩn thận từng khoản và trao cho bố các cháu để chuyển con xuống Hà Nội ngay chiều 14/7.
Ngoài quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, cán bộ nhân viên trong bệnh viện cũng tham gia quyên góp thêm, một mặt đưa thông tin lên Facebook để kêu gọi sự ủng hộ cộng đồng.
Nhiều người dân vẫn tiếp tục đến bệnh viện góp sức với số tiền vào tối cùng ngày hơn 40 triệu đồng.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tặng bằng khen cho bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung với hành động không nề hà gian khó vận động ủng hộ bệnh nhi. Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), kiểm tra cho thấy cặp song sinh dính nhau rất phức tạp, gan và tim chung thành khối lớn.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn trong và ngoài nước để bàn phương án mổ tách nhưng do sức khỏe quá yếu, sáng 21/7 hai bé tử vong.
Bệnh viện miễn toàn bộ viện phí, bố trí xe đưa bé về nhà.
Bác sĩ rao trên Facebook tìm cô bé dị tật tay chân để xin mổ
Một lần khám cho cô bé Minh Anh ngụ ở Bình Thuận mắc hội chứng Aperts và nhiều tháng không thấy trở lại theo lịch hẹn, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Bệnh viện Sài Gòn ITO rao trên Facebook nhờ chuyển lời xin mổ đến gia đình.
Nhờ cộng đồng mạng lan tỏa, sau 2 giờ chia sẻ thông tin, bác sĩ và gia đình đã kết nối được với nhau.
Sau bài viết trên VnExpress.net, nhiều độc giả đã chủ động liên lạc hỗ trợ, trực tiếp đến bệnh viện thăm tặng quà và một mạnh thường quân đã tài trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật.
Những năm đầu đời bị đa dị tật, hở hàm ếch, mắt lồi to, cô bé gầy đen. Cả hai bàn tay và hai chân hầu như không có ngón khiến bé gặp nhiều khó khăn trong đi đứng sinh hoạt.
Do xương dính chặt, các mạch máu, thần kinh dị dạng không theo cấu trúc giải phẫu bình thường khiến ca mổ phức tạp và kéo dài.
Sau mổ với ba ngón tay được tách rõ rệt, cô bé đã có thể thoải mái cầm bút viết bài, hiện đang theo học lớp 2 và háo hức mong chờ được phẫu thuật tiếp tay bên trái vào hè năm tới.
Từ trường hợp của Minh Anh, nhiều bệnh nhân khó khăn mắc Aperts từ Hải Phòng, Ninh Thuận... đã liên hệ bác sĩ và được hỗ trợ phẫu thuật trả lại bàn tay xinh xắn.
Bác sĩ Sài Gòn hát ở quán cà phê quyên tiền mua cơm cho bệnh nhân
Đêm 6/8, trời Sài Gòn mưa nặng hạt, các y bác sĩ từ nhiều bệnh viện TP HCM tụ về quán cà phê để tham gia buổi biểu diễn đầu tiên trong chuỗi đêm nhạc Blouse trắng.
Những bác sĩ, điều dưỡng ngày thường vốn quen với thuốc men, dịch truyền bệnh viện, cùng gặp nhau với mục đích cất cao giọng hát nhằm "kiếm cơm" giúp bệnh nhân nghèo.
Đêm nhạc Blouse trắng hiện duy trì đều đặn tối thứ 7 hàng tuần, nằm trong hoạt động quyên góp gây quỹ "Dĩa cơm trên tường".
Chương trình khơi nguồn từ câu chuyện "Ly cà phê trên tường" tại thành phố Venice, Italy. Ở đó người nghèo muốn uống cà phê nếu không có tiền có thể vào quán lấy mảnh giấy dán trên tường có giá trị như số tiền mua một ly cà phê.
Các bác sĩ Sài Gòn đã biến ý tưởng ly cà phê thành dĩa cơm người Việt vì bệnh nhân nghèo cần cơm hơn, nhận được sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng.
Chương trình không tổ chức nấu ăn mà chọn lựa những quán chất lượng đối diện bệnh viện để làm đối tác phát cơm miễn phí. Phiếu cơm được giao cho phòng công tác xã hội bệnh viện để phân về các khoa, điều dưỡng trưởng phát cho những bệnh nhân thật sự có nhu cầu.
Bệnh nhân, thân nhân cầm phiếu này ra quán cơm đã được bệnh viện chọn và ăn như một khách hàng bình thường.
Điều này nhằm giúp người nhận cơm bớt cảm giác mặc cảm, người cho và người nhận đều không biết nhau.
Nguồn: VNExpress