Những cô gái dại dột tìm cái chếtHọ quyết đình rời bỏ cuộc sống này khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của người con gái. Những suy nghĩ bồng bột đã dẫn tới quyết định đáng tiếc mà không thể có cơ hội sửa sai.

Cứ tưởng rằng, chết là có thể giải thoát tất cả, nhưng không, họ vẫn để lại trên dương thế này một nỗi đau khôn nguôi cho bố mẹ, người thân, bạn bè.

Không có lý do nào được coi là chính đáng để khiến con người ta phải tìm đến cái chết. Thế nhưng, nhiều cô gái, thậm chí là nhiều cô gái có học thức vẫn lựa chọn cái chết như là một giải pháp tối ưu nhất. Phải chăng, đó là khi các nữ sinh này phải một mình đối diện với những bế tắc, những mâu thuẫn, những thách thức, những đau khổ… mà xung quanh họ không một ai hay biết! Đôi khi đó chẳng qua là sự ích kỷ, bồng bột, kèm thêm một chút ngông cuồng, muốn chứng tỏ mình thực sự quan trọng đối với gia đình hoặc với một ai đó, và muốn lấy cái chết để chứng tỏ điều này. Nhưng liệu rằng, khi đã sang thế giới bên kia, linh hồn của họ có được siêu thoát khi biết, hằng ngày hàng giờ, cha mẹ và người thân của họ vẫn đau đớn, vật vã bởi cái chết của chính họ!

Một ngày giữa tháng 6 năm 2009, nghĩa là chỉ cách đây chừng một tuần, giữa cái nóng gay gắt của đợt nắng nóng đầu tiên trong mùa hè năm nay, sân KTX trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội càng như nóng hơn khi từ trên tầng 4, một nữ sinh viên đã buông mình rơi xuống. Cô gái này nhanh chóng được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do buồn chán chuyện bố mẹ ly hôn nên Nguyễn Thị S, sinh viên lớp công nghệ thông tin K8 đã tìm đến cái chết.

Thực ra, trong chúng ta, hẳn cũng có rất nhiều người đã từng hơn một lần nghĩ tới cái chết mỗi khi gặp những bế tắc, đau đớn, bệnh tật, thất tình… mà không thể tìm được cách giải quyết. Với một số người, suy nghĩ ấy chỉ thoáng qua, hoặc chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định, nhưng cũng với không ít người, ý nghĩ ấy ám ảnh thường trực trong đầu, đến nỗi khi nhìn thấy cái gì có thể tước đoạt được mạng sống họ cũng nhanh chóng liên tưởng đến cái chết của mình.

Cũng chọn cái chết bằng cách buông mình từ tầng cao xuống đất, ngày 18-5, một nữ sinh viên đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh đã trèo lên tầng 6 của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn rồi nhảy xuống, tử vong ngay tại chỗ.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, 2 vụ tự tử giống nhau của 2 nữ sinh viên ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến nhiều bậc cha mẹ bàng hoàng và giật mình trước những đổi thay bất thường của con cái. Trong nhiều vụ việc đau lòng, đôi khi cha mẹ, người thân nạn nhân lại là người biết cuối cùng nguyên nhân gây nên cái chết cho con em mình, trong khi nguyên nhân ấy có thể đã được kể cho một người bạn thân nào đó.

Cách đây chưa đầy một năm, cái chết của 2 nữ sinh lớp 11 học ở một trường chuyên tại Hà Nội đã khiến dư luận bàng hoàng, đặc biệt trong giới giáo viên và học sinh THPT. Hai nữ sinh này đã chuẩn bị cho cuộc ra đi của mình rất cẩn thận, và chắc chắn họ đã suy nghĩ rất kỹ trước khi quyết định tìm đến cái chết. Họ đã thuê một phòng nghỉ bên Gia Lâm và mang vào đó 31 vỉ thuốc ngủ, 2 chai rượu. Khi phát hiện sự việc, cơ quan điều tra xác định đã có 26 vỉ thuốc ngủ (tương đương với 60 viên) đã được sử dụng, 2 chai rượu cũng chỉ còn lại vỏ. Họ uống thuốc ngủ với rượu cho nhanh ngấm. Một trong hai người để lại một bức thư tuyệt mệnh nói rằng do chán nản trong cuộc sống. Một nguyên nhân nữa được nghi ngờ là do bị giáo viên trù dập, và nguyên nhân này nhanh chóng được lãnh đạo nhà trường bác bỏ.

Tình cờ một lần, tôi được đọc blog của một nữ sinh lớp 8, bạn của cô cháu gái tôi, trong đó có một bài cô bé viết kỹ lưỡng về cái chết của mình và cô bé còn tưởng tượng ra cả những sự đau khổ mà cha mẹ và đứa em trai năm nay mới học lớp 4 của  cô phải gánh chịu. Không biết học theo phim ảnh hay đọc được từ đâu, cô bé nói sẽ dùng dao lam cắt mạch máu ở cổ tay trái rồi… nhúng xuống xô nước thì máu sẽ chảy ra cho đến khi hết thì thôi. Thật bất ngờ khi đọc các bình luận (comment) của bạn bè cô bé, đứa thì cười ha ha, nói rằng “con này điên”, đứa thì tỏ vẻ chế giễu bằng cái mặt khóc “hu hu”, nhưng tịnh, không có đứa nào viết được một lời thông cảm hoặc chia sẻ khuyên răn bạn mình không nên có suy nghĩ và hành động dại dột như thế.

Tôi cứ cuống lên khi nghĩ rằng cô bé sẽ làm theo đúng như “kịch bản” đã dựng trên blog nhưng khi nghe cô cháu nói, lũ bạn của nó, đứa nào chẳng có một kịch bản tự tử “như đúng rồi” trên blog, thì tôi mới hiểu rằng, đó chẳng qua là một chút rồ dại, ích kỷ của tuổi mới lớn, luôn muốn chứng tỏ mình quan trọng đối với gia đình, với bạn bè và họ cũng nắm được điểm yếu của cha mẹ là rất sợ họ chết nên thỉnh thoảng, nhân một lý do lãng xẹt nào đó, như kiểu không xin được tiền, bị mắng hoặc thậm chí thấy cha mẹ hay nựng nịu thằng em trước mặt mình, không chịu nổi cũng vội vàng viết một kịch bản tự tử trên blog.

Với nhiều đứa trẻ, có thể đó chỉ là cách để chúng giải toả tâm lý ức chế, để thoả mãn cái thói ích kỷ của mình, nhưng thực tế đã có những vụ tự tử xảy ra bởi những lý do không đâu, nhất là ý nghĩ ấy luôn ám ảnh trong đầu chúng, thì nếu gia đình không kịp thời sát sao, không nắm được diễn biến tâm lý của con em mình, có thể sẽ phải nhận một hậu quả khôn lường. Điều đáng nói là, mặc dù blog là một dạng nhật ký mở, các chàng trai cô gái mới lớn nào thuộc thế hệ 9X bây giờ cũng đều có blog, thì người cuối cùng được đọc những dòng tâm sự, nhưng suy nghĩ tiêu cực của con em mình, bao giờ cũng lại là những bậc cha mẹ. Sự muộn màng ấy đôi khi phải trả giá bằng những cái giá thật đắt.

Có một thời gian, trên một số phương tiện thông tin, người ta đã làm hẳn những chuyên  đề dài kỳ về cuộc sống của người trẻ trong thế giới hội nhập, trong đó, không ít lần sự cô đơn của giới trẻ đã được đề cập, mà cụm từ “cô đơn ngay trong chính ngôi nhà mình” sau này đã trở nên quen thuộc trên các diễn đàn. Đó là một thực tế trong những ngôi nhà rộng lớn, nhiều phòng, mà các thành viên trong ngôi nhà ấy thảng hoặc mới có cơ hội gặp nhau. Sáng ra chỉ kịp chào nhau ở chân cầu thang và tối về cũng thật khó để có một bữa cơm cả nhà quây quần.

Những đứa trẻ sống trong ngôi nhà ấy đã tự thu mình lại, tự tìm cách giải quyết những mâu thuẫn, những khó khăn trong học tập, trong sinh hoạt. Viết blog đôi khi chỉ là cách để làm chúng vơi đi những bế tắc và tất nhiên nhiều đứa không cần nhận lại sự chia sẻ hoặc nếu có cũng chỉ là đôi dòng comment của một hai đứa bạn thân.

Nhưng trẻ con bao giờ cũng là trẻ con, dù biết trước ngày này, giờ này bạn mình sẽ tự tử, nhưng chúng không tìm cách ngăn lại hoặc báo với người lớn và đôi khi bi kịch đã xảy ra. Cũng đừng nên trách chúng, bớt đơn giản, chúng chẳng tìm thấy ở người lớn sự tin cậy nào. Mà mới đây, việc một cậu bé học lớp 7 tại trường XĐ đã bị 3 đứa bạn cùng lớp “tra tấn” suốt 2 năm trời mới bị phát hiện đã minh chứng cho việc nhiều đứa trẻ không còn tìm thấy sự tin cậy ở người lớn. Đáng trách ở chỗ, có rất nhiều học sinh trong trường từng chứng kiến sự việc đánh đập, “tra tấn” này nhưng lãnh đạo nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lại không hề hay biết. Sự thờ ơ, vô trách nhiệm của nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cũng là một nguyên nhân khiến những mâu thuẫn của học sinh ngày càng trầm trọng. Cũng thật may là cậu bé nạn nhân trong vụ việc này đã không tìm đến sự phản kháng hoặc sự giải thoát tiêu cực, chứ nếu không bi kịch không biết sẽ dừng lại ở đâu.

Sống mới khó! Tôi chợt này ra suy nghĩ này khi nhớ đến những em bé đang phải ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác ở khoa Nhi, bệnh viện K2, Thanh Trì, Hà Nội. Những mái đầu trọc lốc vì truyền hoá chất. Những thân hình còm cõi cứ héo dần, héo dần. Những gương mặt bệch bạc sau mỗi lần lên cơn sốt. Những đôi môi run rẩy thật khó khăn để tìm thấy nụ cười. Thế nhưng, sau mỗi cơn đau, các em lại líu lo chia sẻ những ước mơ tương lai đầy ăm ắp. Nào chuyện trở về nhà đi học tiếp, nào chuyện lớn lên làm bác sĩ chữa bệnh cho các bạn nhỏ, và cả chuyện năm nay sẽ vào lớp 1, dù xung quanh, ai cũng biết cuộc sống của các em chỉ còn tính được từng giờ. Cứ ngỡ như ngoài kia, chỉ bước chân ra khỏi cánh cổng bệnh viện này thôi, cuộc sống tươi đẹp sẽ dang rộng vòng tay chờ dón các em.

Sự sống với những em bé này mong manh như ngọn đèn trước gió. Nhưng cho dù phải chiến đấu với bệnh tật, chống chọi với những đau đớn thì ước mơ sống của các em và ước mơ phải giành lấy sự sống cho các em của cha mẹ, người thân luôn luôn mãnh liệt và chưa ai có ý định đầu hàng. Thế mà ở đâu đó, sự sống không được coi trọng, thậm chí bị phung phí đến xót lòng.

Khi ta sống được trên cuộc đời này một cách tử tế, và ngạo nghễ đối mặt với những đau đớn, những bi kịch, đó mới thực sự là khi ta thành người.

Theo ANTG.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC