Những đứa trẻ nghỉ hè đi làm... công nhân5h sáng, chen chúc trong nhóm công nhân tách vỏ hạt điều của Công ty TNHH H.S 1 (xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng) có hàng chục trẻ em ở độ tuổi từ 8-15. Các em là "công nhân" tách nhân hạt điều thực thụ.

Với những em thơ này, đống hạt điều ngất ngưởng trước mặt là miếng cơm manh áo… mà các em phải đánh đổi bằng sức lao động để có được.

Theo chân lao động nhí

Từ rất sớm, hàng chục đứa trẻ đã tập trung trước cổng công ty đợi đến giờ mở cửa vào làm việc. Dưới ánh sáng lờ mờ lẫn hơi sương đủ để nhìn mặt nhau, mấy đứa trẻ ăn vận phong phanh, mặt mày nhem nhuốc dính đầy dầu nhớt tranh thủ thời gian đứa "gặm" bánh mì, đứa nuốt vội mấy miếng xôi để lót dạ cho một ngày làm việc cực nhọc. Để tận mắt chứng kiến cảnh lao động vất vả của đám trẻ, chúng tôi vào xưởng hạt điều tìm gặp người quản lý xin việc và được "biên chế" sang khu tách vỏ, nơi dành cho những người xin việc không có hồ sơ, làm ăn theo sản phẩm.

 

Khu vực tách vỏ hạt điều nằm cách ly với những dãy nhà xưởng khác. Phía trên lợp mái tôn nóng hầm hập. Bên dưới sàn nhà la liệt hạt, vỏ điều, bao tải, xô chậu dính đầy dầu nhớt dơ bẩn. Ngồi xen lẫn trong đám công nhân, hàng chục đứa trẻ đang cặm cụi dập máy tách vỏ hạt điều. Không có tiếng nói chuyện, chỉ có tiếng máy dập liên tục. Do chưa quen việc nên chúng tôi luống cuống với chiếc máy có hai lưỡi dao hình khuyết sắc lẹm, sơ sảy một chút là có thể "rớt" ngón tay như chơi. Nguy hiểm là thế nhưng những đứa trẻ thoăn thoắt dập máy, tách vỏ một cách nhuần nhuyễn.

Phải đến gần 12h trưa, chúng tôi mới có dịp tiếp cận đám trẻ. Ngồi bên tôi là bé Duy, 12 tuổi, dáng người nhỏ choắt được các công nhân nơi đây "nể" vì tốc độ làm việc, giọng già chát: "Cháu làm ở đây được 4 năm. Lúc đầu mới vào mỗi ngày chỉ lột được 1-2kg, giờ được khoảng 14-16kg. Làm như mấy chú có mà húp cháo!".

Cu Bảo, 11 tuổi, cũng có "thâm niên" ba năm trong nghề cho biết, nhà có ba anh em từ Bạc Liêu lên đây mướn nhà trọ ở cùng ba mẹ. Ngày mẹ vào xưởng Bảo cũng lót tót đi theo. Lúc đầu chỉ phụ mẹ tách vỏ, trông em nhưng làm riết quen nên ngày nào Bảo cũng đến xưởng nhận khoán hạt để tách: "Một ký (kilôgam) được 3.700 đồng đó chú" - nó nói: "Một ngày con làm hơn 4 ký cũng kiếm được ký gạo". Chiếc cà-mèn bên ngoài dính đầy bụi, bên trong một chút cơm nguội và quả trứng luộc, Bảo nhai ngấu nghiến rồi tiếp tục công việc dang dở!

Tuổi thơ nhọc nhằn

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phần lớn em thơ trong xưởng theo ba mẹ từ các tỉnh miền Tây lên Bình Phước mưu sinh, đến xưởng tách hạt điều từ lúc nhỏ rồi không biết từ lúc nào trở thành "công nhân" lao động tại đây. Tuổi thơ của các em là những ngày lao động vất vả tại xưởng. Hè về cũng như những ngày bình thường khác trong năm, tuổi thơ của các em không có khái niệm về trường lớp, chỉ có những chen lấn, giành giật từng ký hạt điều đặng tách vỏ kiếm tiền phụ giúp mẹ cha. Dẫu có chung mơ ước được cắp sách đến trường, được có những ngày hè rong chơi nhưng các em đành dằn xuống vì biết thân biết phận. "Đi học, nghỉ hè thì ai trông em, ai phụ mẹ? Lấy đâu tiền mua sách vở, đóng học phí mà đến trường hả chú?" - bé Duy nói mà như khóc.

Khi ánh nắng cuối cùng tắt sau những quả đồi là lúc đám trẻ mệt nhoài sau một ngày "vật lộn" với công việc. Nhiều người nộp sản phẩm trong ngày xong lục đục ra về. Tuy nhiên ở những góc nhỏ của xưởng vẫn còn nhiều đứa trẻ đang miệt mài làm việc. Bé Thanh (10 tuổi) đưa bàn tay lem luốc gạt mớ tóc tai rũ rượi cố tách hết đống hạt điều còn lại, thổ lộ: "Mẹ về nấu cơm trước rồi nên con và em trai cố làm nốt số hạt điều này! Làm cho xong để ngày mai còn nhận hàng mới!".

Hôm đó, giờ tan ca cũng là lúc cơn mưa chiều ập tới. Những đứa trẻ đứng tụ tập trú mưa trước hiên phòng bảo vệ. Câu chuyện mà các em nói với nhau trong lúc chờ tạnh mưa chỉ xoay quanh câu hỏi: "Hôm nay mày làm được mấy ký?"... Đã gần 6h tối mà mưa vẫn chưa tạnh, từng đứa một run run, ướt mèm cố gắng chạy thật nhanh về khu nhà trọ lúp xúp. Nhìn bóng dáng của các em xiêu vẹo trong mưa chiều như trút nước mà không khỏi chạnh lòng.

Cũng vì gia đình khó khăn mà nhiều em thơ phải sớm vào đời. Không chỉ tại xưởng hạt điều này mà ngay những xưởng khác tại các tỉnh vùng cao chúng tôi đều chứng kiến hình ảnh những em nhỏ thay cặp sách bằng những cà-mèn cơm lẽo đẽo theo cha mẹ vào xưởng… Tuổi thơ của các em như cũng bị dần trôi bởi cuộc sống nhọc nhằn…!


Theo CAND.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC