Tại Vịnh Hạ Long, những bến đỗ chật hẹp, tàu thuyền ra vào hỗn loạn liên tục va chạm nhau mà không có sự phân luồng, hướng dẫn từ xa của các cơ quan chức năng. Lái tàu mạnh ai nấy chạy. Các tender lao vù vù... đã báo trước những tai nạn thương tâm.
Vẫn trong vai du khách, PV đã có một chuyến thăm quan Vịnh Hạ Long bằng tàu gỗ để “mục sở thị” sự lộn xộn của các tàu trong lòng Vịnh và những “ẩn họa” luôn tiềm tàng có thể xảy ra từ cách quản lý du lịch còn lỏng lẻo đang tiếp diễn tại đây.
Ngoài việc “cò vé” lộng hành tại khu vực Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy và vấn nạn chèo kéo, đeo bám du khách trên lòng Vịnh của các tàu “du kích” thì trên chính những chiếc tàu gỗ du lịch hiện nay vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Tàu gỗ du lịch chở khách tham quan Vịnh theo tuyến có 2 tầng. Tầng 1 nằm trong khoang thuyền khá an toàn. Tuy nhiên, du khách thường lên tầng 2 ngắm cảnh. Khi tàu chạy trên Vịnh thường có gió lộng khá lớn. Dãy lan can bao quanh tầng 2 của tàu quá thấp, không hề chắc chắn nhưng du khách thường thoải mái ngồi trên lan can tàu tạo dáng chụp ảnh mà không vấp phải sự cảnh báo, nhắc nhở nào.
Trên tàu gỗ chở khách du lịch, các chủ tàu đều trang bị áo phao phòng những trường hợp khẩn cấp nhưng thường chỉ lèo tèo vài chiếc, được để ở những chỗ... chỉ có chủ tàu biết. Khách tham quan vịnh không hề được hướng dẫn cách sử dụng áo, vị trí để áo,... đề phòng trường hợp nguy hiểm có thể xảy đến.
Điều dễ nhận thấy khi tham quan trên vịnh, các tàu du lịch dày đặc, mạnh ai nấy chạy. Một lái tàu tên T. của Công ty HN cho biết, với mật độ tàu như thế này, dù tàu du lịch chạy chậm, vận tốc chỉ khoảng 8 - 10km/h nhưng người lái phải hết sức tập trung và có ý thức trách nhiệm mới tránh được tai nạn.
Tàu du lịch chỉ có 2 số tiến lùi lên rất cần được phân luồng khi di chuyển trên Vịnh.
Các tàu du lịch không có hệ thống phanh gấp như các phương tiện trên đường bộ mà chỉ có 2 số tiến, lùi theo cánh quạt ngầm dưới đáy tàu. Nếu muốn hãm tàu lại, giật về số lùi là cánh quạt lập tức quay theo chiều ngược lại. Vì vậy, điều cánh lái tàu du lịch hãi nhất là 2 tàu đấu đầu nhau. Nếu khoảng cách giữa 2 tàu khi đó dưới 30m thì cầm chắc xảy ra va chạm. Vì vậy, nếu lái tàu không có kinh nghiệm, không được đào tạo và thiếu trách nhiệm, chỉ trong tích tắc sẽ có thảm họa xảy ra.
Với thực tế như vậy, các tàu thuyền chở khách tham quan Vịnh Hạ Long rất cần được phân luồng. Nhưng đáng buồn là bao lâu nay, hàng trăm tàu chở khách trên vịnh luôn hoạt động trong tình trạng tự do, miễn là... đến đích.
Người lái tàu công ty HN thẳng thắn cho biết: “Trên lý thuyết, các tàu được phân luồng theo các tuyến du lịch nhưng thực tế thì việc chạy tàu như thế nào chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm riêng cá nhân của lái tàu mà thôi”.
"xi nhan"
Tại các bến đỗ có thể thấy rõ hơn cảnh tàu thuyền hoạt động lộn xộn
Trên vịnh dù tàu hoạt động lộn xộn nhưng vẫn khá thoải mái vì không gian rộng rãi. Nhưng khi hàng loạt tàu cùng đổ về khu vực các bến đỗ nhỏ hẹp, du khách mới thấy được hết sự nguy hiểm.
Thường là không có sự phân luồng từ xa, chỉ đến khi tàu cách bến chừng vài chục mét mới thấy nhân viên trên các tàu và người đón dưới cầu tàu vừa ra hiệu cho nhau bằng tay vừa “mặc cả” với nhau bằng miệng để chỉ định từng tàu vào cập bến. Trong khi cầu tàu tại đây quá nhỏ nên vào những ngày đông khách, chỉ cần khoảng vài chục tàu cùng nhau lao về mà không có phân làn hướng dẫn từ xa thì việc tàu va chạm với nhau là điều không thể tránh khỏi. Nguy hiểm đã từng xảy ra, nặng nhất là chết người, bị thương tích còn nhẹ là hành khách chao đảo.
Một vụ va chạm hai tàu gỗ trên đường vào thăm hang Sửng Sốt làm gương cửa bị vỡ, du khách hoảng loạn.
Bên cạnh các tàu gỗ chở khách di chuyển khá chậm thì các tender chở khách nhỏ lao vù vù, thường “cắt mặt” các tàu để giành chỗ đổ khách. Chính việc lộn xộn như vậy đã gây ra vụ tai nạn kinh hoàng giữa tàu gỗ và tender vào chiều ngày 3/10 khiến 5 du khách ngưởi Đài Loan thiệt mạng.
Ông Trịnh Đăng Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh - cho biết: “Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào chiều ngày 3/10, trách nhiệm trước hết thuộc về thủy thủ đoàn. Nếu đoàn thủy thủ tuân thủ đúng với quy định quản lý nhà nước về giao thông đường thủy, nếu các thủy thủ trên 2 tàu chịu nhường nhịn nhau, tôn trọng nhau và tôn trọng du khách thì đã không xảy ra sự việc”.
Tàu thuyền lộn xộn khiến nhiều du khách ngán ngẩm khi lên tàu tại khu vực hang Sửng Sốt.
Tuy nhiên, theo ông Thanh thì các cơ quan quản lý không làm tốt chức năng của mình cũng phải nhận trách nhiệm. Trong việc quản lý bến bãi, phân luồng, phân tuyến trên vịnh và tại các bến đỗ, đơn vị nào làm chưa tốt phải nhận trách nhiệm.
Ông Thanh cho biết thêm, mỗi cơ quan đã có một chức năng, một thẩm quyền riêng từ Ban quản lý Vịnh Hạ Long, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Văn hóa thể thao du lịch... Vì vậy, dựa vào chức năng và thẩm quyền của mỗi đơn vị cần phải sao sát theo dõi để làm rõ trách nhiệm, tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại trên Vịnh Hạ Long trong thời gian sớm nhất.
Theo dantri.