Theo PGS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, ở Việt Nam hiện tồn tại nhiều nghịch lý về giáo sư, phó giáo sư, chẳng hạn như nghịch lý giáo sư 'dởm' xét cho ứng viên giáo sư thật.

Trong buổi tọa đàm góp ý cho dự thảo Quy định tiêu chuẩn chức danh PGS, GS mà Tạp chí Tia sáng (Bộ Khoa học công nghệ) tổ chức sáng nay, PGS Nguyễn Ngọc Châu đã liệt kê ra một loạt hiện tượng mà ông cho đó là nghịch lý về PGS, GS ở ta hiện nay.

Những nghịch lý về giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam - 0

Nghịch lý đầu tiên đó là bổ nhiệm PGS, GS  để lấy danh

hay vinh danh một người chứ không phải để người được bổ nhiệm PGS, GS thực thi nhiệm vụ nghiên cứu giảng dạy.

Theo PGS Châu, mặc dù gần đây Nhà nước quy định xét để công nhận và bổ nhiệm là 2 hoạt động tách rời nhưng thực tế điều đó chẳng ý nghĩa gì khi mà ai được xét đủ điều kiện công nhận thì sau đó đều được bổ nhiệm. Thực tế này cho thấy việc bổ nhiệm chức danh PGS, GS không xuất phát từ nhu cầu của trường đại học, viện nghiên cứu.

Việt Nam có số lượng PGS, GS được bổ nhiệm vào loại nhiều ở các nước châu Á (đặc biệt so với các nước Đông Nam Á) nhưng vẫn không có đại học nào được xếp hạng top 300 của châu Á (Theo Higher Education, 2017).

Trong khi đó, hầu hết các nước Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia, Thailan, Indonesia, thậm chí Philippines, đều có đại học xếp hạng top 300 Châu Á.

“Trong danh sách này chỉ không có Việt Nam và Myanmar”, PGS Châu nói.

Nhiều PGS, GS nhưng ít sản phẩm khoa học. Ở các nước, mỗi năm PGS, GS thường có trung bình 10 công bố/sáng chế thì ở Việt Nam bình quân mỗi năm từ 5 đến 10 GS/PGS mới có 1 công bố ISI.

Quy định chuẩn xét đạt tiêu chuẩn chức danh PGS, GS ở Việt Nam vào loại nhiều chuẩn và phức tạp nhất thế giới. Vậy mà số PGS, GS hàng năm được xét vẫn rất nhiều (500 - 600 người). Chỉ có điều là rất ít trong số đó đạt chuẩn quốc tế.

Theo thống kê của GS Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, chúng ta chỉ có khoảng 30% có thể đạt chuẩn quốc tế. Thực tế nếu tính chuẩn giáo sư, phó giáo sư quốc tế phải có 50 - 100 công bố trên tạp chí thuộc danh sách ISI thì số phó giáo sư, giáo sư đạt chuẩn quốc tế còn ít hơn nhiều.

GS “dởm” xét cho ứng viên GS thật.

GS “dởm” ở đây là GS không đạt chuẩn quốc tế, không có kinh nghiêm nghiên cứu và công bố quốc tế lại đi thẩm định cho ứng viên đạt chuẩn quốc tế.

Các nghịch lý khác là:

Nhiều người không dạy cũng chẳng nghiên cứu vẫn mang hàm PGS, GS. Về hưu vẫn đăng ký PGS, GS - chuyện lạ chỉ có ở Việt Nam!

PGS, GS ở Việt Nam mang danh cả đời. Các nước trên thế giới, các chức danh này chỉ là vị trí giảng dạy, nghiên cứu, khi về hưu hoặc chuyển sang việc khác thì thôi chức danh PGS, GS.

Chỉ ở Việt Nam mới xét PGS, GS bằng tổng những số vô cảm:

Điểm bài báo + Điểm sách + Điểm hướng dẫn nghiên cứu sinh + Số giờ giảng dạy + Thâm niên giảng dạy + Tỷ lệ phiếu yêu/ghét.

Và tất cả xếp hàng ngang, chỉ cần một trong các tiêu chí trên không đủ theo quy định thì không đạt PGS, GS.

Để được xét phó PGS, GS, các ứng viên phải chuẩn bị 3 bộ hồ sơ xét đạt tiêu chuẩn chức danh PGS, GS. Đối với các ứng viên có nhiều bài báo công bố, nhiều sách, nhiều đề tài, nhiều hợp đồng giảng dạy... bộ hồ sơ có thể nặng đến 50 kg!

 

Quý Hiên - Báo Thanh Niên




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC