Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, tỉnh Ninh Bình có khát vọng bứt phá vươn lên. (Ảnh: Lê Anh Dũng
Buổi làm việc từ ‘đặt hàng’ của địa phương
Ngày 29/2, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đồng chủ trì buổi làm việc giữa Bộ TT&TT với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Ninh Bình.
Tham dự buổi làm việc còn có Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình Mai Văn Tuất; Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc; các phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn, Trần Song Tùng, Nguyễn Cao Sơn; ba thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Phạm Đức Long và Nguyễn Huy Dũng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn chủ trì buổi làm việc ngày 29/2. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Diễn ra vào đầu năm mới, buổi làm việc xuất phát từ “đặt hàng” của tỉnh Ninh Bình, với mong muốn được Bộ TT&TT hỗ trợ định hướng để địa phương phát triển mạnh mẽ thời gian tới, trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ của cả nước. “Chúng tôi đã tự đặt ra những câu hỏi về phát triển địa phương mình nhưng chưa tự lý giải được nên muốn qua buổi làm việc này, được Bộ TT&TT hỗ trợ giải đáp”, ông Đoàn Minh Huấn chia sẻ.
Khẳng định khát vọng và quyết tâm là nhân tố số 1 để một tổ chức bứt phá trong thời đại hiện nay, người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh: Tỉnh Ninh Bình có khát vọng bứt phá vươn lên. Quyết tâm của người đứng đầu chính là yếu tố quyết định để địa phương chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo số, phát triển công nghệ số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, tỉnh Ninh Bình có khát vọng bứt phá vươn lên. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Quang Ngọc đã điểm ra một số kết quả Ninh Bình đạt được trong năm 2023 về phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi số và phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT trên địa bàn.
Định hướng thời gian tới của Ninh Bình là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và động lực để đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững, với tầm nhìn đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Đồng thời, trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc kiến nghị Bộ TT&TT hỗ trợ tỉnh trong phát triển công nghiệp ICT.
Bên cạnh đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ Ninh Bình trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển lĩnh vực TT&TT, một nội dung trọng tâm lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất Bộ chia sẻ và hỗ trợ tỉnh là phát triển thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp ICT.
Tìm con đường phát triển Ninh Bình xanh và số mới
Phần lớn thời gian của buổi làm việc diễn ra theo phương thức trao đổi, giải đáp những băn khoăn của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình về định hướng phát triển địa phương; tiêu biểu như: Xu thế phát triển chính của thời đại ngày nay; Làm thế nào để Ninh Bình trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ; Cần có những chế độ ưu đãi gì để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, mang lại nhiều giá trị cho tỉnh; chuyển đổi số thì nên làm trước lĩnh vực, ngành nào...
Ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chia sẻ về những lợi thế của địa phương.
Đề cập đến khát vọng đưa Ninh Bình thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, ngày nay khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa hay kinh tế tri thức chủ yếu xoay quanh công nghệ số, chuyển đổi số. Trong đó, đổi mới sáng tạo chính là thay đổi cách vận hành, kinh doanh và quản trị bằng công nghệ số.
Nêu lại những lợi thế của Ninh Bình được Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn điểm ra như gần Hà Nội, giao thông thuận tiện, có di sản văn hóa, môi trường sống tốt..., Bộ trưởng cho rằng các điều kiện này là cần thiết, nhưng chưa đủ để tỉnh trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo.
Dẫn ra câu chuyện thành phố nhỏ ở Thụy Sĩ trở thành trung tâm toàn cầu về blockchain nhờ tự biến mình thành ‘chuột bạch’ cho phép thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới này, Bộ trưởng đề xuất Ninh Bình lấy mình làm ‘chuột bạch’, tự đổi mới sáng tạo mình trước, trở thành nơi cho phép thử nghiệm những cái mới và nhờ vậy sẽ thành ‘thỏi nam châm’ thu hút các doanh nghiệp, nhà đổi mới sáng tạo tìm đến.
Bên cạnh yếu tố đặc biệt quan trọng là lãnh đạo số, để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, Ninh Bình còn cần dành chi tiêu cho ý tưởng đổi mới sáng tạo và công nghệ mới để tạo thị trường; chú trọng phát triển nhân lực số và các yếu tố nền tảng số như hạ tầng số, công dân số với 100% người dân có định danh số, chữ ký số, tài khoản thanh toán số. “Trong các yếu tố này, quan trọng nhất vẫn là có lãnh đạo số và biến mình thành chuột bạch, tự đổi mới sáng tạo trước, trở thành nơi cho phép thử nghiệm những cái mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng cuốn sách "Ngành Thông tin và Truyền thông" cho ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng chỉ rõ, một trong các cách để tỉnh Ninh Bình phát triển, tăng năng suất lao động và có tăng trưởng bền vững là làm những việc cũ theo cách mới, nhờ ứng dụng công nghệ số. Cần đưa công nghệ của cách mạng 4.0 vào tất cả các lĩnh vực của tỉnh.
Trong đó, với công nghiệp, tỉnh cần chọn tập trung vào những ngành theo 2 xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để đạt hiệu trên đất cao gấp nhiều lần hiện nay. Để đạt tốc độ tăng trưởng gấp đôi, cần có cách làm khác – sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng và tạo thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của từng làng, xã và thậm chí là từng hộ gia đình.
Giải đáp băn khoăn của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình về việc nên chuyển đổi số lĩnh vực nào trước, Bộ trưởng lý giải: Hạ tầng số và các nền tảng số cần được làm trước, tuy nhiên chuyển đổi số thì lĩnh vực nào cũng cần làm và không có lĩnh vực nào trước hay sau.
Qua buổi làm việc, ông Đoàn Minh Huấn cho rằng, Ninh Bình nhận thấy có một số việc có thể triển khai ngay như mời đầu tư trung tâm dữ liệu, tập trung phát triển hạ tầng số bài bản hơn, chuyển đổi số các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp... Đồng thời, đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc lựa chọn áp dụng “sandbox” (thử nghiệm có kiểm soát) cũng như làm sao để thu hút doanh nghiệp.
Nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng hỗ trợ địa phương phát triển, Bộ trưởng cam kết Bộ, ngành sẽ sát cánh cùng Ninh Bình. Việc liên quan đến ngành TT&TT, khi thấy khó thì tỉnh cần yêu cầu hỗ trợ từ Bộ càng ngành càng tốt. Làm việc khó cũng chính là cơ hội để Bộ TT&TT phát triển.
Một lần nữa chỉ rõ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là 2 chuyển đổi quan trọng giúp đất nước và địa phương phát triển nhanh và bền vững, Bộ trưởng cho rằng: Việc quan trọng vẫn là tỉnh phải đi đầu, có cách tiếp cận khác biệt và phải nhanh. Có như vậy, Ninh Bình mới thu hút được các nguồn lực về địa phương mình.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng tin tưởng tỉnh Ninh Bình sẽ tìm ra con đường phát triển hiện đại, xanh và số mới, dựa trên đặc điểm địa lý, văn hóa đặc thù của mình và có cách tiếp cận độc đáo, có quyết tâm hành động để vào năm 2045, thu nhập người dân của tỉnh Ninh Bình sẽ ở nhóm các nước phát triển có thu nhập cao.
Lãnh đạo Bộ TT&TT và tỉnh Ninh Bình thống nhất rằng, buổi làm việc đã mở ra mở ra các định hướng lớn để hình thành một chương trình hành động chi tiết về phát triển địa phương. Trên cơ sở chương trình hành động này, trong quý I/2024, 2 cơ quan sẽ tổ chức buổi làm việc tại Ninh Bình để triển khai các việc cụ thể.
Nguồn: Báo điện tử VietnamNet