Anh Trần Quang Minh (khu phố 9,Võ Xu) cho biết mọi năm thương lái vào tận rẫy đặt cọc mua dưa, nhưng năm nay đến ngày thu hoạch lại không thấy ai hỏi han. Anh buộc phải thuê xe chở dưa từ trong rẫy ra đây đổ đống, chờ người đến hỏi mua.
“Nhà tôi trồng một hecta, thu hoạch hơn 30 tấn. Dưa đổ đống như thế này 5 ngày rồi. Bây giờ thương lái không mua, chỉ bán cho những người buôn nhỏ được vài trăm ký, giá từ 1.000-1.200 đồng một kg”, anh Minh cho biết.
Cũng cùng cảnh ngộ nhà anh Minh, chị Nguyễn Thị Hồng Phương ngồi ủ rủ bên đống dưa hấu vừa thu hoạch 10 tấn nằm phơi nắng, phơi sương suốt 4 ngày qua cũng cho hay: “Mới thu hoạch 3 sào thôi mà không ai mua. Còn 5 sào nữa, không biết có bán được hay không".
Với mức giá này, nông dân bị lỗ mất hơn 60 triệu đồng một ha. Nhiều người đi thuê đất trồng dưa còn lỗ nặng hơn vì phải mất thêm tiền thuê đất 20 triệu đồng mỗi ha. Tính trung bình, một hecta dưa hấu có chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, cho sản lượng trung bình hơn 30 tấn. Thời điểm hiện tại, dưa to đẹp loại trên 3kg có giá 1.500-1.600 đồng một kg, loại trung bình giá trên dưới 1.000 đồng.
Anh Hoàng Ngọc Quân (ngụ thi trấn Võ Xu) cho biết: “Gia đình tôi thuê 1ha đất để trồng dưa Tết với giá 20 triệu đồng, cộng với khoảng 60 triệu đồng bỏ ra để đầu tư. Thế mà đã 3 ngày qua, 35 tấn dưa hấu của tôi chưa bán được trái nào”.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Kim Cúc (thương lái ngụ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), chia sẻ: “Hiện tại dưa hấu không thể xuất đi Trung Quốc nên chúng tôi chỉ thu mua lượng hàng hạn chế để xuất bán đi ở thị trường trong nước”.
Ông Nguyễn Đức Binh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Đức Linh cho biết trồng dưa hấu Tết là nghề truyền thống của nhiều hộ nông dân ven sông La Ngà, huyện Đức Linh (Bình Thuận). Năm nay, vụ dưa Tết trồng vượt 60 ha so với năm ngoái. Việc dưa bị ế, bán giá thấp là do không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường nội địa không tiêu thụ nhiều.
Theo ông Nguyễn Minh Nghị, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh, có hiện tượng “cò dưa”, dẫn đến giá cả bị các đối tượng này chi phối. Bên cạnh đó, theo thông kê, toàn tỉnh Bình Thuận đang có khoảng trên 200ha dưa hấu trồng phục vụ dịp tết Nguyên đán nên lượng dưa khá nhiều, dẫn đến ‘cung vượt cầu”.
“Nhiều nhà vườn vay ngân hàng để đầu tư, nay lỗ nặng lâm vào cảnh nợ nần. Đại lý phân, thuốc cũng không thu được khoản cung ứng đầu tư trước cho bà con nông dân. Nhiều người phải cầm cố sổ đỏ để trả nợ”, ông Binh nói.
Điệp khúc "vượt sản lượng": Lỗ nặng
Còn nhớ năm ngoái, tại Cần Thơ, thương lái mua dưa của nông dân từ trước tới khi mang xuống Trung tâm TP. Cần Thơ thì giá lại quá thấp do vượt sản lượng, dưa hấu đầy tràn ra cả đường.
Thương lái Lê Văn Thới, ngụ xã Vĩnh Tường (Vị Thủy, Hậu Giang) chuyển hơn 500 cặp dưa hấu chưng Tết đến vỉa hè đường 30 tháng 4 (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) phải chịu cảnh ế ẩm vì số lượng dưa quá lớn.
Ông Thới cho biết, ngày 25 tháng Chạp, dưa chưng Tết vỏ vàng và vỏ xanh có giá 20.000 đồng/kg thì nay giảm xuống chỉ còn 10.000/kg mà sống lượng người mua rất ít. Thậm chí 1 quả dưa 15 kg đã hạ xuống còn 100 ngàn đồng mà người đi chợ Tết chỉ đứng xem chứ không mua.
Trung bình mỗi công (1 công 1.000 m2) dưa hấu được mua ngay tại ruộng với giá 20 triệu đồng cộng với chi phí vận chuyển, thuê mặt bằng khoảng 5 triệu đồng nhưng ra đến chợ Tết đã bị “dội chợ” nên thương lái mua bán vụ dưa 2015 không có Tết.Ông Thới cho biết: “Năm nay do dưa hấu tết trúng mùa nên sản lượng tăng đột biến. Trong khi đó, thương lái đã đặt mua ngay tại ruộng của nông dân từ rất sớm và không dự tính được sản lượng nên chắc chắn năm nay không có lời và có khả năng bị lỗ nặng”.
Cúc Phương (Tổng hợp)