Gần đây nhất, với mục tiêu hạn chế sự tăng dân số cơ học ở nội thành thông qua việc thi hành chính sách, Hà Nội dự kiến quy định diện tích tối thiểu để người dân đủ điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành là 15m2 sàn/người và ngoại thành là 8m2 sàn/người.
Dù vậy, bài học nhãn tiền là đề án giãn dân phố cổ thất bại sau 10 năm thực hiện cho thấy Hà Nội cần nhiều hơn những chính sách thực tiễn thay vì chỉ đơn giản đưa ra những mệnh lệnh hành chính "đánh đố người dân". Thành phố đứng trước bài toán nan giải về việc làm thế nào để "hút" dân ra khỏi nội thành.
Giữa trưa hè tháng 6, Trương Tiến (33 tuổi) mang chiếc xe đạp ra trước cửa phòng trọ ngồi sửa. Là người Thanh Hóa nhưng mưu sinh ở khu công nghiệp Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), Tiến mở một cửa hàng cắt tóc để phục vụ các công nhân quanh khu vực này, đồng thời kiêm thêm nghề "độ" xe đạp.
Vợ Tiến cũng là một công nhân ở khu công nghiệp. Hai vợ chồng đã đi ở trọ tại Đông Anh được 4 năm, cũng là khoảng thời gian có thêm hai đứa con nhỏ. Căn phòng trọ chỉ rộng vỏn vẹn 15m2, kê được đúng một cái giường cho 4 người nằm là chật ních.
"Diện tích tối thiểu" là cụm từ tương đối xa lạ với một thanh niên như Tiến. Vợ chồng anh quanh năm chỉ lo làm lụng, tích cóp và lo cho con được đi học đã là may mắn. Nhưng sắp tới, Tiến có thể có thêm một nỗi lo mới khi căn phòng gia đình anh đang ở không đủ diện tích tối thiểu để đăng ký hộ khẩu thường trú - điều kiện đảm bảo các con anh sẽ được đi học trường công lập.
Trong dự thảo Nghị quyết sắp được Hà Nội trình lên HĐND thông qua vào tháng 7 tới, thành phố quy định diện tích tối thiểu để người dân đăng ký thường trú ở nội thành là 15m2 sàn/người và ngoại thành là 8m2 sàn/người.
Như vậy theo tiêu chuẩn này, 4 người nhà Tiến phải ở trong một căn phòng tối thiểu 32m2 mới đảm bảo đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú. Chưa kể đến sắp tới, khi Đông Anh trở thành quận, định mức 15m2 sàn/người có thể bị đẩy sang khu vực này.
Xóm trọ nơi Tiến ở có khoảng 12 phòng với giá thuê dao động từ 900.000 đến 1,2 triệu đồng/tháng. So với khu vực nội thành, giá thuê này là tương đối rẻ. Nhưng so với thu nhập của vợ chồng Tiến, đây vẫn là một khoản tiền đáng để lo mỗi tháng.
Từ đầu năm nay, công ty của vợ Tiến giãn việc nên thu nhập giảm khoảng 30%. Còn với một người thợ cắt tóc như Tiến, làn sóng cắt giảm việc làm trong các doanh nghiệp cũng tác động một cách gián tiếp, khi lượng khách hàng tiềm năng là công nhân giảm dần.
Trong 3 tháng gần nhất, thu nhập của hai vợ chồng Tiến dao động 5-7 triệu đồng/tháng. Như vậy, khoản tiền thuê nhà đã chiếm khoảng 20% thu nhập hàng tháng của cả gia đình, chưa kể tiền cho con ăn bán trú là khoảng 1,2 triệu đồng, rồi tiền thuốc men, bỉm sữa, ăn uống cùng các nhu cầu chi tiêu khác.
"Giờ nếu thuê căn trên 30m2 ở quanh khu công nghiệp này cũng rất khó vì các nhà trọ đều xây nhỏ, chỉ để đảm bảo công nhân có chỗ ngủ nghỉ. Kể cả có phòng trên 30m2 thì giá thuê chắc cũng đội lên mấy triệu, lúc đó thì thu nhập của gia đình không kham nổi", Tiến nói.
Nam thanh niên cho biết hai đứa nhỏ nhà anh đều đã đến tuổi đi học nên sắp tới, anh cũng có kế hoạch đăng ký hộ khẩu thường trú để thuận lợi hơn trong việc cho các con đến trường công sau này, nhất là khi vợ chồng anh mong muốn định cư tại đây lâu dài.
Nhưng với diện tích nhà trọ hiện tại là 15m2 và định hướng Đông Anh trở thành quận, gia đình anh mới chỉ đảm bảo diện tích tối thiểu cho một người theo quy định của Hà Nội và phải phấn đấu thêm 45m2 nữa cho 3 người còn lại trong gia đình.
Có cùng băn khoăn với Tiến, vợ chồng anh Hứa Văn Tiện (34 tuổi, quê Yên Bái) cho biết quy định mới có thể làm khó những công nhân tỉnh lẻ, đi thuê trọ như anh. Không có ý định ở khu công nghiệp Kim Chung lâu dài, anh Tiện cho biết vợ chồng anh có thể "dịch chuyển" đi chỗ khác trong tương lai, miễn là khu vực đó có việc làm.
Anh Tiện băn khoăn trong tương lai, vợ chồng anh muốn đi làm ở khu công nghiệp Nam Thăng Long tại quận Bắc Từ Liêm thì phải bắt buộc thuê căn hộ 60m2 cho 4 người ở để được đăng ký hộ khẩu thường trú.
Trong khi đó, phòng trọ gia đình anh đang ở tại khu công nghiệp Kim Chung chỉ rộng chừng 18m2, với giá thuê 1,2-1,5 triệu đồng/tháng. Như vậy nếu theo cấp số nhân, một căn phòng 60m2 có thể lên tới 5-6 triệu đồng. Đây gần như là cả tháng thu nhập của hai vợ chồng anh Tiện.
Không chỉ người thuê trọ băn khoăn, bà Thu - chủ một nhà trọ ở Đông Anh - cũng cho rằng rất khó để những người có nhà trọ cho thuê như bà đảm bảo được những căn phòng đáp ứng diện tích tối thiểu.
Bà cho biết các công nhân làm việc ở khu công nghiệp không có nhu cầu thuê những căn phòng quá rộng, vì họ gần như dành cả ngày ở chỗ làm.
Phòng trọ thường chỉ là nơi để các công nhân nghỉ ngơi, ăn uống cho qua ngày. Nắm bắt được tâm lý đó, bà Thu và hầu hết chủ nhà trọ quanh các khu công nghiệp thường chỉ xây dựng những căn phòng trọ rộng chưa đầy 20 m2, các phòng dùng chung nhà vệ sinh để đảm bảo có phòng cho thuê giá rẻ. Đó là tiêu chí quan trọng nhất để các công nhân lựa chọn thuê phòng.
Vì vậy, bà cho rằng việc Hà Nội quy định diện tích tối thiểu đăng ký thường trú có thể tác động đến những người cho thuê trọ như bà.
"Có người không có mục đích đăng ký thường trú nhưng có người lại mong muốn có được hộ khẩu Hà Nội để tiện làm các thủ tục hành chính sau này. Những người như vậy họ sẽ không lựa chọn sống tại các khu trọ giá rẻ, không gian hẹp như nhà tôi nữa", bà Thu nói.
Bên cạnh những lo lắng của người dân sinh sống tại các khu công nghiệp với những căn trọ chật chội, dự thảo Nghị quyết mới của Hà Nội có thể tác động tới người dân ở khu vực phố cổ - nơi có hàng chục nghìn căn nhà không đáp ứng được tiêu chuẩn.
Bà Bình (người dân ở phố Hàng Chiếu) cho biết gia đình bà thuê lại ngôi nhà trên phố cổ với giá 2 triệu đồng/tháng, diện tích chỉ khoảng 12m2 với tổng cộng 5 người sinh sống là những người bà con cùng quê lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề đi buôn. Nếu so với chỉ tiêu Hà Nội đưa ra, diện tích trên thậm chí chưa đảm bảo được cho một người ở.
Dù vậy, người phụ nữ này không quá quan tâm đến chỉ tiêu về diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú, bởi bà không có nhu cầu. Việc quy định diện tích tối thiểu của Hà Nội có thể trở nên vô nghĩa với những người dân thuê nhà ở phố cổ như bà Bình, bởi mục tiêu quan trọng nhất của họ là mưu sinh, kiếm sống chứ không phải đăng ký thường trú.
Vì lẽ trên, mục tiêu Hà Nội đặt ra trong dự thảo Nghị quyết về việc giúp hạn chế việc tăng mật độ dân số một cách cơ học có thể sẽ khó khả thi. Đây cũng là điều mà nhiều chuyên gia quan tâm khi phản biện về dự thảo quy định diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú tại Hà Nội.
Tham gia góp ý với Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề nan giải tại nội thành Hà Nội hiện nay là quản lý dân cư khu phố cổ. Dự thảo chỉ phân ra hai khu vực với diện tích 8m2 và 15m2 là chưa gắn với đặc thù phát triển của thành phố và với những chỉ thị của trung ương nên cần được xem xét thêm.
Trong khi đó tại dự thảo Nghị quyết, UBND Hà Nội cho biết mục tiêu của quy định trên nhằm giảm tình trạng tăng dân số cơ học ở nội thành, nhất là khu vực nội đô lịch sử. Việc tăng dân số quá nhanh gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tác động mạnh mẽ đến công tác quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội, môi trường trên địa bàn thủ đô.
Ngoài ra, Hà Nội cho rằng thời hạn áp dụng Nghị quyết 11 của HĐND Hà Nội đã kết thúc vào ngày 31/12/2020, nên đòi hỏi cấp thiết ban hành Nghị quyết mới quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để đảm bảo việc thực thi Luật Cư trú 2020 có hiệu quả.
Nội dung: Hà Mỹ - Nguyễn Hải
Thiết kế: Tuấn Huy
01/07/2023