Cử nhân không có tiền chạy công chức, lại đối diện với tình thế cạnh tranh khốc liệt thì thất nghiệp còn tăng nhiều. 

Thất nghiệp tăng vì cạnh tranh gắt

Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội giải thích đây là số liệu của quý III chứ không phải số liệu thống kê tỉ lệ thất nghiệp chung của toàn năm 2015.

Hay nói cách khác, số liệu có thể có tính thời vụ cũng có thể số liệu thống kê vào đúng thời điểm sinh viên ra trường nhiều. Vì thế, trong một thời điểm nhất định họ chưa có việc làm nên họ bị coi là thất nghiệp.

Ông Ngọc cho biết, tỉ lệ cử nhân thất nghiệp tăng cao sẽ gây áp lực rất lớn cho ngành giáo dục đào tạo. Nguyên nhân là do đào tạo không theo kịp yêu cầu của thị trường. 

PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại – cũng nói rằng các ông cử, bà thạc thất nghiệp ngày càng tăng là do đào tạo.

"Ở đây là do không nắm được nhu cầu tuyển dụng, không biết thông tin tuyển dụng, không có được dự báo tuyển dụng nên mới có chuyện đào tạo chỉ biết đào tạo còn có xin được việc hay không thì không cần quan tâm.

Hệ quả trước mắt là sự lãng phí nguồn nhân lực rất lớn. Tiếp đến, khi tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực người có trình độ ngày càng tăng cao, trong khi nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp không nhiều sẽ là nguy cơ gây áp lực rất lớn tới nền hành chính công vụ", vị chuyên gia nhắc nhở. 

Theo ông Nam, nghiêm túc mà nói, nếu một nền công vụ minh bạch, lành mạnh thì tương lai những người có trình độ, kiến thức sẽ có nhiều cơ hội. Nhất là, khi chủ trương về tinh giản biên chế, không được tăng biên chế đang được chỉ đạo quyết liệt thì khả năng người thực tài sẽ có cơ hội được tuyển dụng, người yếu kém sẽ bị loại ra.

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng lý thuyết là như vậy, nhưng trên thực tế tâm lý người Việt vẫn đang chạy theo tư duy bao cấp, thích chạy vào công chức, vào biên chế để được yên thân, ổn định.

Cũng từ tâm lý phải vào bằng được nên mới nảy sinh cơ chế xin cho, tiêu cực, nể nang, quan hệ…

“Căn bệnh chạy chức, chạy quyền ngày càng trở lên trầm trọng, chưa có được phương thuốc đặc trị. Nhưng chống tham nhũng chỉ hô hào, chống tham nhũng không thực tâm, không chống được từ bản thân cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu”, ông Nam nói.

Trước thực tế như vậy, vị chuyên gia nói thẳng trong tương lai tình trạng thất nghiệp ở những người có bằng cấp còn tăng lên, giá chạy công chức 200 triệu còn rẻ chán. Đặc biệt đối với những cử nhân đại học, cao đẳng nếu cứ thân cô thế cô, không có tiền chạy công chức mà phải đối diện với tình thế cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì chắc chắn còn phải chấp nhận cảnh thất nghiệp trong nhiều năm nữa.

“Nhiều người tôi biết chạy rất nhiều, chạy được vào biên chế rồi còn phải chạy lên chức nữa. Lên chức mới có cơ hội kiếm ăn”, ông Nam cho biết.

4 nguyên nhân

Ông Nguyễn Tiệp - nguyên Hiệu trưởng ĐH Lao động, xã hội chỉ ra 4 nguyên nhân.

Thứ nhất, thị trường lao động, đặc biệt thị trường lao động chất lượng cao đang đối diện với thực tế cung – cầu không gặp nhau.

Thứ hai, chất lượng lao động cũng không đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay các trường cao đẳng, đại học cả khu vực công và tư nhân mọc lên quá nhiều nhưng đào tạo lại không theo một tiêu chí nào, mục tiêu ra sao.

Ông Tiệp nêu ví dụ, trường thì đào tạo theo tâm lý ai thích là vào, đào tạo xong không làm ngành này thì làm ngành khác. Tư duy này cần phải được thay đổi ngay.

Thứ ba, hệ thống dịch vụ việc làm (cầu nối, môi giới việc làm) kém. Không nắm bắt được thông tin, không kết nối được giữa các trường và doanh nghiệp.

Do đó, không có một kế hoạch, chiến lược phân bổ chỉ tiêu đào tạo tới các trường cho phù hợp. Mặt khác, các trường lại đang đào tạo theo kiểu mạnh ai nấy làm. Trường nào tuyển sinh được nhiều trường đó thắng. Đào tạo theo kiểu kiếm số lượng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống...

Thứ tư, phải thay đổi chính sách điều hành. Theo vị chuyên gia, chính sách biên chế suốt đời cần phải suy nghĩ lại. Không thể để tâm lý vào công chức để ổn định, vào để tìm kiếm cơ hội… mà cần phải có sự rà soát, sàng lọc công chức từng năm.

Bên cạnh đó cũng phải thay đổi chính sách an sinh xã hội, thực hiện chủ trương đào tạo lại cho người thất nghiệp, tạo cơ hội cho họ tìm được việc làm trong tương lai.

Vì thế, vị chuyên gia kiến nghị cần phải hoàn thiện một loạt các chính sách về thị trường lao động, chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp với môi trường đào tạo…

Theo Lam Lam/ DatViet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC