Ông Nguyễn Văn Yên, cựu Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước theo Điều 337 Bộ luật Hình sự. Vậy trong vụ án này, trách nhiệm của người đứng đầu được quy định như thế nào?

1 Ong Nguyen Van Yen Bi Bat Ong Phan Dinh Trac Co Chiu Trach Nhiem Nguoi Dung Dau

Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, trao quyết định và chúc mừng ông Nguyễn Văn Yên làm Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương vào ngày 28/1/2022

Theo các quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn yên bị khởi tố, ông Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung ương - có thể sẽ phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu, theo Quy định 41 của Bộ Chính trị, ban hành tháng 11/2021.

Để biết liệu ông Trạc có phải nhận trách nhiệm hay không, cần xem xét tính chất và mức độ sai phạm của ông Nguyễn Văn Yên.

Tội danh của ông Nguyễn Văn Yên

Tội danh bị khởi tố của ông Yên và các vi phạm của ông theo thông cáo của Đảng Cộng sản Việt Nam là như thế nào?

Xét quy định của Đảng thì những "vi phạm" của ông có ảnh hưởng như thế nào đối với thủ trưởng của ông?

Điều 7 Quy định 41 của Bộ Chính trị nêu:

1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.

3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Yên bị khởi tố, bắt giam về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước theo Điều 337 BLHS.

2 Ong Nguyen Van Yen Bi Bat Ong Phan Dinh Trac Co Chiu Trach Nhiem Nguoi Dung Dau

Ông Nguyễn Văn Yên bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra "Tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" theo Điều 337 Bộ luật Hình sự

Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, phân tích với BBC rằng, về bản chất, tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

"Theo quy định tại Điều 337 về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thì mức hình phạt cao nhất của khung một là 7 năm tù, khung ba là 15 năm tù.

"Do đó, căn cứ Điều 9 của Bộ luật Hình sự thì đây có thể xem là tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng, tùy thuộc vào việc ông Yên bị truy tố theo khung hình phạt nào," theo luật sư Sơn.

Theo phân tích của chuyên gia luật, tội danh mà ông Nguyễn Văn Yên bị khởi tố không thuộc nhóm tội "tham nhũng" hay "tội đặc biệt nghiêm trọng", nên việc có được xem là "tiêu cực nghiêm trọng" hay không còn tùy vào định nghĩa của Đảng, mà định nghĩa này không được diễn giải trong Quy định 41.

Tuy nhiên, ngày 19/6, ông Yên đã bị "cách tất cả chức vụ trong Đảng" và Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận ông đã "gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị công tác".

Ông Yên bị xem là "đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, kê khai tài sản, thu nhập, hôn nhân và gia đình".

Chưa rõ với tính chất tội danh "nghiêm trọng" đến "rất nghiêm trọng" và việc Đảng kết luận ông "gây hậu quả rất nghiêm trọng" đã đủ điều kiện để liệt vào "tiêu cực nghiêm trọng" của Quy định 41 nêu trên hay không.

Nếu có, thì ông Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng - khó tránh được việc "chịu trách nhiệm chính trị người đứng đầu".

Mối quan hệ với ông Phan Đình Trạc

Ông Nguyễn Văn Yên, sinh năm 1966, quê quán ở xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Theo báo chí Việt Nam, ông có một thời gian dài công tác trong ngành công an, kinh qua nhiều vị trí.

Đáng chú ý, trong vụ án của "siêu lừa" Nguyễn Đức Chi vào tháng 9/2005, ông Nguyễn Văn Yên, khi đó là điều tra viên, đã bị tố cáo "gài bẫy" để Công ty Lâm Viên (thuộc Bộ Quốc phòng) trả nợ thay cho ông Nguyễn Đức Chi, từ đó "ăn tiền hoa hồng", theo tường thuật của báo Sài Gòn Giải Phóng lúc bấy giờ.

Viện Kiểm sát khi đó nói rằng đã "có những thông tin từ nguồn đáng tin cậy cho thấy ông Yên đã hưởng tỷ lệ phần trăm hoa hồng từ việc đòi nợ hộ".

Tuy nhiên, trách nhiệm và vai trò của ông Nguyễn Văn Yên sau đó không được nói đến.

Trả lời BBC vào cuối tháng 6/2024, một cựu quân nhân từng là lãnh đạo Công ty Lâm Viên cho biết ông Nguyễn Văn Yên trong vụ việc năm 2005 chính là ông Nguyễn Văn Yên bị khởi tố hiện nay.

Tới cuối năm 2006, ông là thư ký của Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Năm 2010, ông Yên được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Năm 2013, khi Ban Nội chính Trung ương chính thức ra mắt, ông Yên được điều sang làm Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Theo dõi xử lý các vụ án của ban này.

Ông Phan Đình Trạc vào năm 2013 cũng được Bộ Chính trị điều động từ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An về làm Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Khi đó, dàn lãnh đạo của ban này chỉ gồm một trưởng ban và hai phó ban.

Đến tháng 1/2015, ông Phan Đình Trạc trở thành Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương.

Tháng 2/2015, Đại tá công an biệt phái Nguyễn Văn Yên được thăng chức từ phó vụ trưởng lên làm vụ trưởng Vụ Theo dõi xử lý các vụ án, vụ việc của Ban Nội chính Trung ương. Trong buổi lễ công bố quyết định này, ông Trạc cũng có mặt với vai trò là Phó trưởng Ban Thường trực.

3 Ong Nguyen Van Yen Bi Bat Ong Phan Dinh Trac Co Chiu Trach Nhiem Nguoi Dung Dau

NGUỒN HÌNH ẢNH,BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

Ông Phan Đình Trạc (ngoài cùng bên phải) chúc mừng các cán bộ được điều động, bổ nhiệm vị trí mới. Trong đó có ông Nguyễn Văn Yên (thứ hai từ trái qua), người được thăng chức lên làm Vụ trưởng

Ông Phan Đình Trạc trở thành Trưởng Ban Nội chính Trung ương vào tháng 2/2016 và giữ chức này cho tới nay.

Tháng 1/2022, ông Yên được Ban Bí thư bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Trong buổi lễ trao quyết định này, khi phát biểu giao nhiệm vụ cho ông Yên, ông Phan Đình Trạc đã nhấn mạnh: Ông Nguyễn Văn Yên "trưởng thành từ sĩ quan công an, làm việc tại văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng từ năm 2017, đảm nhiệm chức Vụ trưởng Vụ Theo dõi xử lý các vụ án vụ việc tại Ban Nội chính Trung ương".

Theo đánh giá lúc bấy giờ của Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, ông Nguyễn Văn Yên "luôn nỗ lực, kiên trì trong công việc, đặc biệt đã có quá trình làm các nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực".

Như vậy, có thể thấy, ngay từ những ngày đầu tiên khi Ban Nội chính Trung ương thành lập vào năm 2013, ông Phan Đình Trạc và ông Nguyễn Văn Yên đã có cơ hội làm việc với nhau và ông Trạc là thủ trưởng của ông Yên từ đầu năm 2022.

Chưa kể, cả hai đều xuất thân từ ngành công an trước khi được điều động về các ban Đảng gồm Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương.

Có một vụ việc gây ồn ào xảy ra hồi tháng 5/2023. Lúc bấy giờ, một số tờ báo tại Việt Nam đăng hình ông Nguyễn Văn Yên đeo đồng hồ phát biểu trong cuộc họp của Ban Nội chính Trung ương vào ngày 10/5.

"Dân mạng” sau đó đã chỉ ra chiếc đồng hồ Patek Philippe mà ông đeo có giá hơn 260.000 USD (hơn 6,5 tỷ đồng). Sau đó, các tờ báo này đã sửa lại hình ảnh bằng cách cắt đi phần tay đeo đồng hồ.

Chưa rõ chiếc đồng hồ trị giá hàng tỷ đồng của ông Yên đã được kê khai tài sản hay chưa, nhưng trong thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng có chi tiết ông Yên đã vi phạm quy định của Đảng và pháp luật về "kê khai tài sản, thu nhập, hôn nhân và gia đình".

Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ những đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm:

  • Cán bộ, công chức.
  • Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.
  • Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
  • Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Như vậy, ông Yên thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập.

4 Ong Nguyen Van Yen Bi Bat Ong Phan Dinh Trac Co Chiu Trach Nhiem Nguoi Dung Dau

NGUỒN HÌNH ẢNH, BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

Chiếc đồng hồ gây dư luận đã được ông Nguyễn Văn Yên đeo từ tháng 5/2019, tại một hội nghị của Ban Nội chính Trung ương. Tới tháng 5/2023, nó trở thành tâm điểm bàn tán.

Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng nêu chi tiết tài sản, thu nhập phải kê khai, gồm:

a) Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng;

b) Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên;

c) Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;

d) Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

Như vậy, đồng hồ thuộc nhóm động sản phải kê khai nếu có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên.

Chịu trách nhiệm của người đứng đầu

Trường hợp mới nhất "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu" là Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vì để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Tài chính.

Theo thông báo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Dũng đã "nhận thức trách nhiệm trước Đảng và nhân dân" nên đã có đơn xin thôi các chức vụ được phân công, nghỉ công tác, nghỉ hưu.

Ngày 19/6, Bộ Chính trị đã "đồng ý" cho ông thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Đến ngày 21/6, Trung ương Đảng cũng đã "đồng ý" cho ông thôi làm ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.

Chiều 25/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 với ông Đinh Tiến Dũng.

Như vậy, ông Dũng không phải bị "miễn nhiệm" mà là "từ chức", theo định nghĩa trong Quy định 41. Bởi lẽ, Quy định 41 giải thích về hai khái niệm này như sau:

  • Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.
  • Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
  • Quy định 41 của Bộ Chính trị còn nêu trường hợp căn cứ xét miễn nhiệm, gồm việc bị cơ quan có thẩm quyền kết luận "vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác".

Xét thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng ngày 21/6 như sau:

"Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian làm bí thư Ban cán sự đảng, bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc."

Như vậy, rõ ràng là những vi phạm của ông Đinh Tiến Dũng đúng với căn cứ để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét miễn nhiệm đối với ông, nhưng Đảng đã không làm như vậy.

Tuy nhiên, trong trường hợp ông Đinh Tiến Dũng, thông cáo của Đảng Cộng sản chỉ dùng các khái niệm "tự nguyện xin thôi chức" và "đồng ý cho thôi chức", chứ không dùng đúng thuật ngữ "từ chức", "miễn nhiệm" theo Quy định 41.

Điều tương tự cũng đã được áp dụng đối với các trường hợp ủy viên Bộ Chính trị trước đó, chẳng hạn ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ.

5 Ong Nguyen Van Yen Bi Bat Ong Phan Dinh Trac Co Chiu Trach Nhiem Nguoi Dung Dau

Thực tế, quy trình “xin thôi” này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn giải trong một cuộc tiếp xúc cử tri vào tháng 5/2023 và được coi là "một điểm mới", với việc Đảng khuyến khích cán bộ, kể cả cấp cao, xin thôi chức.

Lúc bấy giờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất xin thôi."

"Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất. Gần đây rất nhiều trường hợp và còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem," ông Trọng nói.

"Rút lui trong danh dự" ở đây có thể hiểu rằng các quan chức này vẫn được hưởng các quyền lợi theo cấp bậc của một cựu cán bộ lãnh đạo và quan trọng là không bị xử lý hình sự, dù những cán bộ này có những vi phạm "gây hậu quả nghiêm trọng".

Có thể thấy là cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vẫn có mặt đều đặn tại các kỳ họp hoặc sự kiện lớn của đất nước, ngồi ở hàng ghế danh dự.

'Xin thôi' là sai quy định?

Trước ông Đinh Tiến Dũng, hàng loạt ủy viên Bộ Chính trị, có cả "Tứ Trụ", cũng "xin thôi" dù những người này cũng bị Đảng xác định là đã có những vi phạm thuộc diện đủ căn cứ để xem xét miễn nhiệm.

Ngày 16/5, thường trực Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng Trương Thị Mai được Đảng xác định là "có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên".

Bà Mai đã "nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân" nên có "đơn xin thôi giữ các chức vụ" và được Đảng đồng ý.

Tương tự, ngày 26/4, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, cũng bị Đảng kết luận là "vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên".

Ông Huệ cũng "có đơn xin thôi giữ các chức vụ" và được Đảng "đồng ý".

Ngày 20/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã bị Đảng kết luận là "vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên".

Ông Thưởng cũng "nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân" nên "có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác" và được Đảng "đồng ý".

Như vậy, bà Mai, ông Huệ và ông Thưởng đều có những vi phạm đủ căn cứ xem xét cho miễn nhiệm. Nhưng cả ba đều được "hạ cánh an toàn" theo cách chủ động "xin thôi".

Đáng chú ý, Quy định 41 nêu rõ nguyên tắc rằng: "Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm". Tuy nhiên, Quy định 41 không nói rõ trường hợp nào phải miễn nhiệm mà chỉ nêu những trường hợp căn cứ xem xét miễn nhiệm. Và những nhân vật cấp cao trên đều thuộc diện bị xem xét miễn nhiệm.

Nhưng việc họ được cho xin thôi chức gợi ý rằng Đảng đã chọn không miễn nhiệm những ủy viên Bộ Chính trị này mà cho họ "rút lui trong danh dự". Đảng cũng không dùng thuật ngữ "từ chức" đối với họ.

6 Ong Nguyen Van Yen Bi Bat Ong Phan Dinh Trac Co Chiu Trach Nhiem Nguoi Dung Dau

Bảy ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 đã "xin thôi" từ đầu khoá tới hiện tại

Các ủy viên Bộ Chính trị khác là Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chủ động "xin thôi" vì "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu". Nhưng hai ông này không bị kết luận vi phạm những điều đảng viên không được làm hay vi phạm nêu gương cán bộ.

Riêng trường hợp Phó Thủ tướng, ủy viên Bộ Chính trị Phạm Bình Minh thì có chút mâu thuẫn trong cách thông báo về việc ông xin nghỉ theo Quy định 41.

Tại cuộc họp báo ngày 9/1/2023, báo chí đã đặt câu hỏi: "Quy định 41 về từ chức, miễn nhiệm quy định nhiều căn cứ từ chức, vậy các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam từ chức vì lý do gì?”

Khi đó, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường không nêu rõ ông Minh và ông Đam nghỉ theo Quy định 41 cụ thể là gì nhưng cho biết hai ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam "được Quốc hội miễn nhiệm, không phải từ chức".

Nguồn: BBC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC