Ngày 14/8, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội cho biết đã nắm được thông tin Sở GD&ĐT TP.HCM phản hồi việc ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt, SN 1959) không có tên trong danh sách thi và cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989.
"Khi có kết luận của cơ quan chức năng về bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt, nhà trường sẽ căn cứ vào đó để xử lý theo quy chế quản lý văn bằng chứng chỉ của Bộ GD&ĐT", ông Dũng nói.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh và đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, trường hợp học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ (sử dụng bằng giả trong hồ sơ đăng ký) thì sẽ bị buộc thôi học. Các văn bằng nếu được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định.
Nghị định 04 của Chính phủ ban hành năm 2021 cũng quy định rõ việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. "Tùy theo hành vi cụ thể mà người sử dụng bằng giả có thể bị xử phạt vi phạm về hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ với mức phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng" - (Khoản 3, Điều 21 Nghị định 04).
Ông Thích Chân Quang.
Ông Thích Chân Quang từng tốt nghiệp cử nhân ngành tiếng Anh tại trường Đại học Ngoại ngữ (nay là trường Đại học Hà Nội) vào năm 2001.
Tháng 1/2019, ông Thích Chân Quang được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng cử nhân ngành Luật văn bằng thứ 2, hệ vừa làm vừa học của trường Đại học Luật Hà Nội, xếp hạng Giỏi. Chỉ sau đó 2 năm, ông tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường Đại học Luật Hà Nội.
Khi đó, trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định, tổng thời gian đào tạo tiến sĩ của ông Thích Chân Quang đến khi có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ là 2 năm 3 tháng, đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT và quyết định của nhà trường.
Về thông tin ông Thích Chân Quang chưa tốt nghiệp cấp 3, đại diện trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, về nguyên tắc, khi có văn bản chính thức của cơ quan quản lý thì trường sẽ thực hiện các quy trình theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nếu học viên sử dụng bằng giả để tuyển sinh thì các trường đào tạo và cấp bằng ở bậc cao hơn sẽ thực hiện các thủ tục theo quy định của Bộ GD&ĐT về quản lý văn bằng chứng chỉ.
Theo kết quả xác minh ban đầu, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Đồng thời, Bộ tiếp tục phối hợp với cơ quan an ninh để điều tra nhiều thông tin quan trọng khác liên quan đến bằng cấp của ông Thích Chân Quang.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng kiểm tra, xác minh quá trình đào tạo của ông Thích Chân Quang tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Quá trình đào tạo về cơ bản không trái với các quy định pháp luật. Hồ sơ tuy có một số thiếu sót nhưng đã được khắc phục trong quá trình đào tạo.
Theo quy định hiện hành về đào tạo tiến sĩ, Bộ GD&ĐT đã gửi các chuyên gia phản biện độc lập thẩm định chất lượng luận án. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ sẽ tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định luận án theo đúng quy định.
Theo VTC News