Với số lương đi làm của cán bộ công chức nhà nước mua đồng hồ 2-3 triệu đồng còn thấy lớn huống chi tiền triệu USD.
“Tôi mơ không được”
Ngày 6/7, trên báo Dân Trí dẫn lại câu chuyện của Phó TGĐ một tập đoàn tư nhân thuộc loại hàng đầu Việt Nam (trụ sở tại Hà Nội) có qui mô tổng tài sản lên tới hàng tỷ USD, tiết lộ trong một lần nói chuyện, trông thấy ông đeo đồng hồ, ông Trịnh Xuân Thanh chỉ tay bảo: “Mày đeo cái này (một chiếc Patek Philippe) làm đếch gì. Cái này đưa cho bọn lái xe đeo”.
Ông này cảm thấy “choáng” vì chiếc đồng hồ mình đeo cũng là một sản phẩm rất đắt tiền (Patek Philippe Calendar Perpettula 5159R-001), có giá lên tới 78.000 USD (tương đương 1,8 tỷ đồng) – là chiếc đồng hồ mà ở Việt Nam ai đeo nó đã thể hiện “đẳng cấp”.
Nhưng ông còn choáng hơn khi Trịnh Xuân Thanh cởi chiếc đồng hồ của mình cho xem – đó là chiếc Patek Philippe Sky Moon Tourbillon 6002G. Đây là phiên bản đặc biệt với vỏ bọc làm từ vàng trắng cùng những họa tiết điêu khắc, chạm trổ tinh vi hoàn toàn thủ công.
Và ở thời điểm Thanh khoe với ông này (năm 2015), giá nó đã ở mức 1,7 triệu USD (tức là khoảng 39 tỷ đồng, tính theo tỷ giá hiện thời).
Về chiếc Patek Philippe Sky Moon Tourbillon 6002G lừng danh mà Trịnh Xuân Thanh từng sở hữu, Larry Pettinelli – chủ tịch Patek Philippe nói: “Cho dù bạn trả 6 triệu USD cho chiếc đồng hồ này, chúng tôi vẫn sẽ không bao giờ bán cho bạn trừ khi bạn đủ tiêu chuẩn” (Ảnh minh họa)
Khi phóng viên Đất Việt nhắc đến câu chuyện trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật rất bất ngờ, thảng thốt.
Mặt sau của chiếc đồng hồ Patek Philippe Sky Moon Tourbillon 6002G cũng rất tinh xảo
“Tại sao cán bộ nhà nước mà lại nhiều tiền như vậy, làm công chức cả đời cũng không đủ tiền mua chiếc đồng hồ trị giá số lẻ đằng sau 9 tỷ đồng. Quá sức tưởng tượng của bản thân tôi”, ông Hòa nói thêm
Bên cạnh đó, theo vị ĐBQH trên, mới chỉ là những món đồ trang sức, phụ kiện mà đã giá trị cao, đắt đỏ như vậy thì khối tài sản thực sự phải cực khủng.
Không chỉ có đồng hồ…
Nhưng Trịnh Xuân Thanh không chỉ có một chiếc đồng hồ mà giá trị của nó bằng gia tài rất lớn với đa số người bình thường khác, mà có cả bộ sưu tập đồng hồ đắt tiền với các hãng khác nhau.
Và không chỉ có thú chơi đồng hồ, Thanh luôn đi đầu trong các trò ăn chơi, giải trí khác. Như Dân trí đã có nhiều bài phản ánh, Thanh có một biệt thự tuyệt đẹp trị giá khoảng 100 tỷ đồng trên đỉnh núi Tam Đảo. Mặc dù ban đầu về giấy tờ, tòa biệt thự này trên giấy tờ thuộc sở hữu Công ty TNHH Mai Phương do ông Trịnh Xuân Giới, bố đẻ của Thanh đứng tên Chủ tịch (hiện đã bán cho người khác), nhưng cơ quan điều tra đã kết luận Thanh đã mua biệt thự này bằng tiền Thanh ép buộc thuộc cấp “rút ruột” dự án PVTex (dự án 7000 tỷ đồng, bị thua lỗ, trong tình trạng gần phá sản). Hiện biệt thự này đã bị phong tỏa mọi giao dịch theo yêu cầu của cơ quan điều tra.
Biệt thự trị giá khoảng 100 tỷ đồng của Trịnh Xuân Thanh trên đỉnh núi Tam Đảo, bên trong có đầy đủ: Bể bơi, phòng chiếu phim…và nội thất cao cấp, xa xỉ. Ảnh: Mạnh Quân
Ở chính biệt thự này (người dân Tam Đảo quen gọi là tòa nhà Dầu khí hay Biệt thự Mai Chi), diễn ra liên miên các cuộc ăn chơi cuối tuần do Thanh tổ chức. Người dân Tam Đảo kể lại, cuối tuần Thanh thường mời bạn bè, quan chức Thanh biết lên sân golf Tam Đảo chơi Golf cả buổi rồi về biệt thự này ăn nhậu. Một người bạn của Thanh cho biết cũng đã từng tham gia với món nhậu Thanh thường khoái đặt là “thủy quái Sông Đà”- dạng cá trê, cá ngạch nặng 10-20 kg.
“Cứ cuối tuần, thường có cả đoàn xe biển xanh nối đuôi nhau vào biệt thự nhà ông ấy”, một người dân ở thị trấn kể lại với phóng viên Dân trí.
Ngoài biệt thự trên, Thanh còn có hàng loạt biệt thự, nhà ở có giá trị khác mà cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa tài sản. Ví dụ như biệt thự của gia đình Trịnh Xuân Thanh ở một khu đô thị lớn tại Hà Nội, căn hộ ở đường Trần Phú (đường gần bờ biển TP.Nha Trang tỉnh Khánh Hòa), một xe ô tô Mazda CX5…và nhiều tài sản lớn khác chưa công bố.
Trịnh Xuân Thanh khi ra tòa đã không còn được đeo đồng hồ hàng triệu USD mà muôn người ao ước có nó, thay vào đó là chiếc còng số 8 nghiệt ngã (Ảnh Reuter)
Ngoài tài sản nhà đất, Thanh cũng sở hữu lớn cổ phiếu ở nhiều doanh nghiệp. Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam đã rà soát, phong tỏa tổng số hơn 50,8 nghìn cổ phiếu do Trịnh Xuân Thanh đứng tên và hơn 17 nghìn cổ phiếu khác do vợ Thanh đứng tên.
Với khối tài sản rất lớn như vậy, việc Trịnh Xuân Thanh sở hữu chiếc đồng hồ có giá tới gần 40 tỷ đồng cũng là điều dễ hiểu. Và câu nói của cấp dưới của Thanh khi khai trước tòa, trong một dịp tết, Thanh gọi điện yêu cầu: “Đưa tao 4 đồng tiêu tết”, và được hiểu là đưa 4 tỷ đồng, cũng là điều dễ hiểu với tay chơi và cũng là tay ăn tàn, phá hại, đẩy một doanh nghiệp lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xuống vực thẳm thua lỗ (trên 3000 tỷ đồng)
Chiếc đồng hồ vị Phó tổng giám đốc doanh nghiệp đeo trị giá gần 2 tỷ đồng với cán bộ nhà nước bình thường cũng đã quá xa vời, đã là khối tài sản quá lớn, mà theo đánh giá của ông Thanh chỉ để tài xế đeo, tức tài xế ông Thanh cũng dùng đồ vô cùng xa xỉ.
Trong khi, bản thân chiếc đồng hồ chỉ để xem giờ chứ không phải khoe của, nên chắc chắn tài sản quá dư thừa nên mua đồng hồ đắt đỏ như vậy. Nhưng đôi khi cũng có thể được chủ các doanh nghiệp quen biết tặng để lấy lòng, cũng có thể trường hợp đó xảy ra.
“Bản thân tôi hiện nay, đi làm mua chiếc đồng hồ 2-3 triệu đồng để đeo cũng thấy đắt đỏ, nói chi là đồng hồ tính bằng triệu USD.
Cho nên, theo tôi, việc kê khai tài sản theo Luật phòng chống tham nhũng sắp tới ban hành và Luật hiện hành cũng đã nêu rõ tài sản hàng năm thay đổi 50 triệu đồng là phải kê khai bổ sung.
Sắp tới sẽ nên kê khai bổ sung giá trị tài sản 300 triệu đồng hàng năm với cán bộ có chức vụ.
Còn tài sản không kê khai khi cơ quan thanh tra phát hiện thì phải giải trình nguồn gốc tài sản, nếu không giải trình được thì theo quy định mới phải tịch thu hoặc đóng thuế”, ông Hòa nhấn mạnh.
Cũng theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, kê khai tài sản bất động sản, gửi Ngân hàng đó là bề nổi dễ kiểm soát, phát hiện, thậm chí dân cũng có thể biết.
Nhưng các tài sản chìm, như mua vài đồ trang sức đeo trong người, vàng, bạc toàn những đồ đắt tiền như ông Thanh sở hữu cực kỳ khó phát hiện, kiểm soát rất phức tạp.
Điều đáng nói, các loại hàng hiệu phải dân sành điệu thì mới biết, nên cũng rất khó, dân thường nhìn vào cũng không ai biết giá trị cao hay thấp. Như ông Thanh chỉ cần mua chục chiếc đồng hồ thì trị giá cũng đã vài trăm tỷ đồng.
Đây có lẽ cũng là lý do vì sao thời gian qua chúng ta xử lý nhiều cán bộ tham nhũng nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản cực thấp. Bởi khi bị phát hiện thì người nhà, người thân vội vàng tẩu tán hết tài sản đi.
Hoặc phần lớn người có ý tham ô, bất động sản họ không đứng tên, mà nhờ người thân hoặc mua các tài sản khủng, dễ chôn giấu.
Nhưng các phụ kiện sử dụng thường xuyên mà người chứng kiến là lãnh đạo mà không ý kiến thì phải xem xét lại. Rõ ràng trong thời gian qua, Tập đoàn dầu khí từ trên xuống dưới hầu như là adua, nịnh bợ, có việc không dám nói, vì quyền lợi của những người trong Tập đoàn, bao che, che đậy.
Những khối tài sản khủng
Trong khi đó, bà Lê Thị Thu Ba – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lại hoàn toàn không bất ngờ về câu chuyện trên, vì vụ án của ông Trịnh Xuân Thanh đã nêu rõ bản thân ông đã tham nhũng ngân sách hàng nghìn tỷ đồng nên đồng hồ 39 tỷ đồng thì đối với họ không là gì.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng sở hữu đồng hồ 39 tỷ đồng
Bất ngờ nhất là nhà nước để cho nhóm lợi ích duy trì và tham nhũng đến mức độ đó mà không ai nói lên tiếng hay xử lý. Thiết nghĩ, việc đeo đồng hồ 39 tỷ đồng thấm gì so với số tiền tham nhũng, thất thoát nhà nước.
“Trước đây, kê khai tài sản còn rất hình thức, kê khai chỉ để cho vui, chứ không đúng cũng không ai kiểm tra.
Ngày xưa tôi đi kiểm tra mọi người hay nói tôi là quái vật, giàu nhất Trung ương, nhưng tài sản tôi kiếm được do lao động chân chính, có thì kê khai theo quy định pháp luật.
Nên việc kê khai tài sản cả phụ kiện không có gì khó, đã chấp nhận làm cán bộ nhà nước, thì là người của công chúng, phải chịu sự giám sát của nhân dân, nên cần đúng tinh thần nhà nước pháp quyền.
Muốn giữ bí mật đời tư cá nhân đừng tham gia chính quyền, đừng làm người của công chúng. Chỉ có điều kê khai thì phải đi kèm với kiểm soát, công bố cụ thể, cấp quản lý bên trên cần làm việc với dân nói rõ các cán bộ đã kê khai đầy đủ hay chưa”, bà Ba nói thêm.
Cũng theo bà Ba, việc kê khai các tài sản như phụ kiện, trang sức cũng phức tạp nhưng kêu gọi sự tự giác là chính. Còn để sau này bị khám xét, phát hiện thì phải chịu trách nhiệm, tịch thu tài sản bất minh.
“Tôi còn nhớ mãi câu chuyện, gia đình này có người chồng làm kế toán hợp tác xã những năm 60, bữa nào cũng ăn thịt gà, dân đi đổ rác phát hiện khu này có gia đình ăn sang.
Sau này, phát hiện ra gia đình anh đó thường xuyên ăn thịt gà, nên nhớ thực phẩm thời đó rất khó kiếm vì nuôi gà phải nộp cho hợp tác xã, chỉ tham nhũng của dân mới có.
Nên chỉ nhìn vào mức thu nhập lương chính đáng, rồi xem cách chi tiêu, mua sắm là dân sẽ phát hiện ra, dù thủ đoạn tham nhũng đang ngày càng tinh vi hơn”, bà Ba chỉ rõ thêm.
Nguồn: Châu An
Báo Đất Việt