Sau khi công bố bản cải tiến tiếng Việt hoàn chỉnh, PGS.TS Bùi Hiền đã đăng ký quyền tác giả nghiên cứu của mình nhằm tránh các trường hợp xuyên tạc.

PGS Bùi Hiền đăng ký bản quyền Tiếw Việt vì sợ bị xuyên tạc - 0

Ngày 29/12, Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cấp bản quyền cho "Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ" của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy học phổ thông.

PGS Bùi Hiền đăng ký bản quyền Tiếw Việt vì sợ bị xuyên tạc - 1

 Tác phẩm "Bài viết về Cải tiến chữ quốc ngữ" của PGS.TS Bùi Hiền được cấp chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với Zing.vn chiều 13/1PGS Bùi Hiền cho biết ông có ý tưởng xin cấp bản quyền cho nghiên cứu của mình sau khi biết phần mềm chuyển đổi tiếng Việt sang chữ cải tiến xuất hiện. Đặc biệt, nhiều người dùng chính kiểu viết mới để miệt thị ông, đồng thời xuyên tạc một số nội dung không hay.

"Tôi đăng ký bản quyền không phải vì sợ người khác chiếm hữu nghiên cứu của mình. Ngược lại, tôi hoan nghênh mọi người sử dụng chữ viết mới trong cuộc sống hoặc nhằm nghiên cứu khoa học. Tôi làm vậy chỉ để ngăn chặn những trường hợp sử dụng chữ cải tiến của mình với mục đích xấu", tác giả bản chữ "Tiếw Việt" nhấn mạnh.

Ông nói thêm sau khi báo chí đưa tin, một số người sử dụng bản chữ cái cải tiến để viết Truyện Kiều nhưng chỉ viết mấy câu đầu rồi xuyên tạc nội dung tiếp đó để chửi bới ông.

Vì thế, ngoài việc đăng ký bản quyền, tác giả Bùi Hiền cũng chuyển thể toàn bộ Truyện Kiều sang cách viết mới. Đây cũng là một phần trong việc tiếp tục hoàn thiện chữ quốc ngữ.

PGS Bùi Hiền đăng ký bản quyền Tiếw Việt vì sợ bị xuyên tạc - 2

Bảng chữ cái mới theo cải cách của PGS Bùi Hiền. Đồ hoạ: Minh Trí.

Ông cho biết trước đó đã đưa ra phần thử nghiệm nhưng chỉ gói gọn trong một trang, chưa đủ để khẳng định chữ viết mới tốt hay xấu, lợi hay hại.

Vì thế, ông quyết định thử nghiệm bộ chữ mới với Truyện Kiều - tác phẩm lớn và quen thuộc với nhiều người. Trước hết, đây là thử thách dành cho chính nghiên cứu của ông, để xem liệu bộ chữ mới có đủ để truyền tải hết nội dung của tác phẩm này không.

"Sau khi chuyển hết 3.254 câu, tôi thấy không một câu chữ nào của Truyện Kiều không chuyển tải được. Nếu có hai người song song đọc bản Kiều ở hai cách viết, cách đọc hoàn toàn giống nhau", PGS Bùi Hiền nói.

Từ trải nghiệm cá nhân, ông cho rằng bản cải tiến tương đối ổn. Tuy nhiên, việc đăng ký bản quyền chỉ có ý nghĩa đây là tác phẩm hoàn chỉnh chứ không phải là bản cuối cùng. Trên thực tế, mọi thứ đang ở mức tiếp cận dần, không có gì hoàn hảo.

Tác giả bộ chữ cải tiến chữ quốc ngữ cho biết sau khi công bố tác phẩm, ông tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp mang tính xây dựng từ các nhà khoa học và công chúng để sửa đổi, hoàn thiện bộ chữ tiếng Việt.

Cuối năm 2017, PGS.TS Bùi Hiền công bố 2 phần nghiên cứu về cải tiến chữ quốc ngữ.

Phần một nêu đề xuất cải tiến phụ âm, bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z.

Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r.

Phần thứ hai về nguyên âm, bảng chữ cái đọc theo kiểu mới vẫn giữ nguyên trật tự a - b - c. Một số chữ cái sẽ hoàn toàn thay đổi về cách đọc như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ).

Nghiên cứu của ông đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều gay gắt trên mạng xã hội.

Vì âm "nhờ" (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n' để biểu đạt.

Nguồn: Nguyễn Sương

ZING




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC