Pháp y - Nghề "quyền rơm, vạ đá"TS Vũ Dương-Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia luôn trăn trở về cái nghề “sờ sẫm xác chết” mà ông dành trọn cuộc đời.

Chi phí giám định: 20.000đ/vụ

- Pháp y - lĩnh vực tương đối xa lạ, lại thường xuyên phải "gây thù chuốc oán". Có lẽ vì thế mà nghề pháp y không được xã hội mặn mà?

Chúng tôi thường nói với nhau, pháp y là nghề "quyền rơm, vạ đá". Thú thật, chẳng mấy bác sĩ yêu thích công việc này. Đó là chưa kể đến sức ép từ phía gia đình, bạn bè. Trách nhiệm của người làm pháp y nặng nề vô cùng. Làm đúng thì không sao, làm sai thì đi tù như chơi ấy chứ ... (cười).

- Nghe "khẩu khí" của ông, hình như ông chẳng yêu quý gì cái nghề "thiếu vẻ vang" này?

Phải bập vào làm thì mới yêu được. Tôi vốn là bác sĩ ngoại khoa, ban đầu phải kiêm nhiệm công tác pháp y, rồi làm quản lý ở Sở Y tế Kiên Giang. Tôi có một phòng khám có thể nói là lớn nhất Kiên Giang lúc đó. Nhưng chỉ vì nghề này, tôi đã từ bỏ tất cả. Khi được yêu cầu ra Hà Nội làm việc, tôi đã thu xếp cho vợ con tại TPHCM, rồi một mình "đơn chiếc" ra đây.

- Đồng ý là Pháp y không được xã hội trọng dụng, nhưng với pháp luật, đây là một trong những ngành nghề không thể thiếu được...

Kết quả giám định chỉ là một nguồn chứng cứ. Nếu thấy kết quả khách quan thì họ dùng, còn không thì yêu cầu giám định lại. Từ năm 1996, trong khi lương cơ bản đã được tăng 37 lần, chi phí cho giám định vẫn "dậm chân tại chỗ": 20.000đ/vụ. Do chi phí không đáng kể, nên người ta cứ đi hết pháp y, y tế, sang pháp y quân đội đến pháp y công an. Đây cũng là cơ sở để họ lợi dụng lách luật.

Mỗi nơi làm một kiểu 

- Đó có phải là lý do mà nhiều người cho rằng, pháp y 3 ngành này thường "kình nhau"?

Đúng là dư luận có ý kiến như vậy. Nhưng thực tế lại không hẳn thế. Hiện nay, chưa có quy chuẩn về giám định, mỗi nơi làm một kiểu, dẫn đến những kết luận khác nhau.

- Liệu những kết luận khác nhau đó có ảnh hưởng đến việc điều tra và định tội không?

Pháp y - Nghề
Một buổi trao đổi giữa bác sĩ pháp y với cơ quan điều tra

Kết luận khác nhau không có nghĩa là lung tung. Kết quả giám định phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là thời điểm. Chẳng hạn, với một người bị tạt axit, sau 15 ngày, vết bỏng mới chỉ là... vết bỏng, giám định cho tỷ lệ chưa cao. Sau 5-6 tháng, xuất hiện sẹo lồi, gây co kéo làm biến dạng khuôn mặt, thương tật sẽ tăng lên rất nhiều. Như thế, việc kết luận một vụ án không phụ thuộc vào kết quả giám định, mà phụ thuộc vào việc các cơ quan điều tra tố tụng sử dụng kết quả ấy như thế nào.

- Ở các nước khác, có những chuyện như vậy không, thưa ông?

Người Nga, Đức, Nhật Bản thì làm đúng theo điều ước quốc tế. Còn ở ta, chúng tôi vẫn đang áp dụng bảng tỷ lệ thương tật dành cho...  thương binh, được quy định cách đây hai chục năm! Bảng này so với hiện nay còn thiếu nhiều thứ lắm, khiến chúng tôi nhiều lúc rất bối rối. Nhất là với các trường hợp bị sảy thai, bởi không có...  tiêu chuẩn!

Bảo vệ quan điểm đến cùng

- Trong quãng thời gian phải làm cái nghề "quyền rơm vạ đá" ấy, những gì sâu đậm nhất còn đọng lại trong ông?

Một bác sĩ thường luôn có những người bệnh trung thực. Chúng tôi thì không may mắn thế bởi không ít bệnh nhân cố tình làm cho bệnh của mình nặng, thậm chí tự hủy hoại thêm bản thân.  Cũng người cố tình mượn tay bác sĩ để trả thù... Vì thế, ngoài kiến thức về y học, chúng tôi còn phải hiểu biết về pháp luật, về điều tra và nắm bắt tâm lý con người nữa. 

Pháp y - Nghề
Các bác sĩ pháp y tác nghiệp

- Luôn đối mặt với số phận con người, đồng thời phải chịu áp lực về nhiều mặt, có trường hợp nào làm ông nhớ nhất?

Tôi nhớ có một chị phụ nữ bị cháu đằng nhà chồng đánh. Sau 3 lần giám định, tôi kết luận tỷ lệ thương tật là 1%. Rất tiếc, sau một thời gian ngắn, chị ấy chết. Rõ ràng biết người này có những sang chấn về tâm thần, nhưng tôi không còn cách làm nào khác nữa...

- Người đa cảm sẽ khó theo đuổi được nghề này?

Tôi cũng đa cảm lắm chứ! Giờ đây, tôi vẫn bị ám ảnh bởi một cái chết thương tâm của cô gái ngoài 20 tuổi, đi làm thuê mà tôi chỉ được làm giám định trên hồ sơ. Cô bị chết trong nhà tắm, trần truồng, sau khi bị chủ dùng gậy đánh vào gáy. Thật tiếc là giám định ban đầu kết luận cô gái chết vì ngạt nước nên kẻ ác đã thoát tội. Sau một năm giám định trên hồ sơ, tôi thấy chuyện không phải vậy. Thật đau lòng. Với trường hợp như thế, tôi khẳng định sẽ bảo vệ quan điểm đến cùng và phối hợp các cơ quan điều tra tố tụng đi đến tận cùng sự thật!

Theo bee.net





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC