Phi thường nghị lực của kỳ nhân "ngửi chữ" ở Quảng NamBà con ở xã Tam Vinh trìu mến gọi cậu học trò ấy là "thằng ngửi chữ". Ở xã Tam Vinh này, cậu là một tấm gương sáng về nghị lực phi thường.

Niềm tự hào của trường

Chúng tôi tìm về ngôi Trường THCS Nguyễn Hiền, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh – Quảng Nam, nơi Phạm Phú Thịnh đang học lớp 9/2. Thầy Nguyễn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền rất tự hào: “Thịnh bị khuyết tật nặng cả hai mắt, nhìn rất khó, phải để sách, vở sát mắt mới đọc, viết được nhưng  thành tích học tập của em thật đáng để nể phục. Mức độ tiếp thu bài vở rất nhanh. Chín năm liền, Thịnh đều đạt thành tích HS giỏi. Thậm chí, HS giỏi của huyện và tỉnh, như: giải nhì môn Anh văn, giải khuyến khích các môn: Toán, Văn, Hóa”.Thầy Nguyễn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền còn tận tình dẫn tôi đến nhà Thịnh. Vừa đến nhà, em Phạm Thị Thu Uyên đang học lớp 7/2 cùng trường với em trai Phạm Phú Thịnh, cho biết Thịnh vừa đạp xe đi học thêm môn Hoá bên nhà cô Nguyễn Thị Thu tận chợ Tam Dân cách nhà chục cây số.

12 ngày tuổi mới mở mắt

Gia đình nghèo khổ nên ba mẹ Thịnh phải đi làm thuê suốt ngày. Vừa lấy cái nón lá xuống, chị Lương Thị Huệ kể: “Cháu Thịnh vừa sinh ra khuôn mặt rất khôi ngô. Đến 12 ngày sau cháu mới mở he hé được hai con mắt. Gia đình bế Thịnh đến nhà các thầy lang chữa cũng không khỏi. Lên 4 tuổi, gia đình đưa Thịnh ra Đà Nẵng khám, bác sĩ nói phải tốn từ 40 đến 50 triệu đồng mới chữa khỏi. Số tiền vượt khả năng của gia đình”.

Phi thường nghị lực của kỳ nhân
Do thị giác kém, để ghi chép bài Thịnh phải kề sát trang vở
 
Vừa tìm đến nhà cô giáo Nguyễn Thị Thu đang dạy kèm môn Hoá cho Thịnh. Tôi thật ngỡ ngàng trước một cậu học trò đang ngồi quay ngược ra phía sau áp sát con mắt bên phải vào quyển vở để giải bài tập mà cô Thu đưa ra: “Ngày đầu em Thịnh đi học, tôi vừa đọc vừa chép bài tập Hoá trên bảng, thấy em đang ngồi quay ngược lại phía sau áp sát cặp mắt vào quyển vở nhìn nhìn ngó ngó. Tôi đi lại hỏi: Sao em không chép bài tập vậy? Thịnh trả lời: Thưa cô, em bị cận thị nặng ạ. Em phải cúi áp sát mắt như thế này mới viết được ạ. Tôi hỏi các bạn học cùng lớp 9/2 với Thịnh cũng trả lời như vậy. Các bạn của Thịnh nói: Thịnh bị cận nặng nhưng học rất giỏi cô ạ. Tôi không ngờ Thịnh là cậu một học trò đôi mắt bị cận thị nặng lại có trí thông minh, trí nhớ tốt như vậy. Tôi lỡ đọc sai trên bảng một chữ trong bài tập là Thịnh “sửa lại” cô giáo ngay. Từ khi đi dạy, tôi chưa thấy ai nghị lực và giỏi như Thịnh cả”, cô Thu tự hào về Thịnh.

Để chứng minh cho lời khẳng định của mình. Cô Thu ra một bài tập Hoá nâng cao. Cô vừa đọc đề vừa chép trên bảng. Ngồi dưới bàn, tôi tận mắt chứng kiến Thịnh áp sát cặp mắt vào quyển vở ghi rất rõ, nét chữ rất đẹp. Năm phút sau Thịnh đã giải xong bài tập, đáp án rất chính xác. Trong khi các bạn khác phải mất nửa tiếng mới giải xong.

Hãy giúp Thịnh chữa sáng mắt

Thịnh phát triển cao, to như bao đứa trẻ bình thường khác. Duy chỉ có đôi mắt trên gương mặt sáng sủa, thông minh lại bị dị dạng. Đôi mắt cũng chỉ he hé như người đang mơ ngủ. Mỗi tròng đen của mắt chỉ bằng hạt đậu. Muốn phân biệt màu sắc, những vật dụng phải đặt cách mắt em chừng gang tay; còn để đọc được chữ viết, em áp sát trang sách, trang vở vào mặt mà rà qua, rà lại.

Mẹ Thịnh kể: “Lúc Thịnh đến tuổi học mẫu giáo. Gia đình không dám cho cháu đi học vì sợ xe cộ đụng hay trâu, bò dẫm phải. Thịnh không chịu ở nhà mà la khóc, nằng nặc đòi ba mẹ mua sách vở để đi học mẫu giáo. Buộc lòng, phải cho Thịnh tới trường. Nào hay, năm học mẫu giáo, Thịnh là HS xuất sắc. Từ lớp mẫu giáo đến lớp 9 Thịnh luôn là HS giỏi xuất sắc nhất trường”.

Phi thường nghị lực của kỳ nhân
Hạnh phúc của người thân bên "bảng thành tích" học tập của Thịnh trong suốt 9 năm học
Tôi hỏi Thịnh, mắt không nhìn thấy làm sao có thể đọc chữ thầy, cô viết trên bảng mà ghi vào vở? Thịnh trả lời: “Em nhớ rất rõ từng câu, từng chữ thầy cô đọc trên bảng”. Khi lên bảng giải bài, Thịnh cũng áp sát mặt vào bảng đen mà viết.

Khâm phục ý chí vượt khó học giỏi của cậu học trò khuyết tật Phạm Phú Thịnh nên cô Thu không lấy tiền. Dù một tháng dạy thêm chỉ có 50 ngàn đồng. Cô Thu cho rằng Thịnh rất có khả năng thi đậu vào Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam).

Và tôi hỏi Thịnh ước mơ của em là gì? Thịnh hồn nhiên trả lời: “Em mơ ước đôi mắt mình sáng lại như bao bạn khác. Ước mơ của em là làm thầy giáo dạy lại cho các bạn có hoàn cảnh như em”. Nhưng do gia đình nghèo khổ quá không có tiền chữa trị cho em từ lúc nhỏ. Em mong ước có những tấm lòng hảo tâm biết được hoàn cảnh của em mà giúp em có tiền chữa được đôi mắt để sau này em còn giúp ích cho đời.

Phi thường nghị lực của kỳ nhân
Để có thể theo học những cấp học cao hơn, Thịnh rất cần những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, cải thiện tình trạng thị giác của em
 
Không riêng gì Thịnh, mà cả ba chị em nhà Thịnh đều học rất giỏi. Chị gái Thịnh là Phạm Thị Thu Sen, 12 năm liền HS giỏi huyện, tỉnh. Hiện Sen đang học lớp 12 Trường THPT Trần Cao Vân (Quảng Nam). Nhưng Sen cũng bị cận thị nặng hơn 10 độ. Cũng vì gia cảnh quá nghèo mà chị gái Thịnh cũng dở dang việc chữa trị đôi mắt. Giá như gia đình có tiền thì hai chị em Thịnh không chịu nỗi đau đớn mù loà như vậy.

Mẹ Thịnh tâm sự: “Biết Thịnh học giỏi vậy, nhưng năm nay không dám cho Thịnh thi vào trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Trường THPT Trần Cao Vân vì đậu phải ở trọ dưới thành phố Tam Kỳ học. Gia đình lại nghèo, ba mẹ phải đi làm thuê kiếm tiền, xuống phố xá môi trường xa lạ không có ai chở Thịnh đi học cũng như chăm sóc Thịnh. Chắc cho Thịnh thi vào trường khuyết tật thôi”.

Tôi nắm chặt tay Thịnh: Mong ước của em cũng là mong ước chảy bỏng của anh đó. Anh sẽ giúp em truyền tải hoàn cảnh đáng thương, thật đáng tự hào của em lên mặt báo để mọi người đọc để giúp đỡ em nhiều nhé!


Theo VTCNews.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC