Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay các chuyên gia rất đồng tình với định hướng của Việt Nam là nước ta không thể nghèo, không cần quá giàu, cần vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn và có nhiều tình yêu thương giữa con người.

1 Pho Thu Tuong Vu Duc Dam Viet Nam Khong The Ngheo Khong Can Qua Giau

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: NAM TRẦN

Chiều 6-12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam truyền đạt nghị quyết về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 tại hội nghị nghiên cứu, học tập nghị quyết Hội nghị trung ương 6 khóa XIII.

Về mục tiêu phát triển, ông Đam cho hay quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030.

Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỉ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%.

Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỉ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người.

Quy hoạch đặt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, về dân số hiện nay ở các đô thị lớn như TP.HCM, nhiều gia đình có điều kiện nuôi dạy con tốt nhưng lại không muốn sinh hoặc chỉ sinh 1 - 2 con, còn các vùng khó khăn, vùng núi, nông thôn lại sinh nhiều hơn.

Ông cho rằng đây là vấn đề phải chú ý hỗ trợ để làm sao các con, cháu sau này sinh ra được học hành tốt.

Đồng thời định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 về tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm.

Chúng ta thiếu cả thầy giỏi, thiếu cả thợ

Về giáo dục, nghị quyết của Đảng đặt mục tiêu phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỉ lệ sinh viên đại học đạt 260/1 vạn dân. 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói tỉ lệ 260 sinh viên đại học trên 1 vạn dân là thấp so với thế giới. “Chúng ta không phải thừa thầy thiếu thợ mà thiếu cả thầy giỏi, thiếu cả thợ”, ông nêu...

Về y tế, nghị quyết đặt mục tiêu phát triển mạng lưới đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ/1 vạn dân; tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.

Ông Đam cho rằng quan trọng là tỉ lệ bác sĩ chứ không phải là tỉ lệ giường bệnh. Bên cạnh đó, tỉ lệ về điều dưỡng cũng rất quan trọng.

Theo ông Đam, thế giới có 1 bác sĩ thì có 3 - 4 điều dưỡng viên, còn ở Việt Nam chỉ có 1,5 thành ra người phải vào chăm, dẫn đến lây nhiễm chéo.

"Muốn tỉ lệ điều dưỡng tăng lên phải tăng biên chế lên gấp đôi. Ở Nhật, 1 bác sĩ có tới 9 điều dưỡng. Bác sĩ có thể chưa chắc giỏi bằng Việt Nam nhưng sự chăm sóc của họ rất tốt”, ông Đam phân tích.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, “nguyên nhân căn bản nhất là do chúng ta nghèo” và mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/30 các nước phát triển, 1/10 các nước đang phát triển, trung bình cao như Việt Nam.

Ông chia sẻ đã trực tiếp làm việc với nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài thì đều rất đồng tình với quan điểm phát triển của Việt Nam.

Phó thủ tướng đặt câu hỏi Việt Nam có nên phát triển giống như một số nước hiện nay như Mỹ, Nhật? Như ở Nhật, một ngày sống 3 tiếng trên tàu điện, không muốn lấy vợ… Mỹ cũng vậy.

Ông nói thêm các chuyên gia rất đồng tình với định hướng của Việt Nam là nước ta không thể nghèo, không cần quá giàu, cần vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn và có nhiều tình yêu thương giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên và vạn vật.

"Các chuyên gia nói với tôi rằng, tôi đến từ các nước phát triển nhưng nếu bây giờ được ước quay lại như Việt Nam và phát triển theo định hướng này.

Họ nói một câu mà tôi thấy rất hay là có nhất thiết phải đi một chiếc xe Lexus? Không thể đi xe đạp, không đi xe gắn máy vì khi trời mưa sẽ ướt nhưng có thể đi xe Toyota thì còn hơn đi xe Lexus mà sống quá nhanh và tàn phá tất cả”, ông Đam nêu quan điểm.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC