Việc ông Nguyễn Tường Duy - cán bộ hải quan TP.Hồ Chí Minh bị bắt liệu có khiến Hà Nội giật mình, TP.HCM xấu hổ khi công bố “không phát hiện tham nhũng"?
Ngày hôm 09.01.2016 , báo chí loan tin, cuối tháng 12/2015, Cục An ninh tài chính tiền tệ và đầu tư thuộc Tổng cục An ninh II, Bộ Công an đã bắt giữ ông Nguyễn Tường Duy (SN 1968), cán bộ thuộc đội kiểm soát Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh.
Khám xét tại nhà riêng của ông Duy, cán bộ điều tra đã thu giữ hàng chục chiếc phong bì chứa số lượng tiền rất lớn, tình nghi là tiền của doanh nghiệp phải cống nạp cho ông Duy.
Việc bắt giữ ông Duy được thực hiện sau khi có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu tố cáo vì bị ép chúng chi khi làm thủ tục thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu cảng tại TP.HCM.
Nếu doanh nghiệp không đáp ứng, ông Duy sẽ làm khó, không cho thông quan hàng hóa, bị ảnh hưởng đến hợp đồng kinh tế với đối tác và nhiều thiệt hại khác.
Nguyễn Tường Duy bị bắt chẳng khác nào "cái tát" vào báo cáo của TP.Hồ Chí Minh. ảnh: VOV. |
Việc bắt giữ ông Nguyễn Tường Duy khiến nhiều người giật mình nhớ lại, cách đây chưa lâu cả TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội đều tuyên bố không phát hiện hành vi tham nhũng của cán bộ công chức, viên chức. Cũng không phát hiện các hành vi tặng và nhận quà biếu.
Ngay từ lúc ấy, đã có nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra câu hỏi: Kết quả này có thực sự đáng tin cậy không?
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nói thẳng, tham nhũng và lãng phí chắc chắn có tồn tại. Chúng ta phải coi đó là một loại giặc, và đã là giặt thì phải kiên quyết tiêu diệt.
Lâu nay, chúng ta phát hiện tham nhũng quá ít, phải chẳng là vì công tác thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả, chưa sát với thực tế?
Tham nhũng hiện nay được đánh giá là biến tướng, phức tạp. Nếu như trước đây dùng hiện vật thì dễ phát hiện, nhưng bây giờ họ chuyển dịch tài sản, chuyển sang thừa kế cho người khác, hoặc chuyển khoản nên cực kỳ khó kiểm soát.
Bởi thế nhiều Đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị phải thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập hoàn toàn và chỉ thuộc Quốc hội.
Việc ông Duy bị bắt giữ với nhiều chiếc phong bì chứa tiền tỷ cũng khiến nhiều người nhớ lại cảnh báo của ông KSor Phước – Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: "Dân người ta nói những khu nhà to chưa có người ở không phải là nợ xấu đâu, có người mua cả rồi đấy, người ta nghỉ hưu là về ở thôi, miền Bắc thì quan chức tập trung mua nhà ở Hà Nội, miền Nam thì tập trung vào TP.HCM”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) cũng nói thẳng, kết luận mà Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã công bố chưa sát với thực tế: “Tham nhũng đang diễn ra hàng ngày ở khắp các tỉnh, thành phố, khắp các công việc, khắp các lĩnh vực, cử tri ai cũng biết điều đó.
Vì vậy, đưa ra một kết luận hoàn toàn không có tham nhũng thì đó là kết quả không đúng sự thật. Nếu như Hà Nội, TPHCM đều không có, nếu như các tỉnh, thành phố khác cũng không có tham nhũng thì đất nước đã không kém phát triển như hiện nay”.
Nói về nguyên do của việc khó phát hiện ra tham nhũng, ông Bảo nhấn mạnh: “Dường như tất cả các đoàn thể luôn bao che cho nhau, không ai khai ra ai, bởi nếu khai ra thì không làm ăn được gì, họ dựa vào nhau, cùng nhau chia sẻ lợi ích, theo cơ chế dĩ hòa vi quý”.
Ngay cả những báo cáo của Chính phủ, hay báo cáo của Ban chấp hành Trung ương cũng nói rằng, tham nhũng vẫn còn nhiều phức tạp và kết quả đấu tranh chống tham nhũng chưa đáp ứng đúng với mong mỏi của nhân dân?
Thật đáng lo ngại, bởi chỉ là một cán bộ kiểm soát ở vị trí nhỏ như Nguyễn Tường Duy đã có thể ép doanh nghiệp, vòi vĩnh những chiếc phong bì hàng chục triệu đồng.Doanh nghiệp vẫn hay phàn nàn là bị hành như vậy. Đó là khi thủ tục thuế quan đã được giảm rất nhiều sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt phải giam thủ tục, và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy cán bộ nhũng nhiễu.
Nhớ lại cả quãng thời gian dài nhiều năm trước, khi mà thủ tục thuế quan còn rất lằng nhằng, không hiểu là doanh nghiệp đã bị hành đến thế nào?
Và một câu hỏi nữa rất quan trọng cũng phải đặt ra là những vị khác tương tự như Duy ở nhiều cơ quan hải quan trên cả nước, hay những vị trí khác nữa trong ngành hải quan liệu có tiêu cực hay không?
Người viết bài này rất mong là không có.
Nhưng muốn người dân tin thì phải có kiểm soát, phải có điều tra dựa trên thực tế phản ánh của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn một thông tin khác phải nhắc lại, đó là kết quả khảo sát liêm chính thanh niên thực hiện tại 11 tỉnh, thành phố trong năm 2015 vừa qua cho thấy: Khi đề cập tới một số dịch vụ công như y tế, thủ tục hành chính, cảnh sát giao thông, giáo dục công… có hơn 1/3 thanh niên tham gia khảo sát cho biết đã gặp hiện tượng tham nhũng khi làm việc với cảnh sát giao thông, gần ¼ đã gặp tham nhũng trong lĩnh vực y tế và 1/5 đã gặp tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.
So với năm 2011, đánh giá của thanh niên về tính liêm chính của các cơ quan cung cấp dịch vụ công năm 2014 có xu hướng xấu đi. Chỉ có tối đa 6 - 8% đánh giá “rất tốt” về mức độ liêm chính của các cơ quan này, tức là chỉ bằng ½ của năm 2011.
Đấy là những con số rất đáng lo ngại và buộc những người có trách nhiệm, tâm huyết với đất nước cảm thấy không yên lòng.
Trong buổi tiếp xúc với cử tri tại TP.HCM ngày 15/12/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã bày tỏ: “Trong phòng chống tham nhũng chúng tôi thấy chưa làm tròn trách nhiệm của mình".
Chủ tịch nước cũng nói rất thẳng thắn: "Xấu hổ lắm!Tại sao nước mình anh hùng, oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm qua mấy ngàn năm mà tệ nạn tham nhũng thì đứng trên 100? Tôi cảm thấy không chấp nhận được…
Chúng ta không đến nỗi thất bại nhưng chúng ta cần nói sự thật cho người dân biết các mảng tối, yếu kém chưa phơi bày. Càng giấu thì người dân càng mất lòng tin”.
Ngay cả người đứng đầu nhà nước cũng hết sức lo lắng trước nạn tham nhũng.
Vậy, tham nhũng đang trốn ở đâu mà Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tìm mãi không thấy?
Ngọc Quang