Mạng xã hội Việt Nam tuần này ồn ào vì một đoạn clip quay lúc Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Thượng tướng Võ Trọng Việt, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng ngày 12/6.

42 1 Qh Viet Nam Se Lo Dich Chuyen Dam May Ao

Đoạn clip phát biểu của Tướng Võ Trọng Việt gây 'sốt' trên mạng xã hội

Sau khi ông Việt kết thúc báo cáo, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng gây tranh cãi.

Đoạn clip nhanh chóng lây lan trên mạng, vì cách ông Việt phát âm tên Google và Facebook.

Ngoài ra, các công dân mạng cũng chê cười đoạn trích từ báo cáo: "Hiện nay, Google và Facebook đang lưu giữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Singapore.

Nếu quy định của Luật này có hiệu lực thì doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi."

Trách nhiệm của ai?

Một số đại gia 'đám mây điện toán':

•Akamai

•Amazon

•Cisco

•Equinix

•F5 Networks

•Intuit

•Juniper Networks

•Microsoft

•Salesforce.com

•VMware

Tuy vậy, hôm 14/6, cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đăng bài trên Facebook cá nhân, nhận xét tập thể Quốc hội, chứ không phải cá nhân ông Việt, có trách nhiệm.

"Nhưng lỗi của ông chỉ là phát âm facebook thành phê-tê-bốc thôi. Còn ý tưởng ngộ nghĩnh "kéo đám mây điện tử về VN" không phải lỗi của riêng ông," ông Thuyết viết.

Vị cựu đại biểu quốc hội Việt Nam phân tích ở Quốc hội, thông thường, một dự luật phải được xem xét qua 2 kỳ họp mới biểu quyết thông qua được.

Trong lần xem xét thứ nhất, Quốc hội phân công một ủy ban thẩm tra dự luật đó.

Báo cáo thẩm tra này cũng cần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, và đó là căn cứ quan trọng định hướng cho đại biểu xem xét, thảo luận.

Sau khi Quốc hội thảo luận, dự luật lại được giao cho ủy ban đã thẩm tra dự luật phối hợp với cơ quan soạn thảo chỉnh lý và nhân danh Ủy ban Thường vụ Quốc hội viết báo cáo tiếp thu, giải trình.

"Nếu đoạn video-clip lan truyền trên mạng được ghi ở kỳ họp Quốc hội này, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự luật, thì đó là Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chứ không phải ý kiến cá nhân của ông Việt," ông Thuyết nhận định.

'Cười ra nước mắt'

Nhiều bình luận trên mạng đưa ra sau khi đoạn clip phát tán.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập nêu ý kiến: "Vấn đề là bài phát biểu do người khác viết cho nên tướng Việt đã rặn không ra chữ Facebook. Vì sao tướng Việt rặn không ra chữ Facebook trong khi chữ Google lại rặn được? Vì chữ google tướng Việt đã trông thấy đã nghe nói, còn chữ Facebook thì không, hoàn toàn không."

"Sự cười ra nước mắt khi nghĩ tới 423 ĐBQH đã bỏ phiếu thuận cho luật ANM chắc trình IT cũng chẳng hơn gì tướng Việt."

Theo kết quả kiểm phiếu, 423/466 đại biểu có mặt ở hội trường (chiếm 86,86% tổng số đại biểu) tán thành thông qua Luật An ninh mạng ngày 12/6.

Có 15 đại biểu không tán thành (chiếm 3,08%) và 28 đại biểu không biểu quyết (chiếm 5,75%).

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2019.

Đám mây điện toán là gì?

Hiện trong dư luận Việt Nam còn rất nhiều thông tin trái ngược nhau về cách hiểu thế nào là dịch vụ 'đám mây điện toán' (cloud computing).

Trên nguyên tắc, dịch vụ này đã có từ 10 năm qua và không ngừng hoàn thiện, gồm một tập hợp các mạng lưới cung cấp dịch vụ đáp ứng tức thời nhu cầu tải dữ liệu (on-demand service).

Khác với dịch vụ tại chỗ (on-site services), các mạng lưới này trải trên toàn cầu, và vận hành không phụ thuộc vào một số máy ở vị trí cụ thể nào.

Một số dịch vụ dùng cả vệ tinh hỗ trợ cho quá trình xử lý và truyền dữ liệu.

42 2 Qh Viet Nam Se Lo Dich Chuyen Dam May Ao  Trung tâm dữ liệu của Rackspace

Nếu một phần của mạng không đáp ứng nhu cầu chuyển dòng dữ liệu, các máy ở nơi khác được huy động ngay để phân phối luồng thông tin tối ưu nhất, tùy nhu cầu từng lúc.

Việc lưu trữ được mã hóa để đặt trong các cụm 'cloud' mà thực ra là cách một mạng lưới lớn.

Các từ điển tiếng Anh đã giải thích cách gọi là 'đám mây' xuất hiện khi dân làm trong ngành công nghệ thông tin vào cuối thập niên 1990 nói về hình vẽ các cụm mạng phân phối dịch vụ, mà không liên quan gì đến thời tiết.

Ngoài việc có máy chủ riêng, các đại gia công nghệ mạng như Google, Facebook vẫn dùng lại dịch vụ 'cloud computing' do các công ty khác cung cấp.

Một số công ty như Akamai, Amazon, Cisco, Equinix, Rackspace...được cho là đi đầu trong cách thu hút đầu tư vào lĩnh vực 'cloud computing'.

Trang web của Akamai giới thiệu họ đang vận hành 240 nghìn máy chủ, đặt ở 130 quốc gia và tải dòng dữ liệu 95 exabyte một năm.

Nguồn: BBC

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC