Theo phân tích của ông Khiển, quà có nhiều loại quà, nhiều cách tặng quà. Cách tặng quà thứ nhất theo phong tục truyền thống, tình cảm gia đình, anh em họ hàng trong gia tộc tặng quà nhau, đó không gọi là quà mà là "lễ". Lễ này rất vô cùng, có lớn, có nhỏ, có vật chất, có tiền tài nhưng có khi chả có gì...
Thứ hai, thầy trò tặng quà nhau cũng là một nét văn hóa đẹp, nên làm.
Thứ ba, tặng quà theo quan hệ trong tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cấp trên với cấp dưới, kiểu này cũng có nhiều cách hiểu. Nếu là tình cảm đồng nghiệp, tặng nhau chai rượu, ít quà quê cũng là bình thường. Thông thường tham nhũng, hay hối lộ không gói dưới những gói quà như thế.
Ông Khiển cho biết, quà hối lộ, tham nhũng phải mang màu sắc, ý nghĩa vượt quá giới hạn của một gói quà thông thường. Những gói quà như vậy, người ta không dễ tặng nhau, đưa cho nhau mà lại mong muốn để người khác nhìn thấy, người khác biết được. Quà ấy, chắc họ phải tặng nhau nơi khác, chỗ khác.
"Tôi không tin họ lại chạy chọt, hối lộ nhau bằng cách mang quà như thế. Nếu cứ săm soi gói quà vô hình chung chúng ta đang giúp những người tham nhũng che đậy tiêu cực kín hơn. Xã hội cứ lên án quà tặng, cứ đi tìm tham nhũng trong các gói quà tặng nhưng lại không biết rằng tham nhũng, tiêu cực không dễ lộ mặt để dư luận bắt.
Giờ người ta tặng nhau cái phong bì cả chục, trăm ngàn đô chứ tặng nhau gói quà làm gì cho ầm ĩ", ông Khiển cho biết.
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh nói thêm, dư luận đừng quá săm soi những gói quà, cũng đừng mất công tìm kiếm tham nhũng ở những gói quà nữa, vì có tham nhũng trong những gói quà cũng chỉ là tham nhũng vặt, tham nhũng lớn đang ẩn mặt ở những chỗ khác.
"Một cán bộ, lãnh đạo nếu có tham nhũng, tiêu cực họ sẽ không để cả làng biết 9 giờ ông nhận một cây cảnh, 10 giờ ông nhận một hộp quà. Định hướng như vậy là sai lầm, vì như vậy người ta muốn bắt tham nhũng lúc nào chả được. Tham nhũng mà lại làm ầm ĩ lên, để bị bắt dễ dàng thế thì còn non lắm", vị PGS nhắc nhở.
Vì thế, ông Khiển nói không cần thiết phải có quy định về nhận quà Tết. Xã hội không nên điều tra thay công an, hãy cứ để người ta nhận quà, để họ ăn Tết cho ngon. Mấy gói quà nhỏ đó không có gì ghê gớm cả, quà đó có dụ ý gì người tặng và người nhận sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu cứ căn ke các gói quà vô hình chung chúng ta sẽ để lọt "con cá lớn", đồng thời còn làm mất đi nét văn hóa đẹp của người Việt.
"Cứ để họ công khai tặng quà nhau, công khai để ai cũng thấy họ tặng nhau cái gì, công khai để thấy những hộp quà to, nhỏ thế nào. Vẫn biết, việc công khai nhận quà với phong tục xưa là xấu nhưng so với thời buổi kinh tế hiện nay thì nhằm nhò gì. Không nên đem tư duy của nhiều năm trước để áp đặt vào thời điểm này. Nếu cứ đao to búa lớn với mấy gói quà không khéo "chuột lớn" không bắt lại vợt mấy con "chuột nhỏ", ông Khiển cho biết.
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, quà Tết không hẳn đã là xấu, người ta soi mói quà Tết cũng không phải ở những gói quà. Điều người ta soi mói là ở những gói nói là quà nhưng lại mang động cơ khác.
Vì thế, ông cho biết dù có phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử với quà tặng, hay có đưa ra quy định hạn chế quà tặng thế nào thì cũng là việc tốt nhưng không cần thiết.
"Bản chất ở đây vẫn là nhân cách con người. Dù có quy định thế nào nếu không có nhân cách thì cũng không thể quản lý được.
Lan Vũ