"Có những thứ đắt hơn nữa họ vẫn dám làm, đơn giản vì mọi chi phí đều được tính vào dự án" - PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi.
Cuối cùng những người nghèo phải chịu
Lại là câu chuyện Việt Nam tiêu hoang nhưng lần này không chỉ là chuyện “kiếm một tiêu mười”, mà vấn đề ở đây là kiếm tiền từ dự án và tiêu tiền từ vốn viện trợ.
Nhắc lại câu chuyện của bà Phạm Chi Lan khi cho rằng, chuyên gia Nhật cũng phải ngạc nhiên khi những quan chức địa phương Việt Nam vẫn mời họ chai rượu lên tới cả nghìn đô la mà chính họ cũng không dám dùng.
Điều này khiến họ phải đặt ra câu hỏi: “Việt Nam như vậy thì Nhật còn phải viện trợ làm gì nữa”? - PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi - trường ĐH Nông Lâm, TP.HCM thừa nhận, đây đúng là thực tế và thực tế là người Việt chúng ta còn tiêu hoang hơn thế nhiều.
Vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ vẫn được nhắc lại để cảnh tỉnh quan chức có lòng tham
“Sẽ rất oan uổng cho phần đông người dân nghèo Việt Nam, một bộ phận lớn những quan chức bình thường, những người thu nhập trung bình vẫn thường xuyên uống chai rượu đế chỉ 15.000 đồng/lít vẫn phải mang tiếng “nghèo mà chơi sang”.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào hành vi của một nhóm người có tiền mà nói “Việt Nam cần gì viện trợ nữa” thì đúng là hơi oan”, vị PGS giãi bày.
Theo ông Ngãi, cái sự tiêu hoang ấy về bản chất chỉ có ở một nhóm người giàu có hoặc ở một bộ phận có “điều kiện” kiếm tiền quá dễ dàng mới được ăn tiêu như vậy.
Đa số, số tiền này là “tiền chùa”, không phải tiền túi tự bỏ ra.
Thế nhưng, đáng tiếc, dù là thiểu số, là số ít nhưng “cái tiếng để đời” lại ảnh hưởng, động chạm tới uy tín của cả quốc gia, cả dân tộc.
Từng là người có kinh nghiệm, qua làm việc nhiều nước, được chứng kiến nhiều nền văn hóa khác nhau, ông Ngãi không ngại thừa nhận, người dân Việt Nam sống sung sướng hơn cả người Mỹ, sướng hơn cả người Nhật.
Tiêu xài lãng phí hơn người dân của nhiều nước.
Chính vì thế, cái sự tiêu xài hoang phí, rượu chè phèn phỡn là có chứ không oan.
Ông kể lại câu chuyện khi ra sân bay cùng một chuyên gia Nhật Bản, ông đã học được bài học đắt giá về tính tiết kiệm của vị chuyên gia này.
“Tôi cùng vị giáo sư ngồi ăn tối trong một quán ăn bình dân ven đường tại TP.HCM. Chúng tôi gọi một đĩa xoài nhỏ nhưng cả hai đều không ăn hết. Tôi đứng dậy theo thói quen của người Việt, ăn thừa sẽ bỏ đi. Vị giáo sư nán lại, kêu bồi bàn bỏ đồ vào hộp rồi cầm đi trong sự ngơ ngác của tôi. Trên đường đi ông nói, số xoài này tôi sẽ ăn tiếp trong thời gian ngồi đợi máy bay.
Tôi muốn nói, ở đây là văn hóa tiêu dùng và bài toán kinh tế họ đã áp dụng vào từ miếng ăn, thức uống, cho tới cái mặc và bất cứ một khoản chi tiêu nào phải dùng tới tiền. Cần phải hiểu rằng, họ không “ki bo” như cách người Việt hay nói mà ở đây là sự tính toán cẩn thận và không để lãng phí”.
Trong khi đó, tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi lại cho rằng, những cảnh uống bia rượu vô tội vạ, vừa uống vừa đổ không hề hiếm gặp.
Vậy từ đâu có việc ăn tiêu lãng phí như vậy? Ông cho biết, khi làm nghiên cứu sinh ở Úc, ông từng được nghe câu nói rất nổi tiếng của một vị giáo sư nói rằng: “Tiền viện trợ là lấy tiền của người nghèo nước giàu đem chia cho người giàu của nước nghèo”.
“Câu nói ý muốn châm biếm một điều: Có một phần tiền viện trợ đang chảy vào túi quan tham, chảy vào túi những người giàu, người làm dự án, người quản lý dự án đó chứ không phải đến tay người dân nghèo.
Và đó là lý do giải thích vì sao, quan chức Việt Nam vẫn có người dám mời khách chai rượu cả nghìn đô – la, hay sẵn sàng tổ chức một bữa tiệc xa hoa mà một miếng ăn phải được tính bằng tiền triệu.
Thậm chí còn có những thứ đắt hơn nữa họ vẫn dám làm, đơn giản vì mọi chi phí đều được tính vào dự án. Và cuối cùng những người nghèo phải chịu”, ông nói.
Vì thế, ông Ngãi cho rằng, câu nói của vị chuyên gia Nhật Bản trong câu chuyện của bà Phạm Chi Lan cần được hiểu là họ đang phê phán, họ đang lo ngại cho tính hiệu quả của đồng vốn viện trợ mà họ bỏ ra.
“Tôi cho rằng, không chỉ Nhật mà ngay cả thế giới cũng có nhiều nước phải đặt vấn đề như vậy. Họ lo sợ, tiền của họ không được sử dụng đúng mục đích thì cuối cùng ý nghĩa của đồng vốn viện trợ là trợ giúp cho người nghèo của nước nghèo lại là cơ hội làm giàu thêm cho người giàu”, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi thẳng thắn.
Đừng tưởng đãi sang là tốt
Từ sau câu chuyện trên, vị chuyên gia cũng chỉ thẳng dự án ODA là điều kiện phát sinh nhiều tham nhũng.
Ông cho biết, Việt Nam chắc sẽ không thể quên hai vụ việc đình đám liên quan tới nguồn vốn này. Tại TP.HCM, có ông Huỳnh Ngọc Sỹ nguyên Giám đốc dự án đại lộ Đông – Tây, còn tại Hà Nội, hàng loạt quan chức ngành đường sắt Việt Nam "dính chàm" sau những tiêu cực liên quan đến công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC).
Lý giải nguyên nhân, ông Ngãi cho hay có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách từ cách điều hành, quản lý, giám sát nguồn vốn vay của Việt Nam chưa tốt.
“Đơn giản vì cứ một người đi vay để tiêu sẽ có một người đi sau để trả.Hôm nay tôi đi vay, tiêu hết thì thế hệ sau phải trả nên mới sinh ra tâm lý hoang phí như vậy”. Vị chuyên gia cảnh báo, nếu tiếp tục tư duy và cách làm như vậy sẽ dẫn tới thói quen tiêu tiền bừa bãi, lãng phí. Cứ hết tiền lại xin, xin được dự án lại có tiền tiêu.
Vì thế, ông Ngãi cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay “nhập gia phải tùy tục”, Việt Nam đã chơi với nước ngoài cần phải tôn trọng văn hóa của họ.
“Đừng tưởng chiêu đãi rượu ngoại cả nghìn đô họ sẽ đánh giá cao mình. Chắc chắn họ sẽ suy luận ngược lại, tiền đó lấy từ đâu ra? Tại sao Việt Nam lại có nhiều tiền như vậy?”. Do đó, theo vị chuyên gia các hình ảnh phản cảm như vậy cần phải được chấm dứt ngay.
“Nước ngoài bỏ một đồng họ sẽ tính tới hiệu quả của một đồng đó. Nếu tiêu tiền quá dễ, chi tiêu quá hoang phí, các nước sẽ đặt câu hỏi về tính hiệu quả của nguồn vốn viện trợ, vốn vay. Cũng giống như về quê giúp một đứa cháu nghèo có tiền đi học, nhưng cho nó tiền lại thấy nó ăn tiêu còn hoang hơn mình, mặc đồ đẹp hơn mình thì làm sao chịu được”, ông Ngãi kết luận.
Lan Vũ