Sau quyết định đầu tư kéo điện lưới chồng lên dự án điện mặt trời tại 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch), mới đây UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục ra quyết định kéo điện lưới chồng lên dự án điện mặt trời ở vùng Lòm, xã Trọng Hóa (Minh Hóa). Trong lúc đó, dự án điện mặt trời có vốn vay từ Chính phủ Hàn Quốc đầu tư tại các địa phương này chưa được quyết toán.
Dự án điện mặt trời trị giá 14 triệu USD của tỉnh Quảng Bình chính thức bị “khai tử” nhưng không ai chịu trách nhiệm.
Dự án cũ chưa quyết toán
Dự án điện mặt trời cấp điện cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới tỉnh Quảng Bình được khởi động từ năm 2010. Chính phủ Hàn Quốc nhận tài trợ thông qua hiệp định vốn vay ODA giữa hai chính phủ với tổng số vốn hơn 14 triệu USD.
Khu vực triển khai dự án trải rộng trên địa bàn 8 xã của 4 huyện, với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công được hưởng lợi. Sau nhiều trục trặc, mới đây dự án năng lượng mặt trời cũng hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhưng chưa được quyết toán. Nguyên nhân của việc chưa quyết toán, là dự án kéo dài quá nhiều năm, lãnh đạo từ dự án đến ngành chuyên môn và UBND tỉnh đã thay đổi qua nhiều người, nên không ai dám ký quyết toán một dự án kém chất lượng và quá nhiều sai phạm.
“Trước đây, khi thuyết minh dự án, người ta nói là điện thu về từ các tấm pin năng lượng mặt trời đủ dùng cho sinh hoạt và sản xuất, trong đó đã tính toán phát sinh hết vòng đời 20 năm của dự án. Tuy nhiên, hiện nay ở các địa bàn sử dụng năng lượng mặt trời, nhiều nơi điện thắp sáng không có. Nay kéo điện lưới chồng lên, thì dự án điện mặt trời chính thức thành phế liệu nhưng chẳng có ai chịu trách nhiệm”.
Một cựu cán bộ dự án điện mặt trời nói
Lãng phí đơn, lãng phí kép
Mặc dù dự án điện mặt trời chưa được quyết toán, nhưng cuối năm 2022 UBND tỉnh Quảng Bình đã cho kéo điện lưới lên 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) với tổng vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng, từ ngân sách địa phương, do Sở Công Thương làm chủ đầu tư. Mới đây tỉnh Quảng Bình lại tiếp tục ra quyết định đầu tư dự án điện lưới kéo về vùng Lòm, xã Trọng Hóa (Minh Hóa), nơi cũng được hưởng lợi dự án điện mặt trời.
Năm 2014, khi dự án điện mặt trời đang thi công thì UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định kéo điện lưới chồng lên dự án điện mặt trời với số vốn hơn 300 tỷ đồng. Để xoa dịu dư luận, Sở Công Thương Quảng Bình ngày đó đề xuất, cho các thiết bị dự án điện mặt trời vào kho cất, làm vật liệu dự phòng. Báo Tiền Phong đã có loạt bài phản đối việc này, sau đó Quảng Bình dừng kéo điện lưới cho đến nay. |
Ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, đồng thời là chủ đầu tư dự án điện lưới vào vùng Lòm cho biết: Dự án kéo điện lưới vào vùng Lòm được Ban Dân tộc đề xuất từ mấy năm trước, do dự án điện mặt trời hoàn thành nhưng không có điện để sử dụng. Mới đây UBND tỉnh chấp thuận với tổng vốn hơn 30 tỷ đồng, từ nguồn vốn trung ương. Hiện Ban đang làm các thủ tục để lựa chọn nhà thầu.
Ông Thanh cho biết, khi đề xuất dự án cũng có ý kiến, kéo điện lưới chồng lên dự án điện mặt trời sẽ lãng phí, nhưng trên thực tế dự án điện mặt trời không sử dụng được, mà nhu cầu dùng điện của người dân thì rất cấp thiết. Theo ông Thanh, dự án điện lưới độc lập, không liên quan đến dự án điện mặt trời nên không có phương án đấu nối, hay tận dụng hạ tầng của dự án điện mặt trời.
Ông Thanh bày tỏ, đáng ra dự án điện mặt trời mà quyết toán rồi, thì dự án điện lưới sẽ tận dụng được hệ thống cột điện hiện có của điện mặt trời, rất tiết kiệm, nhưng do chưa quyết toán nên không ai dám đụng vào. Dự án điện lưới phải đầu tư hệ thống cột điện chạy song song với hệ thống cột của dự án điện mặt trời, mặc dù hiện nay không sử dụng. Rất lãng phí!
Nguồn: Báo TIỀN PHONG