Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được cho là hoạt động không hiệu quả. Ảnh: PLX
Số liệu được Bộ Tài chính công bố ngày 13.9 cho thấy, số dư Quỹ BOG đến hết ngày 31.3 là 5.640,34 tỉ đồng. Sang đến quý II.2023, số dư tiếp tục tăng lên nhanh do tăng cường trích lập, hạn chế chi quỹ.
Cụ thể, tổng số trích Quỹ BOG trong quý II.2023 (từ ngày 1.4 đến hết ngày 30.6) là 1.779,2 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng số sử dụng Quỹ BOG trong quý II.2023 chỉ là 5,91 tỉ đồng.
Theo Bộ Tài chính, số dư quỹ BOG đến hết ngày 30.6 lên tới 7.424,7 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số đầu năm.
Trong khi đó, giá xăng dầu tăng liên tiếp 6 lần và chỉ chững lại ở kỳ điều hành mới nhất (ngày 11.9). Hiện giá xăng RON 95-III ngưỡng 24.871 đồng/lít; xăng E5 RON 92 ngưỡng 23.471 đồng/lít.
Riêng giá dầu diesel - chiếm 60% tổng sản lượng nhiên liệu trên thị trường vẫn chưa dứt đà tăng. Hiện diesel có mức giá 23.055 đồng/lít sau khi tăng 374 đồng/lít.
Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công Thương) cho biết, Quỹ Bình ổn xăng dầu nhưng điều hành “không ổn”. Đặc biệt, quỹ này giao cho doanh nghiệp quản lý, họ sử dụng, hạch toán như thế nào rất ít người biết?
Do vậy, không thể nào để Quỹ BOG tại doanh nghiệp. Bởi, tiền này là tiền của dân, doanh nghiệp quản lý có thể dùng số tiền này vào mục đích khác, như vậy không công bằng với người dân tham gia đóng góp vào Quỹ bình ổn xăng dầu.
Ngoài ra, một trong những điểm bất cập nữa là Quỹ bình ổn xăng dầu nằm ngoài ngân sách, không dùng ngân sách nhà nước, được doanh nghiệp trích lập và sử dụng nhưng mức trích lập, mức chi lại dựa trên quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Công Thương. Tất cả những điều đó làm chậm thời gian khiến mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu Việt Nam không phù hợp với diễn biến tức khắc của thị trường thế giới.
"Tôi cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây là Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu nhưng chưa hướng đến người dân và doanh nghiệp. Ví dụ, trong các kỳ điều chỉnh vừa qua, nhẽ ra phải trích Quỹ bình ổn để chặn đà tăng của giá xăng dầu, nhưng cơ quan điều hành không làm điều đó, để giá xăng dầu chạm ngưỡng 25.000 đồng/lít.
Tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng cao không tính bằng việc tăng mấy nghìn đồng khi đi đổ xăng mà quan trọng là tính vào giá thành của doanh nghiệp, của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không kiểm soát giá xăng dầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chỉ số CPI, lạm phát", ông Phú cho biết.
Nguồn: Báo Lao động