Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo mới nhất về luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có những quy định kiểm soát khung giờ bán rượu, bia.
Bàn về vấn đề này, TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Mỗi một Bộ có một luật khác nhau sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
Để chứng minh cho ý kiến mình đưa ra, TS. Lê Đăng Doanh đưa ra quan điểm về sự cần thiết phải thích nghi với từng nhu cầu.
Ảnh minh họa.
Dẫn ra đây ví dụ ở những khu vui chơi giải trí, những nơi đang phát triển dịch vụ du lịch, thu hút rất đông khách trong nước và quốc tế, nếu hạn chế vào các khung giờ thì vấn đề đặt ra là liệu khách du lịch đi từ xa tới họ sẽ cảm thấy thế nào khi muốn nghỉ ngơi, giao lưu cùng bạn bè.
“Theo tôi, quy định về khung giờ tại Dự thảo này là chưa phù hợp. Không nên có công thức nào để “cấm đoán” như vậy nhất là “cấm đoán” đối với mọi dich vụ sẽ hạn chế với ngành du lịch, và không phù hợp với những nơi kinh doanh như quán bar, vũ trường khi được phép mở đến khung giờ muộn. Cho phép người ta mở tới khung giờ nào phải cho họ bán rượu bia tới giờ đó.
Theo tôi, bộ Y tế nên thảo luận, xem xét cùng bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để có phương án phù hợp nhất”, TS. Lê Đăng Doanh nói.
Từ những phân tích trên, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, nên có quy định hạn chế tuổi và một số đối tượng bán rượu bia.
Đối với cấp chính quyền, nếu Dự thảo đưa ra quy định này phải có lực lượng giám sát, kiểm tra. Đây là điều, theo TS. Lê Đăng Doanh, các cơ quan quản lý phải tính tới, và lực lượng kiểm tra, giám sát họ có năng lực làm việc đó hay không.
Cùng bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng chia sẻ về việc phải lựa chọn phương án nào phù hợp với điều kiện thực tế. Nếu quy định bán rượu bia tới 22h sẽ hơi sớm, nhất là có một số phố buôn bán đêm. Vì vậy, theo đề nghị của TS. Phong, có nên chăng khung giờ nên muộn hơn.
“Sẽ chọn phương án nào tạo điều kiện bán hàng đêm cho người bán. Hơn nữa, trong mọi tình huống, ngoài việc quy định giờ bán cũng phải quy định đối tượng bán.
Quan trọng hơn phải có sự kiểm soát chất lượng để không tạo ra các vụ ngộ độc rượu, hay buôn bán những sản phẩm không được phép”, TS. Nguyễn Minh Phong đưa ra quan điểm.
Về phía bộ Y tế, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) trao đổi: “Quy định về giờ bán rượu đã được nhiều quốc gia thực hiện. Nếu quy định này được đưa vào luật để thực thi thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức. Ví dụ như lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm giám sát chất lượng hàng hóa lưu thông sẽ thêm giám sát giờ bán rượu chứ không phải lại tổ chức thêm một lực lượng đi thanh tra kiểm tra”.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo mới nhất về luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Dự thảo đưa ra 3 phương án quy định về thời gian được bán rượu, bia. Cụ thể, phương án 1 chỉ được bán rượu bia từ 11 - 14h và từ 17 - 22h hàng ngày. Phương án 2, chỉ được bán rượu, bia từ 6 - 22h (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch). Phương án 3, thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tác hại của rượu, bia.
Dự thảo cũng đưa ra quy định địa điểm công cộng không được bán rượu như: Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng, giải trí dành cho trẻ em; nơi làm việc của cơ quan tổ chức doanh nghiệp; trạm dừng nghỉ trên quốc lộ, tỉnh lộ.
Nguồn: Nguyễn Huệ
Người đưa tin