Những ngày qua, khoảng hơn một km bờ biển ở thôn Bình Lập tập trung hàng chục lồng nuôi tôm hùm. Những lồng nuôi này bám dày đặc hàu, rác thải, được các chủ vựa kéo vào bờ, sau đó thuê người vệ sinh, đan và thay lưới mới.
Tuy nhiên, trong quá trình vệ sinh, các chất thải như vỏ hàu, ốc, rác nhựa, lưới... không được dọn dẹp mà tập kết trên bờ, một số người còn đổ thẳng rác xuống biển. Dọc bờ biển, nhiều ngư cụ, lưới bám đầy các rác thải nằm ở dưới mặt biển, kẹt vào các kẽ đá.
Rác thải từ vệ sinh lồng nuôi tôm hùm ở bãi biển thôn Bình Lập, xã Cam Lập, TP Cam Ranh. Ảnh: Bùi Toàn
Một số đoạn rác tích tụ từ lâu, quện từng vạt, tạo thành các gò cao trên cát, đi kèm với đó là mùi hôi thối bốc lên khiến người dân khi ra bờ biển phải bịt mũi, đeo khẩu trang.
Theo một số người vệ sinh lồng, họ được thuê làm sạch và thay lưới với giá khoảng 300.000 đồng mỗi lồng. Phần lưới cũ sẽ được phơi khô và bán với giá 2.500 đồng mỗi kg. Lượng rác thải sau đó được dọn dẹp, thu gom để làm thức ăn cho vật nuôi. Tuy nhiên, dọc bãi biển, rác vẫn tập trung rất nhiều.
Nằm cách TP Nha Trang về phía nam khoảng 60 km, vùng biển ở thôn Bình Lập, xã Cam Lập từng là bãi biển trong xanh, nước trong vắt, nằm gần các đảo nổi tiếng như Bình Ba, Bình Hưng. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng. Theo người dân địa phương nguyên nhân là ảnh hưởng từ việc vệ sinh lồng nuôi không đúng cách. Ngoài ra, một số khu vực lân cận trên vịnh Cam Ranh cũng xảy ra tình trạng rác ùa về theo mùa.
Phần rác tích tụ nhiều năm tạo thành gò nhô cao trên bãi biển. Ảnh: Bùi Toàn
Bà Nguyễn Thị Bé, thôn Bình Lập, cho biết mỗi ngày, có khoảng 50 lồng nuôi được kéo vào bờ để vệ sinh, những tháng cao điểm số lượng lên đến hơn 100 lồng. Tình trạng này đã diễn ra gần 3 năm. "Bên cạnh rác, mùi hôi thối từ bờ biển bốc lên cả ngày, nhất là giữa trưa", bà nói và cho biết đã nhiều lần phản ánh với địa phương nhưng vấn đề chưa được xử lý dứt điểm.
Theo một số người dân địa phương, họ phải chọn thời điểm nước lặng để đi tắm vì biển động sẽ làm chất bẩn lắng dưới đáy trồi lên, gây ngứa ngáy. "Nhiều người từng bị ngứa, viêm da vì tắm phải nước biển ô nhiễm", một người dân địa phương nói.
Ông Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND TP Cam Ranh, cho biết vấn đề ô nhiễm diễn ra phức tạp tại vùng biển ở tại xã Cam Lập. Tình trạng này xuất phát từ việc một số người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Quá trình vệ sinh lồng nuôi tôm đã xả rác dưới biển khiến rác xuôi theo dòng nước tập kết về bờ. Địa phương thường xuyên tuyên truyền vấn đề bảo vệ môi trường nhưng tình trạng xả rác vẫn chưa được cải thiện.
Rác từ lồng nuôi tôm bủa vây bãi biển ở Cam Ranh
Để giải quyết, địa phương đã thuê người thu gom, đồng thời rà soát các trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm. Lúc rác nhiều xã phải ký hợp đồng với công ty môi trường đưa máy móc đến xử lý.
"Chính quyền định hướng người dân chuyển đổi hình thức từ nuôi trồng truyền thống sang áp dụng nuôi công nghệ cao là lồng HDPE, góp phần giảm ô nhiễm nhiễm môi trường, vừa đảm bảo lợi nhuận và hiệu quả kinh tế", ông Thạch nói.
Cũng theo lãnh đạo TP Cam Ranh, Viện nghiên cứu và nuôi trồng thuỷ sản III cũng đã có đề án hỗ trợ sinh kế cho người dân nuôi lồng bè gần biển, chuyển đổi nghề, bố trí việc làm cho họ.
Vịnh Cam Ranh có khoảng 257 ha vùng nuôi trồng thuỷ sản. Trước đây, diện tích nuôi trồng là 565 ha nhưng vướng một số hoạt động trên biển nên thu hẹp vùng nuôi. Trong đó, khu vực xã Cam Lập là 230 ha, chủ yếu là hình thức nuôi tự phát. Theo thống kê, tại đây có khoảng 45.000 lồng nuôi tôm hùm, tôm hùm xanh chiếm tỉ lệ 95%.
Bùi Toàn
Nguồn: VNEXPRESS.NET