Quan điểm này được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đưa ra khi thảo luận liên quan việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53 về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo nữ đại biểu, dự án sân bay Long Thành là dự án lớn, vắt qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội.
Quốc hội khóa XIII thông qua chủ trương đầu tư; Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết 53 đồng ý cho tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và Quốc hội khóa XV xem xét việc lùi thời hạn giải ngân dự án thành phần.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban - Văn hóa Nguyễn Thị Mai Hoa (Ảnh: Phạm Thắng).
"Hy vọng tiến độ dự án hoàn thành giai đoạn 1 vào 2025 được bảo đảm, không có thêm lần trình lùi thời gian", theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục.
Bà nhấn mạnh sân bay Long Thành là một công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò vô cùng quan trọng, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng, với các trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước; đồng thời kết nối với quốc tế.
Chia sẻ với Chính phủ và Đồng Nai về những khó khăn trong thực hiện triển khai dự án, song bà Hoa băn khoăn nhiều vấn đề.
Về những lý do tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập nhằm giải quyết thực tế, đẩy nhanh tiến độ đầu tư toàn bộ dự án, ngoài nguyên nhân do tác động của dịch Covid-19, bà Hoa đề nghị làm rõ còn nguyên nhân nào khác, cần phân tích kỹ, vì thực tế tiến độ triển khai dự án đang rất chậm.
Theo Nghị quyết 53 của Quốc hội, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021, tuy nhiên, theo đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp này sẽ kéo dài đến hết năm 2024, dự kiến chậm tới 3 năm.
"Việc này đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác giai đoạn 1 Dự án sân bay Long Thành vào năm 2025? Có chậm không? Chậm bao nhiêu lâu?", bà Hoa đặt hàng loạt câu hỏi.
Theo nữ đại biểu, vì chậm khâu bàn giao mặt bằng, muốn đạt tiến độ ở đích 2025, các khâu còn lại phải tổng lực đẩy nhanh tiến độ. Vì vậy, bà lưu ý khi đẩy nhanh tiến độ phải làm sao không ảnh hưởng tới chất lượng công trình.
Dự án sân bay Long Thành thu hồi được trên 4.882ha/4.946ha đất; xét duyệt tái định cư cho 4.161 hộ (Ảnh: Hải Long).
Về đề xuất kéo dài thời hạn giải ngân đối với nguồn vốn đã giao hết đến năm 2021, theo quy định của Luật Đầu tư công, trong trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng có thể quyết định kéo dài nhưng không quá ngày 31/12 của năm sau - chỉ tối đa được 1 năm. Như vậy nguồn vốn này chỉ được kéo dài đến ngày 31/12/2022.
Đến nay đã quá hạn gần một năm, theo Điều 64 của Luật Ngân sách Nhà nước, khi đã hết thời gian chỉnh lý quyết toán mà chưa thực hiện chi hết thì phải hủy bỏ. "Vậy có đủ điều kiện để có thể xem xét kéo dài phần vốn đã giao từ năm 2021 sang năm 2024 không?", bà Hoa đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung này.
Theo vị Phó Chủ nhiệm, khi Quốc hội khóa XIV chấp nhận tách dự án thành phần đã đề nghị Chính phủ quan tâm, bảo đảm công tác tái định cư, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng chịu ảnh hưởng; bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.
Bà Hoa cũng nhấn mạnh đây là dự án liên quan đến công tác an sinh xã hội, cần có giải pháp chuyển đổi việc làm, đào tạo nghề cho người dân trong vùng thu hồi đất để có thể tham gia vào việc phục vụ trong quá trình khai thác cảng hàng không Long Thành. "Đây là vấn đề cần được Chính phủ và địa phương quan tâm, thực hiện", theo lời bà Hoa.
Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2017, với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.
Diện tích đất thu hồi là gần 5.400ha, trong đó diện tích đất của Dự án Cảng HKQT Long Thành là 5.000ha, diện tích đất khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn hơn 280ha, diện tích đất Phân khu III của khu tái định cư Bình Sơn là 97ha, diện tích đất khu nghĩa trang là 20ha.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí