Đó là nhận định của Đại tá Đặng Tuấn Việt (Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh) trong hội thảo bàn về "Mở visa, phục hồi du lịch".

Việt Nam có hệ thống đăng ký thị thực điện tử hàng đầu

Ngày 10/3, báo Thanh Niên tổ chức Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" với sự góp mặt của lãnh đạo TPHCM và nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, lữ hành, hàng không.

1 San Bay Tan Son Nhat La Mot Trong Nhung Noi Nhap Canh De Nhat The Gioi

Đại diện của Bộ Công an, Tổng cục Du lịch, Cục Hàng không, lãnh đạo UBND TPHCM, các doanh nghiệp hàng không, du lịch, dịch vụ,... thảo luận sôi nổi về vấn đề xoay quanh "Mở visa, phục hồi du lịch" (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tại hội thảo, Đại tá Đặng Tuấn Việt kể rằng, khi ông có chuyến công tác đến Australia, ông phải chờ đến 2 tiếng để làm thủ tục nhập cảnh, với những quy trình phức tạp và phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi. Nhưng tại Việt Nam, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), ông cho rằng, đây là một trong những nơi làm thủ tục nhập cảnh dễ dàng nhất thế giới.

Ông cho biết hình thức E-visa (thị thực điện tử) của Việt Nam nằm hàng đầu thế giới. Du khách có thể ngồi bất cứ đâu cũng có thể đăng ký, không cần chứng minh tài chính và được trả kết quả chỉ trong 3 ngày. Tính từ 15/3/2022 đến nay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã ghi nhận hơn 1 triệu du khách đăng ký thị thực bằng hình thức này, với chi phí chỉ 25 USD/người.

"Điều đó cho thấy, để tạo mọi thuận lợi cho việc phục hồi du lịch, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cũng đã tạo mọi điều kiện nhanh chóng nhất cho du khách. Cụ thể là khi nhập cảnh, cán bộ chỉ kiểm tra thông tin trong hộ chiếu của hành khách, không yêu cầu khai báo bất kỳ thông tin nào về nơi ở, tài chính,…", Đại tá Việt phát biểu.

2 San Bay Tan Son Nhat La Mot Trong Nhung Noi Nhap Canh De Nhat The Gioi

Đại tá Đặng Tuấn Việt chỉ ra những ưu điểm của hệ thống cấp thị thực cho du khách nước ngoài (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh thông tin rằng visa thị thực của khách quốc tế không hẳn chỉ 15 ngày. Bộ Công an tiếp tục cấp thị thực du lịch cho khách quốc tế, có giá trị đến 90 ngày. Trong đó, khi nhập cảnh vào Việt Nam, cán bộ sẽ đóng dấu tạm trú cho du khách kéo dài 30 ngày. Sau đó, du khách có thể xuất cảnh sang nước khác rồi quay lại hoặc yêu cầu gia hạn 90 ngày ở lại theo nguyện vọng.

Tuy nhiên, Cục Quản lý xuất nhập cảnh ghi nhận lượng du khách yêu cầu gia hạn thị thực rất ít, bởi hiếm có du khách ở lại Việt Nam quá 30 ngày. Vì vậy, cần phải xét đến những tiêu chí khác về du lịch để níu chân khách quốc tế, bởi visa chưa phải yếu tố quyết định duy nhất.

Song, các chuyên gia tiếp tục đặt câu hỏi: "Vì sao Việt Nam mở cửa đầu tiên sau Covid-19 nhưng lại phục hồi chậm nhất? Lý do khách quốc tế lại ngại đến Việt Nam?".

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) khẳng định, visa không hẳn là nguyên nhân khiến du lịch Việt khó khôi phục, nhưng nó là yếu tố then chốt, giúp gỡ được nút thắt khó khăn. Dù các thủ tục xin visa không quá phức tạp nhưng vấn đề là chỉ mới có 13 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.

"Chính phủ cần phải bắt đầu từ visa, mở thêm nhiều đường bay thẳng. Nếu không đầu tư mở đường bay thẳng thì sẽ khó thu hút khách quốc tế", ông Lương nói.

Cần miễn thị thực để giữ chân du khách

Ông Trịnh Ngọc Thành - Phó Tổng giám đốc Thương mại Vietnam Airlines đồng tình rằng, tại khu vực Đông Nam Á, du khách sẽ chọn đến nước nào có thủ tục visa dễ dàng nhất. Một số nước như Thái Lan đã tăng gấp đôi lượng du khách nhờ vào chính sách mở rộng miễn thị thực.

"Nếu thực hiện được điều đó, kết hợp với phát triển đường bay thẳng, lượng khách du lịch có thể tăng gấp đôi trong 3 năm. Tôi đề nghị nên xem xét miễn visa, sử dụng nhiều lần hay sử dụng trong 3 nước Đông Dương phối hợp với nhau", ông Thành góp ý.

3 San Bay Tan Son Nhat La Mot Trong Nhung Noi Nhap Canh De Nhat The Gioi

Ông Trịnh Ngọc Thành cho rằng việc thay đổi chính sách cấp visa thị thực cho khách du lịch quốc tế là điều cấp bách để khôi phục du lịch (Ảnh: Nguyễn Vy).

Bà Trần Nguyện - Phó tổng giám đốc Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) nêu rõ, hình thức E-visa chỉ mới áp dụng cho 80 quốc gia. Trong khi đó, người nước ngoài còn bị giới hạn số cửa khẩu cho phép nhập cảnh.

"Trong khi thời gian lưu trú thông thường của chúng ta là 15 ngày, thì Malaysia đã miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore cho 162 quốc gia, Phillipines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc 66 quốc gia, Thái Lan 64 quốc gia,… Các quốc gia trên hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào", bà Nguyện chỉ rõ điểm yếu của việc cấp visa tại Việt Nam.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, sự thuận lợi của việc cấp thị thực nhập cảnh có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 đến 25% mỗi năm.

Từ đó, bà chỉ ra chính sách visa của Việt Nam đang gặp bất lợi so với các nước khác.

"Theo tôi, chúng ta cần mở rộng thêm quốc gia được miễn thị thực đơn phương, để có thể tranh thủ đón khách quốc tế trong du lịch hè sắp tới. Bên cạnh đó, đề xuất tăng thời hạn miễn thị thực lên 90 - 180 ngày, thời gian tạm trú 30 - 45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần", bà Nguyện chia sẻ.

TS Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch - dự đoán, nếu không nâng thời gian lưu trú và cho phép ra vào nhiều lần, sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) sắp tới sẽ khó thực hiện trung chuyển khách quốc tế. Ông đề nghị cần kéo dài thời hạn các chương trình miễn thị thực đơn phương lên 5 năm để doanh nghiệp yên tâm tiếp thị, xây dựng sản phẩm.

4 San Bay Tan Son Nhat La Mot Trong Nhung Noi Nhap Canh De Nhat The Gioi

Ngoài góp ý về việc thay đổi chính sách visa, TS Lương Hoài Nam còn cảnh báo hình thức "moi tiền" khách hàng của nhiều công ty tư vấn làm visa (Ảnh: Nguyễn Vy).

Không dừng lại ở đó, nhóm du khách rất cần miễn thị thực là các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam tham gia các sự kiện MICE, du lịch đánh golf, du khách và phi hành đoàn đến Việt Nam bằng máy bay riêng vì mục đích kinh doanh hoặc du lịch,…

"Chúng ta cần xem chính sách visa chính thức là công cụ cạnh tranh thu hút khách quốc tế", ông Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam cần có thỏa thuận chính sách dài hạn song phương với thời hạn 5-10 năm.

Đặc biệt, TS Lương Hoài Nam còn cảnh báo vấn nạn các doanh nghiệp chú trọng làm visa cho du khách, hơn phát triển chương trình du lịch. Nhiều công ty báo giá làm visa cạnh tranh nhau, "hành" du khách để kiếm tiền. Điều này dẫn đến méo mó, cạnh tranh không lành mạnh trong ngành.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC