Hà Văn Thịnh
Điều nghịch lý là đã nghỉ hưu rồi, các PGS, GS vẫn được nhận các khoản thưởng thi đua như người chưa nghỉ hưu.
Trước hết, xin mở ngoặc để nhấn mạnh rằng, không hề có một động cơ cá nhân nào trong bài viết này mà thực tế, từ chỗ quan sát, thu nhận nhiều ý kiến bức xúc trong trường đại học, nên mạnh dạn nêu vấn đề để dư luận xem xét.
Cũng nhấn mạnh rằng, người viết bài này có không ít bạn thân – rất thân ở các khoa Văn, Địa Lý – Địa chất, Lịch sử…, đang được hưởng sự “kéo dài lợi ích” sau tuổi 60, nhưng trên tinh thần vì lợi ích chung, rất mong bạn bè hiểu…
Ích lợi của kéo dài tuổi hưu
Phải ghi nhận rằng, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho những người có học hàm, học vị đã đem lại một số lợi ích cho cơ quan sử dụng.
Đó là có thể tận dụng được chất xám của những người có chuyên môn cao (theo lý thuyết chung về bằng cấp), nhất là trong việc mở các ngành đào tạo ThS, TS.
Bởi quy định “cứng” của Bộ GD-ĐT chỉ cho phép mở các ngành đào tạo trên ĐH khi có đủ cơ cấu về đội ngũ TS, PGS, GS.
Nói cách khác, đây là giải pháp mềm để các trường đua nhau mở thêm các chương trình đào tạo, trong đó có mục đích là… làm kinh tế!
Các hội thảo khoa học hay trao đổi về giảng dạy, cũng rất cần kinh nghiệm và trình độ của những cây đa, cây đề thuộc chuyên môn hẹp.
Các trường đại học cũng rất cần cái “danh” là có bao nhiêu TS, PGS, GS để… quảng cáo cho vị thứ cao của trường mình, nhằm thu hút đầu vào.
Vì ai cũng biết rằng, thêm được một sinh viên là tăng thu nhập cho trường khoảng từ 50 đến 100 triệu đồng (tính chung cả khóa học).
Thực tế là do mở nhiều trường, nhiều ngành mới nên có một số ngành chưa đủ năng lực, bề dày chuyên môn để đáp ứng đủ cho nhu cầu cần của đào tạo (số này không nhiều).
Việc kéo dài tuổi hưu còn tạo ra vô số các “quan hệ tình cảm” nhân danh uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo – một trong những “tiêu chí” được ngợi ca từ thời… phong kiến.
Ngoài ra, việc này cũng đảm bảo các dự án cũ, các liên hệ trước đây với đơn vị trong nước hay nước ngoài, tiếp tục được duy trì thuận lợi...
Những hệ lụy không thể né tránh
Bên cạnh rất nhiều các ích và lợi đã nêu ở trên, quy định cho phép các TS, PGS và GS được kéo dài thời gian nghỉ hưu từ 5-7 năm, thực chất là đang tạo ra các hệ lụy ghê gớm, mà phải nói thẳng ra rằng, hại nhiều hơn lợi.
Việc "bảo vệ" và "tận dụng" chất xám của những người có học vị, học hàm cao như TS, PGS, GS – thực ra, có đem lại nhiều điều ích lợi với sự phát triển của đất nước như thế nào là câu hỏi mà Quốc hội, Chính phủ nên xem xét lại kỹ càng.
Lâu nay, đó được coi như là sự mặc định đúng đắn "nguyên tắc" sử dụng hiền tài – mặc định luôn cả mọi giá trị không thể có và các "giá trị" có thể tưởng tượng ra về lợi ích, hiệu quả.
Những người có học vị, học hàm cao trên đây, phần lớn đều bỏ dạy đã lâu, chỉ lo làm quản lý với các chức vụ như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng phòng...
Vậy, có ý kiến cho rằng, điều này thể hiện sự chiếu cố đương nhiên với các quan chức đặc biệt trong ngành giáo dục.
Một số người khác, tuy không có chức vụ cao, nhưng lại được “ăn theo” sự chiếu cố đó, có thật đã làm lợi cho đất nước nhiều – đúng như số tiền lương, công việc mà các vị đó được hưởng hay không?
Không ít trường ĐH, ví dụ như ngành Sinh học, Địa lý, Toán… chỉ có trên dưới trăm SV (tính cả 4 khóa, từ năm đầu đến năm cuối).
Thế nên, khi các PGS, GS được “ở lại”, mỗi năm chỉ dạy vài chục giờ, tính ra – quy đổi theo lương mỗi tháng 15 triệu đồng (mức trung bình) so với lương hưu (hơn một nửa số tiền trên) thì mỗi tiết dạy, Nhà nước phải trả cả triệu đồng(!)?
Tại sao không quy định, có quy chế theo thực tế rằng, cần dạy đại học, cao học thì có thể mời theo thông lệ, trả lương theo giá thông thường cộng thêm ưu đãi, còn lương hưu cứ nhận như bình thường?
Điều nghịch lý tiếp theo là đã nghỉ hưu rồi, các PGS, GS vẫn được nhận các khoản thưởng thi đua như người chưa nghỉ hưu.
Thậm chí có người còn kêu: Chừng nào các thầy còn "ngồi" ở đó, một số người trẻ khó tiếp cận các mức khen thưởng như chiến sĩ thi đua, nhà giáo ưu tú…
Điều tệ hại đáng bàn là, khi các vị này lên chức, trường đã bổ sung người thay thế. Đến khi các vị này hết tuổi quản lý, quay trở lại giảng dạy, thì giáo viên trẻ được bổ sung trước đó sẽ mất nhiều tiết dạy.
Có học trò cũ nào dám không trả lại không? Có học trò cũ nào không dám ký mời các thầy… ở lại, cho dù ai cũng thấy bất cập, vô lý?
Việc phải trả lại vô lý đó làm cho hàng trăm giảng viên trẻ thiếu giờ theo chuẩn định mức – tức là bỗng nhiên “sai phạm”: Không hoàn thành đủ khối lượng công việc gần 300 tiết dạy mỗi năm theo quy định, có nghĩa là không đạt lao động tiên tiến, bớt lương, thưởng…
Việc đó làm đảo lộn cả một hệ thống và phương thức đào tạo do phải ưu tiên cho “tinh hoa” (theo nguyên tắc) là điều chẳng hợp lý một chút nào.
Chừng nào lớp trẻ mới khá được khi các vị có học hàm, học vị cao cứ ngồi mãi ở chỗ đó, hưởng lương trên trời, phán thoải mái – cho dù đọc, cập nhật kiến thức mới mẻ là điều thật sự hiếm hoi.
Chưa hề thấy ai đó, sau khi được kéo dài tuổi hưu mà đóng góp được cho xã hội công trình đáng kể.
Không ai không biết sự thật là khi về già, con người bảo thủ và muốn níu kéo các vinh quang, giá trị, quyền hạn đến vô cùng…
Mâu thuẫn đó ai cũng thấy, như về sinh lý học, quy định đến tuổi đó nghỉ hưu là hợp lý, thì sự kéo dài – dù theo cách nào đi nữa cũng là phản khoa học và kém hiệu quả.
Đồng hồ sinh học đâu có làm việc theo ý kiến chủ quan của ngài… cơ chế? Chẳng lẽ TS, PGS hay GS thì có cơ chế hoạt động sinh lý học dài hơn, tốt hơn, khỏe hơn những người khác?
Lý giải rằng, hiện nay do tuổi thọ con người tăng lên, việc kéo dài là hợp lý – thực ra thiếu thuyết phục. Nếu đúng thế sao lại có “công thức” hết tuổi làm quản lý? Nếu 70 tuổi vẫn dạy dỗ dược như bình thường thì chắc chắn vẫn quản lý được.
Hệ lụy nghiêm trọng nhất là trong các trường ĐH hiện nay, bằng mọi giá, người ta phải tìm cách đạt TS, PGS cho bằng được.
Có “chức danh” TS, PGS là kéo dài ít nhất 5 năm, mặc nhiên đến tuổi nghỉ hưu, nhưng vẫn thu nhập thêm một khoản lớn mỗi người (!). Chưa kể hàng loạt rắc rối, hệ lụy như đã nói đi theo cơ chế đó.
Các nhà quản lý nghĩ sao, nếu số lượng hàng ngàn người nhân với khoản tiền lớn đó mỗi năm, số lãng phí tiền của là bao nhiêu? Thực lợi là bao nhiêu?
Đó là chưa nói đến chuyện Bộ GD-ĐT và dư luận xã hội đều biết trong đội ngũ đó có một cơ số phần trăm là TS, GS giấy hoặc chưa xứng đáng.
Tại sao không sàng lọc, mà để cho TS, PGS "giấy" làm thêm xã hội 5-7 năm nữa?
Theo thông tin tờ Đất Việt đưa ngày 11.11.2014, hiện cả nước có 9.000 PGS, GS và 23.400 TS. Nếu chưa đưa ra được chính sách tổng thể thì cần phải có sự rà soát lại khi "tái sử dụng" TS, PGS.
Cần loại bỏ các GS, PGS, TS kém chất lượng vì kéo dài thời gian hưởng lương để "nuôi" một đội ngũ các GS, TS "giấy", tức là chẳng có tài cán gì, thì quả là một sự lãng phí xót xa…
Đã xảy ra các trường hợp phạm luật do việc kéo dài: Chẳng hạn, quy định, sau một năm lại ký hợp đồng lao động mới trong khi PGS hay TS nghỉ hưu rồi vẫn được bầu làm bí thư có nhiệm kỳ 4-5 năm. Vậy, việc ký hợp đồng từng năm chỉ là trò đùa dai của cơ chế?
Thử nghĩ xem, việc kéo dài tuổi hưu ảnh hưởng như thế nào tới việc không thể tuyển được người trẻ tuổi để thay thế, khiến cho việc chậm thay thế tạo nên cái thiếu ảo lâu dài.
Lương chi cho một PGS "giấy" kéo dài, đủ để tuyển thêm vài cán bộ trẻ rất đỗi hiền tài… Không dám, không được phép dùng sớm tài năng trẻ chẳng khác gì cách tạo điều kiện cho việc ăn chia bổng lộc lâu bền của cơ chế xưa cũ.
Chẳng lẽ, ta cứ để tồn tại công thức thời phong kiến như thế?
Đã đến lúc nên làm cho "ông cơ chế" bớt muộn phiền. Dù là ai đi chăng nữa, đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định là phải hưởng… lương hưu.
Cần dạy thêm, cứ mời, cần hướng dẫn luận án cao học, nghiên cứu sinh, cứ việc (có tăng thêm bao nhiêu tiền vẫn ích lợi hơn trả lương mỗi năm hàng trăm triệu để dạy mấy chục giờ).
Đừng bắt xã hội, nhà trường gánh cái gánh nặng về hưu rồi vẫn hưởng lương như là chưa. Đừng bắt lớp trẻ chờ đợi thêm 5 năm nữa mới hòng mong được chiến sĩ thi đua hay nhà giáo ưu tú.
Cũng đừng bắt các thế hệ sau mỏi mòn chờ đợi thêm 5 hay 10 năm mới đến lượt, đó thực sự là sai lầm vì đã làm trì trệ và hoang hóa tài năng trẻ…
Huế, 23.9.201 Theo Trí Thức Trẻ