Liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, ngoài cựu cục trưởng Ngân hàng Nhà nước - trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD thì các thành viên còn lại trong đoàn thanh tra đều nhận tiền của Ngân hàng SCB, ít nhất hơn 100 triệu đồng và nhiều nhất 8,7 tỉ.
Qua vụ án này, có thể nói với số tiền nhận hối lộ 5,2 triệu USD của bà Nhàn là "scandal", tiêu cực rất nghiêm trọng, hết sức nguy hiểm.
Đây là một "con sâu làm rầu nồi canh", gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công tác thanh tra, kiểm tra. Điều này cũng tiếp tục cho thấy nhận định của các cơ quan chức năng về việc xảy ra tham nhũng trong chính các cơ quan thanh tra, kiểm tra là hoàn toàn đúng.
Có thể xem đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay. Việc phát hiện, điều tra, xử lý hành vi này cũng cho thấy sự nghiêm minh, quyết liệt của công tác phòng chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù bất cứ là ai, ở cơ quan nào.
Đồng thời, qua đây cũng cần nhận thức rõ đoàn thanh tra, kiểm tra là những đoàn đại diện của cơ quan có chức năng phát hiện và xử lý sai phạm, vi phạm, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng lại tham nhũng, tiêu cực thì phải xử lý thật nghiêm minh để làm gương, răn đe.
Tuy nhiên, vụ án này có thể chỉ là "bề nổi của tảng băng bị vỡ và còn những tảng băng khác chưa bị vỡ". Thực tế, thời gian qua dư luận cũng nêu nhiều về việc các đối tượng thanh tra có vấn đề luôn tìm mọi cách sắp xếp để kết luận nhẹ nhàng đi.
Muốn như vậy, đối tượng bị thanh tra phải dùng mọi thủ đoạn, mánh khóe, kể cả sử dụng tiền, rất nhiều tiền nhằm hối lộ đoàn thanh tra để kết luận nhẹ hơn như vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB…
Ở đây cần nhìn nhận việc trưởng đoàn thanh tra nhận số tiền rất lớn, hơn 5,2 triệu USD, và tất cả các thành viên trong đoàn đều nhận hối lộ như vậy không phải đơn giản.
Do đó, các cơ quan điều tra cần làm rõ xem sau khi nhận xong họ dùng tiền đó vào làm gì, có chia chác, gửi ai không? Và có ai chống lưng phía sau hay không?
Đồng thời, qua vụ việc này, các cơ quan chức năng, cơ quan thanh tra phải rút kinh nghiệm rất nghiêm túc, sâu sắc, tránh mắc phải sai lầm rất lớn như vậy. Khi thành lập đoàn thanh tra, trước tiên phải tin cán bộ thanh tra nhưng phải có biện pháp để giám sát chặt chẽ đoàn thanh tra.
Trong đó, khi thành lập đoàn thanh tra, cơ quan thẩm quyền phải mời đoàn thanh tra lên làm việc, quán triệt nghiêm túc về tư tưởng để họ không muốn, không dám làm bậy, không nhận quà biếu mà phải thực sự công tâm, khách quan.
Đồng thời, khi biết đối tượng thanh tra có vấn đề, đoàn thanh tra đã thanh tra xong về báo cáo, kết luận lại nhẹ nhàng, qua loa, đại khái thì cần xem xét, thẩm tra.
Trường hợp còn nghi ngờ có thể thành lập đoàn thanh tra thứ hai để thanh tra, giám sát lại. Khi làm được như vậy sẽ giảm bớt được những tiêu cực trong công tác thanh tra.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online