Thế giới thứ ba lạc hậu về mặt văn hóa là một kết luận không thể phủ nhận. Đó là những nền văn hóa cát cứ, khép kín, một số còn tự mãn. Sự lạc hậu về mặt văn hóa ru ngủ xã hội bằng quá khứ và bằng sự an phận với hiện tại.
Con người không có tự do về mặt văn hoá, do đó không có năng lực đòi hỏi sự phát triển và tiến bộ.Nói cách khác, sự lạc hậu về mặt văn hoá, sự phi tự do về mặt văn hóa làm cho cuộc sống không có những năng lực đòi hỏi các mức độ khác nhau của các cuộc cải cách.
Nói về sự lạc hậu của văn hóa ở thế giới thứ ba không thể không nói đến hiện tượng níu kéo, gìn giữ cái gọi là bản sắc dân tộc.
Nhiều người lo sợ sự giao lưu về văn hóa sẽ làm biến mất các giá trị văn hóa truyền thống.
Đó là một quan niệm hết sức sai lầm.
Phải hiểu rằng, bản sắc tự nó là một đối tượng khách quan, con người không thể cố ý tạo nên nó, cũng như không thể cố ý làm mất nó.
Nếu để cho bản sắc hình thành một cách tự nhiên qua các giai đoạn lịch sử thì con người sẽ có một bản sắc rất tự nhiên. Nền văn hóa đó giúp con người hòa hợp với nhau và với chính mình.
Thế nhưng, với những cố gắng làm cho cộng đồng của mình có vẻ có bản sắc, tức là xây dựng bản sắc một cách chủ quan, thế giới thứ ba ngày càng khép kín về văn hoá, và trở thành những cộng đồng vừa tự mãn vừa dị biệt.
Các nước thế giới thứ ba dường như vẫn sử dụng các yếu tố văn hóa như những công cụ nhằm củng cố và làm nền tâm lý xã hội cho cái gọi là ổn định chính trị; và chính việc sử dụng tùy tiện các yếu tố văn hóa như vậy đã tạo ra một trạng thái lẫn lộn, trạng thái không kiểm soát được và ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phát triển của đời sống xã hội.
Hơn nữa, nền văn hóa lạc hậu làm méo mó năng lực nhận thức tự nhiên của con người, làm thui chột năng lực phát triển của con người.
Đến lượt mình, những năng lực yếu kém của con người lại góp phần làm suy thoái các giá trị tự nhiên, động lực tự nhiên của văn hoá. Sự tác động đó thể hiện thông qua sự cường điệu các giá trị và bản sắc văn hoá.
Điều này, một mặt thể hiện thái độ thiếu khiêm tốn và thiếu khoa học với văn hoá, mặt khác thể hiện sự thiếu tự tin hay sự tự ti của con người. Con người trước hết cần phải yêu chính mình, yêu hiện tại và tương lai của mình, quá khứ chỉ là phương tiện hỗ trợ.
Nếu cố làm cho con người tin rằng mọi cái có giá trị đều ở quá khứ thì đó là sự tận dụng quá khứ, tận dụng lịch sử như động cơ nhằm tạo ra niềm tự hào dân tộc giả tạo.
Đó là một sai lầm khủng khiếp, thậm chí một tội ác và chính nó ngăn cản toàn bộ tiến trình phát triển của các dân tộc.
Về khía cạnh thứ hai, khi con người thiếu tự tin thì họ buộc phải che đậy và vụng về triển lãm những cái riêng của mình để phân biệt với cái dị biệt. Thái độ xem các dị biệt là quan trọng gây chia rẽ và không phục vụ quá trình hội nhập và phát triển.
Thế giới thứ ba cần phải hiểu rằng, bản sắc cũng như văn hóa là một hiện tượng khách quan tồn tại bên ngoài ý muốn của con người. Bản sắc của người châu á hay người châu Âu, của người phát triển hay người không phát triển đều cao quý như nhau bởi vì chúng đều thuộc về con người.
Thừa nhận con người và các quyền con người như những yếu tố văn hóa của đời sống sẽ giúp giải quyết vấn đề tâm lý rất nhẹ nhàng. Sức mạnh của các quốc gia phát triển chính là nằm ở chỗ đó. Họ không phân biệt cái gì khích lệ năng lực đóng góp cho sự phát triển trong mỗi một con người.
Cần phải giải phóng con người ra khỏi những định kiến, trong đó định kiến dân tộc là một định kiến phổ biến. Không cường điệu hóa các bản sắc chính là giải phóng con người ra khỏi các định kiến. Văn hóa ngoài ý nghĩa tích cực là các giá trị còn có các giá trị tiêu cực là các định kiến.
Thế giới thứ ba buộc phải thức tỉnh về sự cần thiết phải biến văn hóa trở thành yếu tố quan trọng xúc tiến tiến trình phát triển, nếu không nó sẽ trở thành chỗ dựa về mặt tinh thần cho sự lạc hậu về chính trị và kinh tế, và kìm hãm năng lực phát triển của dân tộc.
Theo ấn phẩm Cải cách và sự phát triển