Bẵng đi một thời gian, người ta tưởng đã bớt đi nhiều lời cầu khẩn, xin xỏ cho thêm "sữa", cho thêm ưu đãi của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước như nhiều năm trước đây. Nhưng chỉ trong vài tháng qua, lại xuất hiện những lời đề nghị xin-cho thật khó nghe từ một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Đầu tiên là Vinalines (Tổng công ty Hàng hải VN).
Vâng, vẫn lại Vinalines-một doanh nghiệp mà một thời người ta cũng coi đó là "quả đấm thép" về vận tải biển.
Nhưng, đã trên 10 năm rồi, "ông kẹ" này chỉ biết thua lỗ và thua lỗ, đến nỗi, có nhiều người trong ngành vận tải biển hay gọi nó bằng cái tên Tổng công ty "hạng hai" (chứ không phải hàng hải) Việt Nam.
"Ông kẹ" này vừa đưa ra đề nghị hỗ trợ: Được tạo cơ hội cho đội tàu biển tham gia vận chuyển than - một đề nghị mà nhiều doanh nghiệp khác cho rằng, nếu chấp thuận, chẳng khác gì cho phép "sung" rụng thẳng vào mồm cho Vinalines.
Ấy thế nhưng, Bộ Giao thông vận tải cũng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ "tạo cơ hội cho đội tàu Việt Nam (của Vinalines) tham gia vận chuyển và nâng cao thị phần hàng hoá xuất nhập khẩu" mà ý tứ chính của nó, là xin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trong nước thuê Vinalines tàu chuyên chở hàng.
Bộ cũng không quên "nhắc" Chính phủ là đã từng chỉ đạo ưu tiên để tàu Vinalines chở hàng của doanh nghiệp Việt, nhưng vì nhiều lý do, Vinalines vẫn chưa được hưởng ưu tiên này.
Ngoài Vinalines, gần đây cũng có một số doanh nghiệp nhà nước lớn khác cũng liên tục "xin xỏ" chính sách.
Ngày 6/7, Dân trí đã đưa tin Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên (Tisco) có công văn "kêu cứu khẩn cấp" trong việc nhập khẩu sắt, thép phế liệu chỉ vì chưa được cấp giấy xác nhận bảo vệ môi trường-một yêu cầu cần thiết phải có với bất cứ doanh nghiệp nào trong việc nhập khẩu phế liệu.
Trước đó, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cũng gây "sóng" dư luận khi xin 1000 tỷ đồng để hỗ trợ dự án cải tạo, mở rộng nhà máy giai đoạn II, trong khi, đã có nhiều cơ sở, bằng chứng cho thấy, sau 9 năm đầu tư, dự án có qui mô lên tới 8000 tỷ đồng này gần như trong tình trạng phá sản, tiền có đổ vào bao nhiêu đi nữa cũng như "gió vào nhà trống".
Một loạt doanh nghiệp thép của Nhà nước vừa qua cũng kêu cứu tăng thuế để bảo hộ sản xuất trong nước. Một số nhà máy đường trong nước, giá bán cao cũng xin bảo hộ, không cho nhập khẩu đường ăn (với thuế suất bằng 0%) của Hoàng Anh Gia Lai từ Lào về với giá rẻ hơn nhiều.
Tất cả những đề nghị như vậy, ở thời điểm này, khó có thể nói gì hơn, đó là những đề nghị khá “trơ trẽn” bởi sự quá vô lý của chúng.
Các doanh nghiệp này, vốn dĩ đã nhận được quá nhiều ưu đãi của nhà nước: Từ mặt bằng sản xuất (đất)-thường có diện tích lớn, ở vị trí đắc địa, được vay ngân hàng (với những chính sách ưu đãi), thường được xem xét ưu đãi về thuế... Nay còn kêu gọi để xin các chính sách tạo nguồn hàng, bảo hộ sản xuất để đỡ phải chiến đấu, cạnh tranh với doanh nghiệp khác, chẳng khác gì xin Nhà nước mang "sữa " đến, rót thẳng vào miệng.
Vấn đề là lẽ ra từ lâu, Nhà nước phải dứt khoát nói không với những lời "cầu xin" như vậy, đặt các "ông kẹ" này ra thương trường, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác.
Với những ưu thế có sẵn về vốn, về đất đai, tài sản như hiện nay, doanh nghiệp nào có khả năng cạnh tranh sẽ đứng vững và vẫn phát triển mạnh như Viettel, Vinamilk...
Nhưng những doanh nghiệp nào, đã quá yếu kém, Nhà nước đã hỗ trợ, giải quyết đủ mọi chính sách như giãn nợ, giảm thuế... như đã áp dụng cho Vinalines, Vinashines ... mà vẫn không thể tự chủ kinh doanh được thì cũng nên cho phá sản, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp khác phát triển.
Nhưng nhìn vào danh sách các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được bảo lãnh vay vốn với tổng mức vốn vay được bảo lãnh lên tới 21 tỷ USD như Bộ Tài chính mới có báo cáo, trong đó có hàng loạt doanh nghiệp được bảo lãnh nhưng kinh doanh kém hiệu quả, chậm trả nợ như: Xi măng Hạ Long, Xi măng Thái Nguyên, Xi măng Sông Thao, Nhà máy Giấy Phương Nam... cho thấy, sự dứt khoát với việc ưu đãi cho các doanh nghiệp khu vực nhà nước vẫn chưa rõ ràng. Đó thực sự là điều rất đáng lo ngại.
Theo DÂN TRÍ