Suốt ngày "vật lộn" với con đườngChưa hết quý 1/2009, người dân TPHCM đã chứng kiến những cảnh kẹt xe kinh hoàng - hàng ngày và mọi lúc mọi nơi. Nhiều người than thở: nhà ở ngoại thành mà làm trong trung tâm thì mỗi ngày mất đứt 4 tiếng đi, về.

13 vụ kẹt xe trong 2 tháng

T heo số liệu của Ban An toàn giao thông TP, trong 2 tháng đầu năm 2009 trên địa bàn TP đã xảy ra 13 vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên 30 phút. Tuy nhiên, nếu tính chi tiết thì hết 10 vụ là xảy ra trong tháng 2/2009. Bởi tháng 1/2009 là tháng Tết nên TP khá vắng. Như vậy, từ đầu tháng 2, khi các công trình đào đường khởi động trở lại thì TP bắt đầu… kẹt.

 Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những con số mà các cơ quan chức năng thống kê được. Còn con số thực có lẽ còn cao hơn rất nhiều lần. Đặc biệt là những vụ kẹt xe kéo dài ít hơn 30 phút thường xuyên xảy ra cũng không được thống kê trong danh sách này.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên các tuyến đường trọng điểm như Cộng Hòa, Nguyễn Văn Trỗi, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng 8, Lê Văn Sĩ… mà có lô cốt nào là tại lô cốt đó sẽ tạo thành một điểm kẹt xe.

 Khác với các năm trước, kẹt xe không chỉ xảy ra trong giờ cao điểm mà hầu như xảy ra cả ngày, từ 6h sáng cho đến 19h tối. Chị Trần Thị Trân (ngụ tại đường Lê Trọng Tấn, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) cho biết: “Tôi làm ở quận 1, cách nhà chỉ hơn 5km nhưng mỗi ngày cũng mất gần 4 tiếng cho hành trình đi về”.

 Theo chị thì phương pháp “né” giờ cao điểm như đi sớm, về muộn năm nay thực hiện cũng không hiệu quả. Né lô cốt cũng vô phương vì các con đường dẫn từ Tân Phú vào trung tâm như Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu, Lê Văn Sĩ – Trần Quốc Thảo, Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa đều có lô cốt, đi đường nào cũng đụng.

 Chị than thở: “Suốt ngày vật lộn với con đường không cũng đã hết thời gian, công sức. Đi làm về là không còn sức để làm việc nhà, lo cho chồng con nữa”.

 Phải thi công cấp tập để tận dụng vốn vay ODA

 Theo một chuyên gia thì số người lưu thông trên đường ở TPHCM năm nay so với năm ngoái không thay đổi bao nhiêu. Tuy nhiên, vì kẹt xe tại nhiều điểm khiến thời gian hành trình của mỗi người đều tăng gấp rưỡi, gấp đôi nên lưu lượng người tăng đột biến, làm TP lúc nào cũng rất đông người ra đường. Điều đó lại gây nên áp lực cho diện tích đường vốn ít ỏi của TP và kẹt xe suốt ngày.

 Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cũng có nhận định: hiện nay Sở GTVT đã cấp phép thi công cho hàng loạt tuyến đường trong một khu vực như Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Lý Chính Thắng, Nguyễn Văn Nguyễn, Đặng Dung, Trần Nhật Duật… nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Từ đó, Thanh tra Sở đề nghị Sở GTVT không nên cấp phép thi công cùng một lúc trên nhiều tuyến đường tại một khu vực.

 Đó cũng là một trong những biện pháp hạn chế kẹt xe mà ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT hứa sẽ triển khai trong cuộc họp báo đầu năm. Tuy nhiên, có lẽ vì áp lực đào đến 75 km trong năm nay (gấp đôi năm ngoái) nên Sở đành phải triển khai hàng loạt, bỏ qua yếu tố “hạn chế kẹt xe”. Từ khi khởi công rào đường trở lại từ sau Tết đến nay, mỗi ngày TP đều có trên 200 lô cốt.

 Và trong một báo cáo ngày 20/3, Sở GTVT thanh minh: “Đối với Dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chiếm hơn 50% số lô cốt), do hiệp định vay vốn Ngân hàng Thế giới được gia hạn đến ngày 31/12/2009 nên cần phải mở nhiều mũi thi công để tận dụng tối đa nguồn vốn quan trọng này”.

 Điều đó có nghĩa là: Nếu chúng ta thi công không đúng thời hạn, WB sẽ cắt vốn cho vay, nên nhân dân cứ “chịu khó” kẹt xe dài dài.

 Theo Dân trí.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC