Trên giường bệnh, với vết thương ở đầu và chấn thương cổ, khi được hỏi về tai nạn, người tài xế có gần 20 kinh nghiệm cầm vô-lăng bàng hoàng nói: "Thật không thể tin được xe lại có thể mất phanh".
"Đang đổ đèo, thấy một ôtô xuất hiện ở chiều ngược lại, theo quán tính, tôi rà thắng giảm tốc, nhưng không ngờ xe bị tuột phanh...", thoát chết sau tai nạn tối 13/3 khiến 10 người tử vong, sáng 15/3, tài xế Nguyễn Thế Lâm đã thuật lại với toàn bộ vụ tai nạn.
"Biết xe tuột phanh, tôi giật thắng tay nhưng vẫn bất lực. Tôi tiếp tục khóa máy nhưng xe vẫn lao. Giải pháp cuối cùng là trả số, nhưng mới trả đến số 3 thì xe đã rơi ra khỏi mép đường. Mở mắt ra, tôi đã thấy mình nằm trong bệnh viện", anh Lâm kể.
Anh Lâm cho biết, chiếc xe bị tai nạn hiệu Isuzu, đời 2007, rất mới và đẹp, anh đã lái nhiều lần. Trước chuyến đi, chính anh là người kiểm tra độ an toàn của xe, đồng thời trong suốt ngày du lịch Đà Lạt, anh nhiều lần sử dụng thắng nhưng không có trục trặc nào xảy ra.
"Sáng đó tôi dậy từ 5h, cùng với hướng dẫn viên đi đến tất cả các khu nhà nghỉ của khách để đón họ. Hầu hết họ là người Nga, có gia đình gồm cả vợ chồng và con. Khoảng 10h chúng tôi đến Đà Lạt và buổi sáng chúng lần lượt tham quan một số địa danh như thác Prein, thác Đatanla. Sau khi dùng cơm trưa, cả đoàn tham quan Thiền viện Trúc Lâm, định đến thăm khu nhà cổ ở gần Dinh 3, thì một số khách than đói nên chúng tôi đi ăn trước, sau đó thăm nhà cổ rồi lên đường về lại Phan Thiết", anh Lâm kể.
Anh Lâm không nhớ chính xác tại nạn xảy ra lúc mấy giờ, nhưng theo lời vợ anh, lúc 5h30 chiều, chị nhận được điện thoại của chồng. "Anh ấy bảo tôi chuyển máy để nói chuyện với con và cho biết, xe chuẩn bị về. Đến 20h thì tôi nghe có tin xe chồng tôi lọt đèo", chị này nói.
Người tài xế này cũng cho hay, đoạn đường xảy ra tai nạn do đang thi công nên không có bảng báo cũng không có rào chắn an toàn. "Là người có kinh nghiệm, đoạn đường này vốn quá quen thuộc, nếu thắng không có vấn đề, tôi nghĩ, tai nạn thật khó xảy ra", anh Lâm nói.
Theo anh Lâm, những du khách Nga tỏ ra khá thân thiện. "Trước khi tai nạn xảy ra, có lẽ do cả ngày tham quan thấm mệt nên họ ít nói. Đặc biệt lúc xe bị trục trặc họ không hề hay biết để kịp hoảng loạn", anh Lâm nói.
Nạn nhân Nga tại Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Sáng 15/3, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài anh Lâm, 14 du khách Nga may mắn sống sót đã hoàn toàn bình an. Bác sĩ Nguyễn Hữu Chức, người trực tiếp chỉ đạo cấp cứu cho biết, sức khỏe của 12 nạn nhân người lớn và 2 trẻ em hoàn toàn tốt. Tuy nhiên các bệnh nhân vẫn rất căng thẳng do tâm lý sốc vì mất người thân. "Một số trường hợp phải chịu cảnh chết chồng chết con; mất vợ mất con. Cũng có trường hợp vợ con còn sống nhưng chồng đã chết", ông Chức nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết, đến sáng 15/3, thi thể của 9 nạn nhân đã được đưa về nhà lưu xác Bệnh viện FV và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chờ thủ tục đưa về nước.
Ngài Nicolai D.Ubshiet, Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga tại TP HCM cho biết, sáng mai, một chuyên cơ sẽ đưa các bác sĩ Nga đến TP HCM, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ sẽ thăm khám và đưa các nạn nhân về nước chiều cùng ngày.
Tai nạn thảm khốc xảy ra khoảng 19h ngày 13/3 tại con đèo quanh co đoạn thủy điện Đại Ninh, tỉnh Bình Thuận. 10 người tử nạn, trong đó có một hướng dẫn viên người Việt Nam, còn lại là du khách Nga. Chuyến đi du lịch của họ chỉ trong một ngày, xuất phát từ Phan Thiết đi Đà Lạt rồi từ Đà Lạt trở về.
Hôm qua, 14/3, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Liên bang Nga Dmitri Medvedev và gia đình các nạn nhân.
Theo Ngôi sao.