Cần phải giảm thuế, nuôi dưỡng nguồn thu hay tăng thu, dồn doanh nghiệp vào cửa tử?

Khó hiểu...

Trước thông tin, Bộ Tài chính vừa đề xuất thu thuế môn bài - một loại thuế trực thu, định ngạch đánh vào giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh tăng gấp ba lần. 

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi - Trường Đại học Nông lâm - TP.HCM cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, mọi giải pháp tăng thu bù ngân sách đều gây bất lợi lớn cho doanh nghiệp trong nước cũng như cho cả nền kinh tế nói chung. 

Tăng thuế môn bài 3 lần: Dồn doanh nghiệp vào cửa tử? - 0

Ông Ngãi nói rằng, cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, bởi chính cơ quan này từng đề xuất Chính phủ loại bỏ thu thuế môn bài để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tức là bản thân cơ quan chủ quản cũng đã nhìn nhận, lường trước được những tác động to lớn của chính sách trên đối với nền kinh tế.

Vị chuyên gia đặt câu hỏi: Vì lý do gì, Bộ Tài chính lại tiếp tục muốn thu, thậm chí là tăng thu tới ba lần? Chỉ để tăng thu cho ngân sách có thỏa đáng không? 

Ông cho biết, nếu theo lập luận của Bộ Tài chính, tăng thu thuế môn bài chỉ vì Bộ Tài chính cho rằng, thuế môn bài hiện hành căn cứ vào thu nhập để phân bậc môn bài của hộ kinh doanh là không còn phù hợp với thực tế.

Do đó, việc xác định bậc thuế môn bài hiện nay được đánh giá là không phù hợp với sự thay đổi của tiền lương. 

Cũng theo Bộ Tài chính, nếu tăng thu thuế môn bài số thu dự kiến khoảng 2.685 tỷ đồng, bảo đảm tăng thu ngân sách nhà nước so với hiện hành. Là chưa thuyết phục. 

Theo ông, cần phải nhìn nhận cho đúng những tác động, ảnh hưởng của một quyết sách tới cả nền kinh tế cũng như tác động tới đời sống, xã hội. Nếu chỉ đạt tới một mục đích là tăng thu cho ngân sách nhưng bỏ mặc doanh nghiệp sẽ rất nguy hiểm.

Nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, giải pháp cần làm là bỏ thu với bất kỳ lý do gì chứ không phải tăng thu bằng mọi cách.

Cũng theo ông, không thể dựa vào tiền lương để giải thích cho động cơ tăng thu.

"Khi hệ số lương cơ bản tăng lên, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chịu một khoản chi phí tăng thêm để chi trả tiền lương cho lao động. Nếu bây giờ lại tiếp tục tăng thuế môn bài sẽ rất mệt cho doanh nghiệp", ông nói.  

Hết đường hỗ trợ

Theo ông, một đất nước có giàu hay không? Thu nhập trung bình trên đầu người có cao hay không? Nền kinh tế có phát triển hay không? Tất cả đều phụ thuộc rất lớn vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không phải dựa vào doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp khu vực FDI.

Hơn nữa, theo lý thuyết kinh tế với bất kỳ với một loại thuế nào cho tới lúc này đều gây ra những tổn thất cho xã hội, nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, ông cho rằng, cần phải tính toán, cân nhắc nên nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hay tăng thu, dồn doanh nghiệp vào cửa tử?

"Tăng thuế môn bài thì đã thấy rõ bất hợp lý. Không nên vì đảm bảo nguồn thu mà ép thuế bằng mọi giá", ông cảnh báo.

Cùng với những dự đoán lãi suất huy động, cho vay có chiều hướng tăng 1-2 % trong năm nay, vị PGS tỏ ra rất lo ngại.

"Phần lớn người vay vốn ngân hàng đều là doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khu vực tư nhân. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng chịu tác động nhiều nhất.

Doanh nghiệp khu vực này vốn đã nhỏ, quy mô bé, lại gặp khó khăn từ những chính sách bất lợi chắc chắn sẽ bị liêu siêu", ông phân tích.  

Theo góc nhìn của vị chuyên gia, tăng lãi suất có thể là giải pháp hạn chế dòng vốn đang đổ vào BĐS, tuy nhiên, mặt trái của chính sách này là sự tác động ngược tới các doanh nghiệp trong nước.

Vị PGS cho biết, rõ ràng trong trường hợp này, gần như không còn đường để hỗ trợ.   

Ông nói thêm, doanh nghiệp vừa và nhỏ dù được coi là động lực của nền kinh tế nhưng lại đang phải chịu sức éprất lớn  từ cả các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp FDI. 

Nếu chính sách của nhà nước lại chỉ tính đến việc thu thuế, khả năng tồn tại của các doanh nghiệp trong bối cảnh mở cửa thị trường sắp tới là vô cùng khó khăn.  

"Sẽ có một xu hướng, những doanh nghiệp nhỏ và vừa co lại dần dần hoặc phải hợp tác, liên kết với nhau thành những tập đoàn, doanh nghiệp lớn hơn".

Mặc dù vậy, ông vẫn tỏ ra lo ngại, đứng trước trào lưu thâu tóm, mua bán, sáp nhập của các ông lớn nước ngoài, nền sản xuất của Việt Nam sẽ bị rơi vào tay nước ngoài là có thể được dự báo trước.  

"Bây giờ đã có thể nhìn thấy những hoạt động mua bán, thâu tóm bắt đầu diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Nếu không kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tự nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất thì cuối cùng nền sản xuất của Việt Nam sẽ chỉ là đi làm thuê. Lợi nhuận nước ngoài hưởng", ông nói.

Vì thế, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng, để đảm bảo nguồn thu, thay vì tăng thuế cần phải cân đối lại nguồn chi, siết chặt quản lý, chống thất thu thuế. Cần phải đi từ cái gốc của vấn đề, không nên vì nguồn thu ngắn hạn mà gây hại cho cả nền kinh tế về lâu dài.  

Lam Lam/Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC