Theo quy định, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên được chia thành 5 vấn đề lớn. Đáng chú ý, Bộ Chính trị yêu cầu cán bộ, đảng viên phải trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu.
Cùng với đó không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng, thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín...
Thực tế không phải bây giờ mới có quy định về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên mà trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh về vấn đề này. Trong đó, Bác Hồ đã nhấn mạnh đến việc người cán bộ phải "vừa hồng, vừa chuyên" và có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.
Để cụ thể hóa hơn những lời dạy của Bác và từ thực tiễn, trong thời gian qua, Đảng đã ban hành nhiều quy định về phẩm chất, đạo đức cách mạng, những điều cán bộ, đảng viên không được làm...
Thời gian qua chúng ta đã có rất nhiều văn bản, quy định, các bước, quy trình về công tác cán bộ được đánh giá cực kỳ chặt chẽ và đưa ra tiêu chuẩn rất cao với các cán bộ vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương.
Tuy nhiên chỉ sau một thời gian đã có rất nhiều cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thậm chí có những cán bộ cấp cao bị xử lý, cho thôi chức vì vi phạm kỷ luật Đảng, trách nhiệm nêu gương, người đứng đầu, vi phạm pháp luật.
Trong đó một loạt cán bộ, kể cả ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh... phải vào vòng lao lý, đứng trước vành móng ngựa.
Thêm vào đó việc tham nhũng, nhận hối lộ không phải chỉ còn ở mức vài triệu, vài tỉ đồng mà có cán bộ đã nhận lên tới cả triệu USD, hàng trăm tỉ đồng...
Do đó điều quan trọng nhất là sau khi ban hành các quy định, nhất là quy định 144 thì việc thực thi, giám sát phải rất nghiêm túc.
Đặc biệt phải giám sát quyền lực để các cán bộ không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng, tiêu cực. Ngoài giám sát quyền lực của ủy ban kiểm tra, thanh tra các cấp, MTTQ, Quốc hội, HĐND cần phát huy vai trò quan trọng của nhân dân. Không có "tai mắt" nào giám sát tốt hơn "tai mắt" của nhân dân.
Một nội dung cũng rất đáng chú ý được quy định là cán bộ, đảng viên thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.
Thực tế việc này được thực hiện tốt trong thời gian gần đây khi nhiều cán bộ, kể cả lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội cũng đã xin thôi chức khi không còn đủ uy tín, có vi phạm, khuyết điểm.
Chính vì vậy với quy định này, cần tiếp tục lan tỏa để mọi cán bộ, đảng viên ở mọi cấp, mọi ngành thực hiện. Bất kể người đó là ai, khi không hoàn thành nhiệm vụ, không còn đủ uy tín thì nên tạo điều kiện cho từ chức.
Việc từ chức thể hiện sự tự trọng trong mỗi con người và không nên quá nặng nề điều này. Tất nhiên nếu những người đã vi phạm pháp luật, phải xử lý hình sự mà xin từ chức để mong "chạy tội" thì dứt khoát không cho "từ chức để hạ cánh an toàn" mà phải tiếp tục xử lý nghiêm minh theo đúng tội danh đã vi phạm.
LÊ NHƯ TIẾN (NGUYÊN PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC) - THÀNH CHUNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online