"Tết Bính Thân là cái tết đầu tiên gia đình được đoàn tụ sớm, sung túc đầm ấm bên hai họ", triệu phú ve chai hồ  hởi. 

 

Những ngày cận Tết, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (37 tuổi, quê Quảng Ngãi, ngụ đường Trần Văn Quang, quận Tân Bình, TP HCM), người ve chai nhặt được 5 triệu yên Nhật vẫn đi mua phế liệu từ sáng đến tối mịt mới về.

Bóng lưng còng đẩy chiếc xe phế liệu cao gấp đôi thân người trên con đường tấp nập người xe của Sài Gòn của chị không lẫn vào đâu được. Được người quen hỏi thăm, chị Hồng cười: “Mấy ngày cuối năm người ta dọn nhà bán nhiều lắm, mỗi năm được một đợt thôi nên phải cố sức mà kiếm chút tiền lời về quê ăn Tết em ơi”.

Tết đổi đời của chị ve chai nhặt được 5 triệu yên - 0

Chị Hồng rạng rỡ bên chuyến xe chở đầy ve chai mua được những ngày cuối năm. Ảnh: Trường Nguyên.


Theo chị, từ khoảng 23 tháng Chạp, nhiều mối quen dọn dẹp nhà cửa nên bán rất nhiều đồ cũ. Chị cùng chồng là anh Vương phải dậy từ sớm đẩy xe đi mua rồi về phân loại, sau đó bán cho đại lý. 

“Những ngày cận Tết đi làm từ sớm đến tối mịt mới về nhà, dù mệt nhưng mỗi người cũng kiếm được 400-500 ngàn đồng nên vui lắm”, anh Vương chia sẻ.

Vừa phân loại xe ve chai, chị Hồng vừa chia sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình mình sau thời gian được nhận số tiền hơn 900 triệu đồng. Khoản tiền này là số tiền đổi từ 5 triệu yên Nhật mà chị nhặt được cách đây hơn một năm.

Gương mặt rạng rỡ, chị kể, sau khi nhận được tiền, hai vợ chồng thuê căn nhà nhỏ đón hai đứa con ở quê vào chung sống.

Gia đình đoàn tụ sau nhiều năm anh chị phải gửi hai con cho cha mẹ ở quê chăm sóc vì quá nghèo, phải lặn lội vào Sài Gòn mưu sinh.

Chị khoe đã sắm cho hai đứa ba bộ đồ Tết, đây là năm con con chị có nhiều đồ mới như vậy, đứa nào cũng háo hức diện đồ đẹp. 

“Cha mẹ ở quê cũng nghèo nên lo làm lụng, khó chăm sóc cháu kỹ lại thiếu tình thương cha mẹ nên bé lớn học sa sút, vào Sài Gòn không học nổi nên đã nghỉ. Qua năm chắc cho bé đi học nghề làm tóc”, giọng chị chùng xuống.

Chị kể, gia đình nghèo khó nên chị sớm vào Sài Gòn mưu sinh kiếm tiền phụ giúp gia đình khi chưa tròn 15 tuổi. Ban đầu, chị đi bán vé số nhưng nhiều lần vào các con hẻm gặp dân nghiện ma túy gọi lại khiến cô thiếu nữ sợ hãi bỏ chạy rồi bỏ luôn nghề.

Không việc làm, chị Hồng xin vào phụ việc ở quán nhậu. Trong một lần người thanh niên tên Vương cùng bạn đến quán ăn uống đã gặp chị Hồng, nhìn nhau rồi thấy có cảm tình nên anh Vương xin làm quen. Không lâu sau đó, hai người nên nghĩa vợ chồng.

“Sinh hai đứa con ra, làm lụng ngày đêm nhưng càng túng quẫn, hai vợ chồng đành đành dứt ruột gửi con lại cho ông bà để vào Sài Gòn mua ve chai với hy vọng có tiền lo cho chúng được no đủ. Từ đó, tôi gắn bó với nghề này đã được 16 năm. Không ngờ hai vợ chồng lại được lộc trời ban, có được số tiền 5 triệu yen vừa rồi”, chị nhớ lại.

Hai vợ chồng nhớ lại, lúc mới nhặt được tiền, có người đồn thổi chị lượm được kho báu nên hàng trăm người kéo đếm vừa xem vừa xin. Lúc đó anh Vương và chị Hồng không biết số tiền mục nát vừa lấy ra từ thùng loa cũ là tiền gì, có giá trị hay không nhưng bất ngờ thấy đông người kéo đến nên cả hai hoảng loạn.

Chưa bao giờ con hẻm chị sống lại đông đúc hỗn loạn như vậy. Toàn những người xăm trổ, lớn tiếng dọa nạt. "May nhờ những đồng nghiệp ve chai ở chung kéo vào nhà đóng cửa, báo công an nên thoát nạn", chị Hồng kể.

Để được an toàn, chị bàn giao lại toàn bộ số tiền cho công an quận Tân Bình lưu giữ chờ phương án giải quyết. Người phụ nữ bán ve chai nghĩ, số tiền trên chắc của người nào đó vô tình để quên nên cũng không có ý định cất giấu.

Hàng xóm hỏi: “Lúc đưa tiền cho công an rồi thì có tiếc, muốn lấy lại không?”, chị vô tư đáp: “Chắc là tiền ai đó để quên, mình đưa công an tìm người bị mất cho dễ vì mình đâu biết cách tìm chủ nhân của nó để trả lại”.

Tết đổi đời của chị ve chai nhặt được 5 triệu yên - 1

Thời điểm chị Hồng nhận lại được 5 triệu yên Nhật tại ngân hàng. Ảnh: Trường Nguyên.


Giao tiền cho công an rồi, cả hai nghĩ sẽ có người đến nhận lại nên trong đầu không để tâm đến vụ việc nữa. Ngày ngày, đôi vợ chồng vẫn đẩy xe ba gác đi quanh ngõ hẻm mua phế liệu, ăn uống tằn tiện để dành tiền gửi về cho con.

Mãi đến khi một năm trôi qua mà chủ nhân không xuất hiện thì chị nghe được thông tin mình có thể nhận lại được số tiền lớn đó.

Chị Hồng chia sẻ, lúc nghe công an và luật sư nói có cơ hội nhận tiền, chị vừa vui mừng vì có thể nhận được số tiền gần 900 triệu đồng nhưng lại cảm thấy chột dạ vì “nếu ai mất số tiền lớn như vậy thì chắc họ sẽ đau khổ lắm”.

Một buổi chiều đầu tháng 6/2015, trong lúc đẩy xe ba gác đi mua phế liệu như thường lệ, chị Hồng nhận được điện thoại của công an quận Tân Bình báo đến làm thủ tục nhận lại 5 triệu yên. Niềm vui đến bất ngờ, người phụ nữ 37 tuổi gọi xe ôm chở mình đi mà quên cả chiếc xe ba gác đang để ở vỉa hè.

Sau khi làm thủ tục, hơn 4 triệu yen Nhật lành lặn đổi được gần 700 triệu đồng.

Lần đầu tiên ôm số tiền lớn trong tay, mặt chị tái đi, tay chân run run, giọng nói lắp bắp khó nên lời. “Lúc đó tiền đã nằm trong tay rồi mà mình vẫn cứ ngỡ như đang mơ, nước mắt cứ như chực rơi xuống vì lộc trời dành cho gia đình tôi quá lớn”, chị Hồng nhớ lại.

Có được số tiền, chị lập tức đi mua gạo và những thiết bị cần thiết đến những nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người tàn tật làm từ thiện.

Chị cho biết, trong những lần đi mua ve chai ngang qua nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người tàn tật, chị luôn muốn làm chút gì đó dù nhỏ thôi để giúp đỡ họ nhưng hoàn cảnh của mình cũng nghèo nên chưa làm được. Đến lúc nhận gần 700 triệu, ước mơ được giúp đỡ người bất hạnh được chị thực hiện đầu tiên.

Sau khi đổi hết toàn bộ 5 triệu yen. Vợ chồng chị Hồng dành một phần gửi những chị em đồng nghiệp sống chung nhà hơn 10 năm qua rồi về quê giúp đỡ gia đình hai bên nội ngoại sửa nhà trong khi mùa mưa sắp đến.

Mọi việc xong xuôi, hai vợ chồng quay lại Sài Gòn tiếp tục nghề ve chai. Số tiền còn lại, anh chị gửi hết vào ngân hàng để lấy lãi. Vợ chồng bàn nhau thuê căn nhà nhỏ gần đó rồi đưa hai con vào chung sống để cha mẹ con cái đoàn tụ, xây dựng tổ ấm mới.

Ngồi phân loại đống phế liệu cũ, chị Hồng hồ hởi cho biết, gia đình đã mua vé xe về quê để cả nhà quây quần sum họp với ông bà nội ngoại. Khi về đến quê, anh chị sẽ mua ít quà bánh biếu hai bên gia đình, phụ giúp ông bà dọn dẹp nhà cửa đón năm mới.

“Chưa bao giờ gia đình tôi cảm thấy phấn khích như Tết năm nay. Chúng tôi tâm niệm nhận lộc trời mà không biết gìn giữ bồi đắp, cứ tiêu xài thả ga thì cũng có ngày trở lại nghèo khó. Do vậy, hai vợ chồng lúc nào cũng nhắc nhau phải giữ gìn số tiền cẩn thận, sử dụng hợp lý để sau này lo cho hai con có sự nghiệp nên người”, chị Hồng chia sẻ.

Theo VTC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC