Ngày 21/2, các nhà thầu huy động máy móc san lấp mặt bằng để triển khai dự án. Chủ trương đầu tư được HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua tại kỳ họp tháng 4/2019, dự kiến thực hiện từ 2019 đến 2021, song đến nay dự án mới triển khai.
Dự án do UBND TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 2,05 ha, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2024. Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và do UBND thành phố huy động.
Phối cảnh tượng đài cao 18 m. Ảnh: Lê Hoàng
Ông Lê Văn Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa, cho biết phần san lấp mặt bằng các hạng mục trong đê đã hoàn thành 80%. Sau khi gia cố nền móng, đơn vị thi công sẽ triển khai các hạng mục theo thiết kế nhằm đảm bảo đúng tiến độ.
Dự án gồm hai phân khu chính. Khu trong đê gồm nhà lưu niệm giáo viên và học sinh, nhà quản lý, đón tiếp khách, khu tưởng niệm (hồ sen, sân lễ, đền thờ nữ sinh), khu tái hiện lịch sử, đường giao thông, bãi để xe.
Khu vực ngoài đê gồm tượng đài nữ sinh, bến thuyền, miếu thờ, bia ghi dấu địa điểm lịch sử, khu tái hiện không gian làng chài Nam Ngạn.
Phối cảnh toàn dự án. Ảnh: Lê Hoàng
Điểm nhấn của dự án là tượng đài cao 18 m, nặng hơn 680 tấn (phần đế cao 5,25 m, tượng đài cao 12,75 m) được tạc bằng đá granit tự nhiên màu trắng. Phần tượng gồm 2 giáo viên và 5 học sinh với các tư thế mô phỏng quá trình lao động, tôn tạo con đê thì bất ngờ bom Mỹ ném xuống. Vóc dáng, trang phục nhân vật được dựng theo phong cách những năm 1970 tại Thanh Hóa.
Dự án nhằm tôn vinh, tri ân giáo viên và học sinh đã hy sinh ngày 14/6/1972 trên công trường đắp đê sông Mã, xây dựng di tích trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau. Tỉnh cũng kỳ vọng nơi đây thành điểm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng thu hút du khách khi đến TP Thanh Hóa, cùng với cảnh quan sông Mã, núi Hàm Rồng.
Bia tưởng niệm giáo viên và học sinh hy sinh đặt ngoài đê sông Mã ở phường Nam Ngạn hiện nay. Ảnh: Lê Hoàng
Theo tài liệu lịch sử, mùa hè năm 1972, Mỹ ném bom xuống khu vực cầu Hàm Rồng và đê sông Mã nhằm chia cắt tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Bộ Thủy lợi chỉ định Thanh Hóa phải mở rộng ba vị trí đê, trọng điểm số một là đê Nam cầu Hàm Rồng.
Thực hiện chủ trương trên, tỉnh Thanh Hóa điều động bộ phận cơ giới và 5.000 dân công thuộc ba huyện, thị xã cùng học sinh 5 trường tại địa phương tham gia đắp đê tại bờ hữu sông Mã, cách cầu Hàm Rồng khoảng một km.
Hơn 9h ngày 14/6/1972, khi trên công trường còn khoảng 1.700 người đang làm việc, máy bay Mỹ ném bom tới tấp. 24 quả bom dội xuống công trường khiến 64 giáo viên, học sinh Trường Y sỹ, Trường Sư phạm 7+3 Thanh Hóa, dân công Đông Sơn hy sinh, 96 người bị thương.
Lê Hoàng
Nguồn: VNEXPRESS.NET