Thắt chặt điều kiện cho trẻ làm con nuôiTrẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, Nhà nước phải chăm lo tìm mái ấm gia đình để trẻ phát triển bình thường, thậm chí tốt hơn, thay vì đi tìm trẻ cho cha mẹ nuôi.

Lợi ích của trẻ em là trên hết chứ không phải lợi ích của cha mẹ, vì thế các điều kiện đối với người nuôi con nuôi phải rất chặt chẽ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh điều này trước Quốc hội (Quốc hội) sáng qua khi được yêu cầu giải trình thêm về dự án Luật Nuôi con nuôi.

Ủng hộ “lệ phí”, phản đối “chi phí”

Một nguyên tắc được xác định trong dự thảo luật trên là "chỉ cho làm con nuôi nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế trong nước". Đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng quy định như vậy chưa hợp lý: “Quyền nhận con nuôi và làm con nuôi xuất phát từ tình cảm giữa con người. Đã là con người, dù người nước ngoài hay người trong nước, đều mang tình cảm như nhau, không có lý gì người trong nước không ai nuôi thì mới cho người nước ngoài”. Tuy vậy, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, nguyên tắc trên hoàn toàn phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế bởi theo Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, đối với sự trưởng thành, phát triển của trẻ em, không có môi trường nào tốt bằng môi trường ở đất nước mình sinh ra.

Cũng theo dự thảo luật, người nhận con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi. Ngoài ra, người nước ngoài không thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là người Việt Nam còn phải trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí cho việc giải quyết con nuôi nước ngoài. Ủng hộ việc thu lệ phí nhưng ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) phản đối quy định về chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.

“Tôi có con gái mà tôi lại đòi nhà chồng nó phải trả cho tôi toàn bộ chi phí từ khi dạm ngõ con tôi đến lúc tổ chức đám cưới thì rất vô lý”, ông Thuyết ví von. “Việc thu tiền để bù đắp một phần chi phí này dễ bị lợi dụng để đối tượng, tổ chức xấu làm dịch vụ buôn bán trẻ em”, ĐB Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ) bổ sung. Thừa nhận đây là vấn đề nhạy cảm nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định quy định như trên hoàn toàn phù hợp với Công ước Lahay. Cũng theo ông Cường, các nước tham gia Công ước Lahay đều muốn Việt Nam quy định rõ ràng, cụ thể, minh bạch, công khai các khoản chi trong nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Tránh ưu đãi chung biến thành ưu đãi riêng

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bưu chính. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ - Môi trường Đặng Vũ Minh khẳng định: việc dự án luật quy định giao cho Thủ tướng Chính phủ chỉ định một doanh nghiệp nhà nước làm nhiệm vụ bưu chính công ích và được hưởng một số chính sách đặc thù của hoạt động công ích là phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam.

Ủng hộ quy định này nhưng ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cũng kiến nghị:  “Cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để hệ thống này hoạt động hiệu quả, tránh ưu đãi của Nhà nước trở thành ưu đãi riêng để doanh nghiệp thu lợi trong khi dịch vụ bưu chính cung cấp cho người dân không bảo đảm chất lượng”.

Về cơ sở phục vụ bưu chính cấp xã (điểm bưu điện văn hóa xã), đa số ĐBQuốc hội cho rằng không nên quy định cụ thể vấn đề này trong luật mà sẽ quy định tại các văn bản hướng dẫn của Chính phủ để đảm bảo sự linh hoạt và tính khả thi. Tuy vậy, cũng có ý kiến không đồng tình. Theo ĐB Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp), đối với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điểm bưu điện văn hóa xã vẫn là một kênh quan trọng để tiếp cận kiến thức pháp luật, khoa học, chính sách của Đảng và Nhà nước. Do đó, vấn đề này cần được quy định ngay trong luật. Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định: dù điểm bưu điện văn hóa xã có được quy định trong luật hay không, Bộ Thông tin - Truyền thông cũng sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ về chất lượng, hiệu quả hoạt động của các điểm bưu điện này.


Theo ĐV.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC