Thể hiện tính nhân đạo và nghiêm minh Sáng qua (24-5), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Thi hành án hình sự. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều bày tỏ nhất trí cao và đóng góp nhiều ý kiến để dự luật này chặt chẽ, sát thực với cuộc sống hơn.

Quy định cụ thể điều kiện thi hành án

Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (THAHS) dành nhiều phần qui định về chế độ như chế độ ăn, mặc và tư trang của phạm nhân… thể hiện tính nhân đạo trong chính sách pháp luật hình sự. Theo đó, dự luật này được chỉnh lý theo hướng quy định phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn về định lượng ăn, mặc. Đặc biệt, đối với phạm nhân lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc, thì được tăng thêm về định lượng ăn, áo quần bảo hộ lao động.

Bên cạnh đó, dự luật quy định căn cứ vào điều kiện công việc cụ thể, phạm nhân được cấp thêm các dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết khác. Ngoài ra, vấn đề phạm nhân được gặp gỡ, nhận quà từ thân nhân cũng được qui định tại dự luật này. Nhằm làm rõ thêm những nội dung trên, các ĐBQH đã tham góp nhiều ý kiến. “Cần có chính sách hỗ trợ để trẻ em sau khi ra khỏi trường giáo dưỡng tiếp tục được thụ hưởng giáo dục” - đại biểu Đặng Huyền Thái (ĐBQH Hà Nội) đề nghị.

Bàn về nâng cao chất lượng thi hành án hình sự đối với các hình thức án treo, cải tạo không giam giữ, các ĐBQH đã đóng nhiều ý kiến đề cập đến vai trò của UBND cấp xã, phường trong thi hành loại án này. Đại biểu Đặng Huyền Thái (ĐBQH Hà Nội) đề nghị  tăng cường việc giám sát thi hành án hình sự, Luật THAHS cần thể hiện được vai trò của MTTQ và nhân dân trong giám sát thi hành án.

Nhiều ý kiến ĐBQH bày tỏ băn khoăn trước thực trạng án treo quá nhiều, việc thi hành án tại cơ sở được giao cho chính quyền và có lúc, có nơi còn lỏng lẻo, không giám sát được việc chấp hành hình phạt của bị án. Do vậy, luật cần qui định cụ thể những điều kiện tăng hoặc giảm án đối với hình thức án treo, cải tạo không giam giữ.

Cải cách hình thức thi hành án tử hình

Liên quan đến việc lựa chọn hình thức nào thi hành án tử hình vừa mang tính nhân đạo, vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và mang tính răn đe cao, đã có những luồng ý kiến đề nghị khác nhau như: Quy định hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc; Dùng hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn và quy định cả 2 hình thức thi hành án tử hình nêu trên.

Theo các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (ĐBQH Yên Bái) và đại biểu Lê Thị Nga (ĐBQH Thái Nguyên), hình thức thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc là hợp lý. Quy trình thực hiện có thể giao cho Chính phủ hoặc Bộ Công an qui định. “Phát huy tính răn đe của án tử hình không phụ thuộc nhiều vào hình thức thi hành án, nên hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc vẫn bảo đảm” - đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh!

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Xuân Thương (ĐBQH Thái Bình) nêu ý kiến nên duy trì cả hình thức xử bắn khi thi hành án tử hình, nhằm giữ tính răn đe đối với một số loại tội phạm nguy hiểm. Bên cạnh những ý kiến nêu trên, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị qui định cho phép bị án tử hình được tự chọn hình thức thi hành án bằng cách xử bắn, hoặc tiêm thuốc độc.

Cũng trong buổi thảo luận góp ý kiến về dự thảo Luật THAHS tại hội trường sáng 24-5, các ĐBQH cùng bày tỏ băn khoăn về qui định cho phép thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được nhận lại xác bị án sau khi thi hành án. Nhiều ĐBQH cho rằng thân nhân được nhận xác bị án tử hình sau 3 năm như đã quy định là không khả thi.

Vấn đề này liên quan đến thực trạng tập quán nhiều vùng, miền như các tỉnh phía Nam không thực hiện việc cải táng. Có ý kiến ĐBQH đề xuất hình thức hỏa táng xác bị án và cho thân nhân nhận lại sớm nhất sau khi thi hành án. Các ĐBQH cũng nêu lên tình trạng sau khi bị xử bắn và mai táng, thân nhân người bị tử hình tìm mọi cách đánh cắp tử thi. Chính vì vậy, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị cần nghiên cứu thêm và chưa đưa nội dung này vào luật.


Theo ANTD.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC