Người Việt thu nhập 5.000 USD hưởng thụ cuộc sống như người thu nhập 10.000 USD.
Một báo cáo của Công ty tư vấn chiến lược Mỹ, thuộc loại hàng đầu thế giới là Boston Consulting Group (BCG) vừa công bố với tiêu đề "Đất nước Hoa Sen - duy trì thành tựu ấn tượng của Việt Nam về cải thiện đời sống người dân" cho thấy một bằng chứng nữa về sự lạc quan của người Việt Nam.
Nếu xếp theo chỉ số phát triển bền vững, Việt Nam đứng thứ 79/149 quốc gia được nghiên cứu, với điểm số chỉ 42,4 điểm.
Tuy vậy, Việt Nam còn trong nhóm 10% quốc gia có sự chuyển đổi từ thịnh vượng kinh tế thành chất lượng cuộc sống của người dân tốt nhất.
Việt Nam thua Trung Quốc ở phương diện kinh tế nhưng chất lượng cuộc sống lại ngang bằng. Ảnh: VnExpress
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự tiến bộ hàng đầu, bên cạnh Ba Lan, Indonesia, Trung Quốc, Brazil, Ecuador sau 7 năm báo cáo này được thiết lập.
Với GDP tính theo ngang giá sức mua chỉ khoảng 5.200 USD, nhưng người Việt hiện có chất lượng cuộc sống không thua kém so với người dân các quốc gia có GDP bình quân tới hơn 10.000 USD. Điều này cũng có nghĩa, người Việt đang có cuộc sống chất lượng vượt xa so với Philippine (GDP 6.300 USD), hay Trung Quốc, Thái Lan.
Tăng cường tiếp cận y tế và giáo dục cho người dân chính là những điểm Việt Nam được đánh giá rất tốt. Sự chuyển đổi từ tăng trưởng kinh tế sang chất lượng cuộc sống với hệ số 1,48 được coi là vững chắc.
BCG cho rằng, để đưa Việt Nam thành một quốc gia hiện đại với nền kinh tế tri thức, Chính phủ cần điều chỉnh tại 3 lĩnh vực cốt lõi: tăng liên kết giữa thị trường lao động và hệ thống giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện khả năng quản trị Nhà nước.
Người Việt Nam từng đứng thứ 2 về chỉ số hạnh phúc, lạc quan.
Sự lạc quan của người Việt Nam cũng từng được thể hiện trong khảo sát của Viện nghiên cứu về Đời sống và con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (HILL ASEAN) dựa trên mức thu nhập trung bình của người tiêu dùng.
Theo đó, nếu dựa vào thu nhập thì có khoảng 50% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu với mức tiêu thụ từ 5000USD-35.000USD/năm.
Tuy nhiên, khi chia theo nhận thức, có đến 96% người VN cho rằng mình thuộc tầng lớp trung lưu.
“Tỷ lệ chêch lệch này khá cao so với khu vực như Singapore là 45% và 85%, Malaysia 46% và 79%, Indonesia là 56% và 72%… nhưng nó phản ánh lối sống mong muốn của một nhóm người.
Họ xem chi tiêu là một khoản đầu tư trả trước mà lợi ích không quan trọng bằng cảm giác đem lại khi mua sắm nó”, ông Goro Hokari - Giám đốc Viện nghiên cứu HILL ASEAN- phân tích.
Còn nhớ vào năm 2014, Tổ chức Quỹ Kinh tế Mới (New Economics Foundation – NEF) ở Vương quốc Anh vừa công bố bản đồ Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI) đánh giá thành quả của những quốc gia trên toàn cầu trong việc đem lại cho người dân cuộc sống hạnh phúc trong giới hạn tài nguyên thiên nhiên.
Trong bản đồ này Việt Nam được xếp thứ hai chỉ sau Costa Rica dựa trên các tiêu chí tuổi thọ, mức độ hài lòng với cuộc sống...
Theo Kim Chi/ Báo Đất Việt