Dù thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư nhiều dự án quy mô trị giá hàng chục triệu USD vào thị trường Việt Nam.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận định năm 2010 và những năm tiếp theo Việt Nam vẫn là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Trong đó, bất động sản tiếp tục là kênh hấp thụ vốn ngoại rất lớn.
Mới đây nhất, Tập đoàn Allrgeen - một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Singapore, đã triển khai dự án căn hộ cao cấp Regency Park đầu tiên tại Việt Nam.
Dự án nằm ở vị trí đắc địa tại quận 2, bao gồm 515 căn hộ cao cấp với hai, ba và bốn phòng ngủ, trong đó có 12 căn penthouse hứa hẹn sẽ thu hút được khách hàng bởi thương hiệu mà Tập đoàn Allrgeen gây dựng từ nhiều năm nay.
Giữa tháng Sáu tới, dự án sẽ chính thức công bố với khách hàng.
Khi được hỏi tại sao Allgreen chọn thời điểm này để vào thị trường Việt Nam, đạ diện của tập đoàn Allgreen cho biết: “Chúng tôi đặt tầm nhìn dài hạn về vị trí của mình ở thị trường Việt Nam. Những thay đổi tích cực trong các quy định pháp luật gần đây về kinh doanh và sở hữu bất động sản, cũng như Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khiến nơi đây thành địa điểm đầu tư hấp dẫn với chúng tôi.”
Tháng Ba vừa qua, VinaCapital Group, tập đoàn quản lý tài sản và phát triển bất động sản, đã liên doanh với Tập đoàn inProjects (Hongkong) để lập Công ty VinaProjects chuyên quản lý các dự án bất động sản tại thị trường Việt Nam.
Một số dự án trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng sẽ được VinaProjects triển khai với giá trị đến trên 500 triệu USD, như dự án khu biệt thự The Garland tại quận 9 (Thành phố Hồ Chí Minh) rộng 3ha, vốn xây dựng 13,7 triệu USD; dự án Đại Phước Lotus cũng thuộc quận 9 rộng 22ha, vốn xây dựng 39 triệu USD.
Bên cạnh đó còn có khu căn hộ cao cấp WTC tại thành phố Đà Nẵng có vốn xây dựng 35 triệu USD; khu biệt thự The Ocean Danang Beach Resort có diện tích 21ha, vốn xây dựng 26 triệu USD; khu phức hợp Times Square tại Hà Nội có tổng vốn xây dựng 115 triệu USD.
Từ thông tin Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án là khu đất công trường Lam Sơn-Hai Bà Trưng -Đông Du (300 triệu USD), dự án của Tập đoàn Lotte (2 tỷ USD) và của Capital Group (2 tỷ USD) cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng quay trở lại với các dự án.
Nhận định được làn sóng khởi sắc trong thời gian tới, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng đã bắt đầu huy động vốn.
Dù vậy, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, tuy lượng vốn FDI chảy vào lĩnh vực bất động sản tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cao, với tổng vốn đăng ký đạt 9,6 tỷ USD (143 dự án còn hiệu lực), nhưng chỉ mới giải ngân được 3,6 tỷ USD.
Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 40 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có vốn đăng ký là 1,77 tỷ USD, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản trên địa bàn.
Theo VN+.