Bệnh viện thụ động trong việc lựa chọn trang thiết bị y tế
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận về việc sử dụng trang thiết bị y tế tại các bệnh viện địa phương. Kết quả thanh tra chỉ rõ: tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định nhiều trang thiết bị nhận bàn giao thiết bị từ Sở Y tế mới đưa vào sử dụng từ tháng 2/2014, nhưng hiện nay thiết bị đã bị hư hỏng.
Cụ thể: hệ thống làm lạnh tại phòng mổ khoa gây mê hồi sức; máy bơm nước, hệ thống thang máy chuyển bệnh nhân trước và sau phẫu thuật mổ…
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 9/1, Thầy thuốc nhân dân - Bác sỹ chuyên khoa 2, Hồ Việt Mỹ - Phó Giám đốc Sở Y tế, kiêm Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết: "Dự án cung cấp trang thiết bị cho các bệnh viện đa khoa là do Sở Y tế Bình Định làm chủ đầu tư.
Hiện nay, các thiết bị đó vẫn đang được đưa vào sử dụng, trong thời gian bảo hành, nhà cung cấp sản phẩm chịu trách nhiệm sửa chữa nên vẫn hoạt động tốt.
Thế nhưng, bệnh viện chỉ là nơi tiếp nhận và sử dụng các trang thiết bị, còn việc đầu tư trang thiết bị y tế vẫn hoàn toàn do Sở Y tế mua theo vốn ngân sách nhà nước. Chúng tôi thụ động trong việc lựa chọn máy móc sử dụng, nên máy cần thì không có, máy không cần thì lại được cung cấp theo dự án".
Riêng đối với các trang thiết bị mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng, đó không phải trách nhiệm của bệnh viện, mà của Sở Y tế, nơi cung cấp máy móc theo từng dự án, đầu tư bằng ngân sách nhà nước.Theo ông Mỹ cho biết, hiện nay, số lượng trang thiết bị y tế của bệnh viện cũng đã đáp ứng được yêu cầu cho một bệnh viện tuyến tỉnh hoạt động. Đặc biệt, lực lượng bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, nên các máy móc thiết bị hiện đại đều nắm được quy trình sử dụng, chỉ là thiết bị nào dùng nhiều hay dùng ít.
Đắc Lắc: Nhiều trang thiết bị được cung cấp cũng không quá cần thiết
Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Krông Bông, máy monitoring theo dõi bệnh nhân, xuất xứ của hãng Ininium - Mỹ với giá 127,5 triệu đồng được đầu tư từ năm 2012; máy hút đờm dãi hiệu SU305P, xuất xứ Gemmy – Đài Loan trang bị từ đầu năm 2014, đến nay vẫn nằm nguyên vẹn trong kho.
Trước thông tin trên, ông Trần Ngọc Minh - Giám đốc Bệnh Viện Đa Khoa Huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc cho biết: "Riêng với máy monitoring theo dõi bệnh nhân, hiện nay bệnh viện vẫn dùng, lắp đặt tại khoa nội, trước đây, bệnh viện không dùng vì bệnh nhân không có nhu cầu.
Bởi vì, lượng bệnh nhân có nhu cầu sử dụng dòng máy này vô cùng ít, sau khi bệnh viện thành lập được phòng cứu hộ, cứu nạn thì bệnh viện mới điều máy qua, vì nó phù hợp hơn".
Theo ông Minh, đây là trang thiết bị được cấp theo dự án vốn ngân sách nhà nước nên vẫn phải sử dụng, nhưng nếu không có thì cũng không sao, không ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, vì máy này không quá cần thiết.
"Ngành y là vậy, nhiều lúc thì được đầu tư ồ ạt các trang thiết bị, nhưng nhiều khi thiết bị cần lại không có. Thế nhưng, vì chúng tôi là bệnh viện tuyến huyện nên dự án rất nhiều, dự án ADB, dự án 225, nhưng xin thêm ngân sách phục vụ cho bệnh nhân là chủ yếu", ông Minh nhấn mạnh.
Cũng rơi vào tình trạng tương tự, năm 2013, Bệnh Viện Đa Khoa Huyện Lăk đã trang bị máy giúp thở kèm máy khí nén khí, giá 558,6 triệu đồng, hợp đồng ghi hãng sản xuất Heyer - Đức. Kiểm tra chỉ thấy màn hình sản xuất tại Đức, còn cục nén khí sản xuất tại Trung Quốc, bộ phận làm ẩm khí sản xuất tại New Zealand, đến giờ vẫn chưa đưa vào sử dụng.
Chia sẻ cụ thể, ông Nguyễn Như Khánh - Giám đốc Bệnh Viện Đa Khoa Huyện Lăk, tỉnh Đắc Lắc cho hay: "Hiện nay, bệnh nhân nào bị hôn mê thì chúng tôi vẫn dùng thiết bị này để đặt vào phế quản cho bệnh nhân thở.
Cũng là bệnh viện huyện vùng sâu vùng xa, hay xảy ra dịch H5N1, nên được cung cấp dùng để phòng tránh dịch bệnh xảy ra, bệnh nhân cấp cứu thì sử dụng, bệnh nhân tai biến hoặc do nguyên nhân khác thì không cần thiết. Nhưng tất cả các bệnh nhân cũng chỉ có một máy thở đó".
Nêu ra lý do chưa sử dụng được ngay, theo ông Khánh chia sẻ thì ngay khi đưa thiết bị về các bác sĩ cũng bất ngờ trước những thông tin ghi trên máy, nên không dám đưa vào sử dụng.
Châu An