Không có tiền để hoạt động và duy trì
Trước kết quả của quá trình thanh tra công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị và công trình y tế tại Bộ Y tế, giai đoạn 2011 - 2014, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện nhiều trang thiết bị y tế được đầu tư tại các bệnh viện bị đắp chiếu, Bác sĩ Võ Xuân Sơn - Phòng khám Đa khoa Quốc tế EXSON, nguyên bác sĩ phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay không bất ngờ, vì bản thân ông cũng đã đích thân đi kiểm chứng tình trạng này tại các bệnh viện huyện của tỉnh Đắc Lắc.
Ông Sơn cho biết: "Tôi thấy rất nhiều bệnh viện vùng sâu, vùng xa được trang bị hệ thống máy xét nghiệm huyết học, máy siêu âm, máy điện tim, thậm chí là trạm y tế xã.
Nhưng không thể nói rằng, hệ thống máy móc trên là không cần thiết, bởi vì, đơn vị nào cũng cần, nhưng chỉ là chế độ trang bị của Bộ Y tế vẫn chưa đủ. Bên cạnh việc trang bị những thiết bị y tế thì phải có phương án bảo trì, bảo dưỡng cụ thể, vì những máy y khoa đó phải bảo trì, bảo dưỡng liên tục thì mới có thể sử dụng.
Nhưng số tiền phải chi ra cho việc bảo trì, bảo dưỡng là rất lớn, trong chừng 5 - 6 năm thì cũng đã gần bằng tiền mua máy mới.
Sau khi hết bảo hành thì hàng năm phải ký hợp đồng với bên các công ty bảo trì, để xem xét, làm sao duy trì tình trạng tốt nhất. Đối với các bệnh viện nghèo, kinh phí chữa bệnh cấp thuốc không đủ thì tiền đâu để duy trì thiết bị".
Mặt khác, phải có tiền thì mới đưa vào sử dụng được, ví dụ như, một máy xét nghiệm thì phải có hóa chất mới có thể sử dụng được, một máy điện tim thì ít nhất cũng phải mua được cuộn giấy điện tim, máy siêu âm thì cũng phải có người siêu âm, thì mới có người trả tiền dịch vụ, có tiền để đầu tư sửa chữa, bảo trì máy móc.
"Bản thân tôi đã lên Tây Nguyên, cụ thể đã đến Bệnh viện huyện Lak, tôi thấy bệnh viện được trang bị rất nhiều máy móc hiện đại, các bác sĩ cũng được đầu tư kinh phí để đi huấn luyện về cách sử dụng, về đã vận hành được hết. Nhưng vấn đề duy nhất hiện nay là không có tiền để duy trì hoạt động.
Đặc thù của một trạm y tế họ không xét nghiệm nhiều ca trong một thời điểm, khi mua 1 lọ hóa chất về thì hóa chất đó để cho 10.000 ca xét nghiệm. Như vậy, 1 trạm y tế 1 tháng xét nghiệm chừng 50 ca, tương đương 1 lọ hóa chất phải để 6 tháng, trong khi 3 tháng là hết hạn sử dụng.
Cũng chính vì thế mà chi phí để cho một xét nghiệm tăng lên gần gấp 3 lần, nhưng làm hết hóa chất thì quá đắt, không dám làm, không có tiền mua", ông Sơn phân tích.
Một yếu tố quan trọng khác được ông Sơn nhắc đến, đó chính là một người đi khám bệnh chỉ được BHYT (bảo hiểm y tế) chi trả 100% khi giá nằm dưới 40.000đ, trên 40.000đ thì người bệnh phải đồng chi trả thêm 10%.
Người dân ở các xã nghèo, không ai có khả năng đồng chi trả, đi khám và mang thuốc về uống, nên phòng khám phải tự cân đối, làm sao để tiền khám chỉ ở mức 20.000đ. Nhưng nếu làm dịch vụ thì không có thuốc, đồng nghĩa với việc bệnh nhân chỉ đi khám chay, không có thuốc, không được sử dụng các trang thiết bị khác.
Theo ông Sơn, muốn chấm dứt tình trạng trang thiết bị đắp chiếu, ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa thì phải có chính sách phù hợp, như các xét nghiệm đắt tiền thì chỉ làm số lượng ít, một số xét nghiệm khác làm hóa chất phải tính đến giá.
"Thực sự theo tôi nếu trang bị phải tính hết các khoản cho nó hoạt động, trang bị không có nguồn vốn cho nó hoạt động thì tốt nhất đừng có trang bị, cuối cùng đắp chiếu, lãng phí lớn lắm, con số nếu tính ra không thể đếm xuể, cứ 1 tỉnh lãng phí vài trăm triệu, thì hơn 60 tỉnh thành, số tiền sẽ là bao nhiêu", ông Sơn nói.
Thái Lan không như vậy
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, GS. TS, Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam cho biết: "Động cơ trang bị cho các bệnh viện ngoài trung ương, bệnh viện vùng sâu, vùng xa là tốt, nhưng người phụ trách việc cung cấp các trang thiết bị này không hỏi kỹ chuyên gia về những cơ số cần thiết, hạn dùng, có những gì và kéo dài bao nhiêu lâu. Có mua được các vật liệu tiêu hao không và nếu có, thì tiền lấy ở đâu?
Tình trạng này còn do tinh thần tắc trách của một số người phụ trách, tôi không thấy tình trạng này thực rõ nét ở các bệnh viện tư mà tôi được biết, vì ở bệnh viện tư, người phụ trách đồng thời là người đặt mua những trang thiết bị mà bệnh viện thực sự cần sử dụng và có người sử dụng.
Nếu mua trang thiết bị ở các công ty lớn, người ta bán cả gói, bao gồm chi phí đào tạo nữa, thay vì gửi cả cục đến, theo nhu cầu của cấp phân phối chứ không thực là của cơ sở. Tình trạng này đã dẫn đến và còn tiếp diễn nữa, nếu chúng ta không thay đổi lề lối làm việc".
Đặc biệt, theo ông Khải cho biết thì ở những nước có nền kinh tế thị trường như Singapore, Malaysia, Thái Lan, không có tình trạng phân phối trang thiết bị như ở Việt Nam.
"Tôi được gặp một số người phụ trách tại các bệnh viện công cũng như tư, được biết các trang thiết bị của họ được chọn lọc theo yêu cầu, có nhân viên biết sử dụng.
Nếu nói về lịch sử, theo tôi ta cũng nên biết, các nước này khá "chính thống" về nhiều mặt, trong đó có y tế, về xã hội thì tôi không nói, vì không nghiên cứu, nhưng về khoa học kỹ thuật, thì họ rất tôn trọng các qui tắc chuyên môn. Mọi qui phạm đều rõ rệt, không thể tùy tiện, tắc trách được...trừ khi có trường hợp cố ý làm sai", ông Khải nhấn mạnh.
Khi còn công tác tại Viện Tim mạch quốc gia, ông Khải cũng đã từng chứng kiến những câu chuyện cụ thể về chuyện cung cấp trang thiết bị.
Ông kể: "Khi đó, bệnh viện chúng tôi cũng đã cử bác sĩ lên Tuyên Quang, đến một huyện thuộc loại nghèo nhất của tỉnh, bác sĩ này thấy một máy điện tim được phủ vải kín, không đem ra dùng, vì cán bộ không biết vận hành.
Sau này, bác sĩ Giám đốc Sở cho tập trung các bác sĩ huyện về thị xã Tuyên Quang để tập trung tập huấn".
Để thấy, Bộ Y tế nên lắng nghe ý kiến của các cơ sở và cung cấp cho họ những gì họ cần, chứ không phải là cho họ những thứ họ không yêu cầu và nếu đã nghe ý kiến của họ rồi, thì phải tạo điều kiện cho họ được tập huấn sử dụng những phương tiện mà họ được cung cấp, tránh hiện tượng tràn lan đã kéo dài từ rất lâu rồi.
"Rất dễ hiểu là tại các vùng sâu, vùng xa, kỹ thuật mới khó phát triển được vì cơ sở vật chất thiếu thốn,bác sĩ không có điều kiện học tập và ứng dụng các kỹ thuật cập nhật đòi hỏi sự đồng bộ về con người và trang thiết bị.
Ta cũng không nên quên là tiền bỏ ra để bảo quản trang thiết bị không phải là nhỏ, người đựợc trao nhiệm vụ phụ trách dự án nên chú ý tới điều này.
Tôi rất không đồng tình với quan điểm đánh bằng mọi địa phương, mọi cơ sở, mà không chú ý đúng mức tới điều kiện cụ thể của mỗi nơi, trình độ của cán bộ, không tạo điều kiện cho họ được cập nhật trong nghiệp vụ trong hoàn cảnh cụ thể của họ.
Trong khi, một chiếc máy đầu tư giá trị không hề nhỏ, một bệnh viện ngốn khoảng vài tỷ đồng, thì 100 bệnh viện cũng đã có gần 100 tỷ đồng, số tiền đó có thể chữa được bệnh cho hàng triệu con người mắc bệnh hiểm nghèo. Xây được biết bao ngôi nhà tình thương cho người nghèo, bao nhiêu cây cầu treo cho dân", ông Khải khẳng định.
Châu An