- Cho nên, cứ thấy Hà Nội “Trưởng lão” ngàn năm, dám bỏ cái chất “Huynh trưởng” để học bài học nội quốc, là Đà Nẵng thôi thì đã mừng. Thủ đô đi học quản lý đô thị, liệu đã có thể nghĩ về một tương lai Hà Nội không nhếch nhác?
Người ta bảo cứ nhìn vào những mớ dây điện chằng chịt, lùng nhùng như "rác trời" đeo bám dọc phố phường, ngõ ngách Hà Nội nhiều thập kỷ qua là biết đô thị này còn "trăm mối tơ vò" và nhếch nhác thế nào. Quản lý và phát triển đô thị là lĩnh vực Hà Nội thú nhận là còn khá lúng túng. Mà cái mốc Thủ đô 1000 năm đã cận kề.
Vì thế, cái tin Hà Nội muốn học tập kinh nghiệm quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế... của Đà Nẵng khiến tôi đặc biệt chú ý. Mừng cho Hà Nội biết "chọn mặt gửi sự học".
Đà Nẵng là một thành phố trẻ nhưng đã nổi lên như tấm gương tiêu biểu của cả nước về những kinh nghiệm hay trong quy hoạch, giải phóng mặt bằng, cơ chế trách nhiệm và sự phối tác trong quá trình thực thi, chính sách đền bù công khai dân chủ và cả hỗ trợ, khen thưởng tiến độ giải phóng mặt bằng xây dựng nữa...
Ở Đà Nẵng, nhiều gia đình còn ủng hộ đất để mở mang đường xá và phát triển đô thị. Điều này ở Hà Nội hơi bị hiếm nếu nhưng không muốn nói là "chưa có tiền lệ" trong thời buổi "tấc đất tấc vàng". Chỉ thấy, người ta cứ mỗi lần cải tạo, xây dựng lại nhòm trước ngó sau cùng dắt tay nhau nhích ra ngõ một tí; thế là phố to thành phố nhỏ, ngõ biến thành ngách, cống tắc sặc mùi xú uế và tự nhốt nhau, tự nhếch nhác mình trong những manh mún, vụn vặt và tù túng của một tư duy tiểu nông hóa, thay vì hiện đại hóa.
Ngập lụt và nhiễm bụi, chuyện nói hoài vẫn vậy. Phố phường nhấp nhô thò thụt, chuyện đã thành cổ tích. Những căn nhà siêu mỏng, nhà nhảy dù nhảy cóc lúc lúc lại mọc ra. Những tiếng kêu xót xa về sông hồ, vốn là niềm tự hào về cảnh quan thiên nhiên Hà Nội cứ ngày càng teo tóp hoặc “mất tích”.
Những con đường như đường vành đai 3 kéo dài sự nhếch nhác so với kế hoạch đã nhiều năm; và từ dự toán ban đầu chỉ vài trăm tỉ, nay đã cõng nhau lên hàng ngàn tỉ thì xót xa nhường nào. Có đến 30 dự án của cả các chuyên gia trong và ngoài nước về bảo tồn và phục chế phố cổ Hà Nội nhưng cứ lúng túng mãi nhiều năm nay không thực thi. Những nguồn lợi khổng lồ về du lịch di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh, nghỉ dưỡng...chưa được đầu tư, tổ chức khai thác.
Thực ra, trong nhiều năm qua Hà Nội không phải không đi học. Có lẽ khá nhiều đoàn, nhiều ngành, nhiều tiền để đi Tây đi Tàu, đi các nước Đông Nam Á có hoàn cảnh ban đầu tương đương ta để học, để tham vấn về quản lí, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đô thị (nghe nói để tiến kịp cái anh Singapore bé tẹo kia, ta phải mất tới cả trăm năm?). Nhưng cái quan trọng của học là hành, là trách nhiệm và công việc cụ thể thì đợi hoài vẫn đợi.
Cho nên, cứ thấy Hà Nội “Trưởng lão” ngàn năm, dám bỏ cái chất “Huynh trưởng” để học bài học nội quốc, là Đà Nẵng thôi thì đã mừng. Cũng như mừng khi gần đây Lãnh đạo Thành phố có những động thái mới, biết nghe những phản biện xã hội, biết từ chối những dự án xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn trong công viên, sân gôn tranh chỗ đất nông nghiệp...khi lòng dân không đồng thuận.
Có một điều mà ai cũng thấy, Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, văn hóa; có hệ thống tài chính - ngân hàng quy tụ, các tập đoàn kinh tế mạnh, nơi tập trung đội ngũ trí thức tinh túy nhất của cả nước, với hàng loạt các viện nghiên cứu, các trường đại học lớn. Nghĩa là Hà Nội có ưu thế vượt trội, chưa kể tấm lòng cả nước vì Thủ đô yêu quý của Tổ quốc mình mà sao cứ thấy các việc vương vướng, cứ lúng túng và nhiều thứ nhếch nhác mãi.
Thủ đô đi học, nhưng bài học này là bài học của mọi chúng ta, bài học của tư duy và tầm nhìn, bài học của lí tưởng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Mà bắt đầu là bài học giã từ sự nhếch nhác.
Theo Bee.net.