Một trong các giải pháp được lãnh đạo Bộ Xây dựng nhắc đến là việc các doanh nghiệp cần tự cơ cấu lại sản phẩm và dự án, bán bớt các dự án để tập trung nguồn lực, tạo dòng tiền.

Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 30/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin về kết quả làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng về tháo gỡ các dự án bất động sản.

Sau thời gian làm việc với một số địa phương và doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Xây dựng thông tin về một loạt khó khăn, vướng mắc chủ yếu nổi lên cần tháo gỡ. Trong đó, khó khăn được nhiều ý kiến phản ánh nhất liên quan đến pháp luật về đất đai như tính tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng… Tiếp đến là việc điều chỉnh quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án.

Việc khan hiếm nguồn lực tài chính của doanh nghiệp cũng nằm trong nhóm vướng mắc lớn. Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, khó khăn trong phát hành trái phiếu và áp lực đáo hạn trái phiếu; khó khăn, trong huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ.

"Nhiều doanh nghiệp phải dừng triển khai dự án, một số nhà thầu cho công nhân nghỉ việc", ông Sinh cho hay.

1 Thu Truong Bo Xay Dung Neu Loat Giai Phap Go Kho Thi Truong Bat Dong San

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin về Tổ công tác của Thủ tướng về tháo gỡ thị trường bất động sản tại buổi họp báo cuối năm (Ảnh: BTC).

Về giải pháp, Tổ công tác đã kiến nghị với Chính phủ làm việc với Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, việc này đã tạo thuận lợi bước đầu cho doanh nghiệp về nguồn vốn.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Sinh, cũng là giải pháp quan trọng. Ngoài ra, ông Sinh cũng nhắc đến trách nhiệm của các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư bất động sản. "Khi thị trường tốt, tích cực, doanh nghiệp thực hiện cùng một lúc nhiều dự án song không cân bằng nguồn lực", ông nói và cho rằng, các doanh nghiệp tạo nên khó khăn cho mình bên cạnh những vướng mắc khác.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng, đồng thời là Tổ phó Tổ công tác, đề nghị doanh nghiệp rà soát lại hoạt động kinh doanh, cơ cấu các sản phẩm và dự án, nếu cần, bán bớt các dự án, tập trung triển khai để hoàn thành dự án sớm. Khi dự án đủ điều kiện để bán sẽ tạo nên dòng vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về dài hạn, ông Sinh cho rằng doanh nghiệp bất động sản cũng cần lưu ý vay dự án nào sử dụng đúng dự án đó, tránh tình trạng vốn vay dự án này sử dụng cho mục đích khác, mất cân bằng tài chính.

Cũng tại buổi họp báo, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đã trả lời câu hỏi về dự báo tình hình bất động sản năm 2023.

Ông Dũng nói, những hoạt động của Tổ công tác thời gian đã có những dấu hiệu tích cực. Với sự quyết liệt của Chính phủ, Tổ công tác, các bộ ngành, ông Dũng cho rằng thị trường sẽ phát triển ổn định trở lại, tốt hơn.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC