Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 30-9, ông Nguyễn Văn Sinh, thứ trưởng Bộ Xây dựng, đã có những giải đáp về việc rà soát chung cư mini và phát triển nhà ở xã hội.

1 Thu Truong Bo Xay Dung Tong Ra Soat Chung Cu Mini Phat Hien Nhieu Sai Pham

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh (bìa trái) thông tin về việc rà soát chung cư mini - Ảnh: DANH KHANG

Liên quan việc phòng cháy chữa cháy ở các chung cư mini sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, ông Sinh cho hay Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Xây dựng, Bộ Công an có nhiều chỉ đạo quyết liệt. 

Sẽ xử lý nghiêm

Vấn đề đặt ra là giải quyết với các chung cư hiện hữu, ông Sinh nói hiện nay loại hình này đã có quy định trong Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy chữa cháy, quy chuẩn, tiêu chuẩn đã rất đầy đủ. Tuy nhiên, việc thực thi ở các địa phương chưa nghiêm túc. Do đó, giải pháp là cần tăng cường kiểm tra, rà soát để có chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm của các cấp để xảy ra sai phạm.

Vừa qua, các địa phương đã đến tận nơi và tùy theo từng chung cư đã lắp đặt hệ thống thang thoát hiểm phù hợp. Cùng với đó, phải đầu tư hệ thống trang thiết bị phòng cháy chữa cháy như rà soát, cải tạo hệ thống điện để đảm bảo không cháy nổ, đảm bảo không quá tải.

Ngoài ra, cần phải đầu tư bổ sung trang thiết bị, công cụ về phòng cháy chữa cháy như mặt nạ phòng độc, tăng cường tập huấn cho các hộ dân trong các chung cư để ứng phó kịp thời, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

"Việc quản lý, vận hành các chung cư phải được quan tâm, người được bố trí làm bảo vệ trông coi phải có sức khỏe, kỹ năng để ứng phó kịp thời phòng cháy chữa cháy, có nội quy quy định cụ thể để người dân nắm bắt, thực hiện…" - thứ trưởng Bộ Xây dựng nói. 

Vì sao không tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội từ 10% lên 15%?

Với câu hỏi tại sao Nhà nước không làm nhà ở xã hội, ông Sinh cho hay theo quy định của pháp luật về nhà ở xã hội đã quy định rõ các hình thức đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, có hình thức Nhà nước đầu tư và huy động nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư, nên "không hạn chế phạm vi nào".

Lý giải việc các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư dự án do lợi nhuận mỏng, khó tiếp cận tín dụng, quỹ đất, ông Sinh cho biết quy định pháp luật xác định rõ việc dành quỹ đất đầu tư phát triển nhà ở xã hội là 20% trong các khu nhà ở thương mại.

Tuy nhiên, Luật Nhà ở năm 2014 sửa đổi sẽ theo hướng giao cho UBND các địa phương cấp tỉnh dành đủ quỹ đất ở các khu vực độc lập, trong các khu dự án nhà ở thương mại nếu như phù hợp với điều kiện và quy hoạch. 

"Nguồn quỹ đất đầu tư phát triển nhà ở xã hội thời gian tới sẽ đầy đủ và dễ tiếp cận hơn" - ông Sinh nói.

Dự luật sẽ tiếp tục hỗ trợ miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, hưởng lợi nhuận 10%, dành 20% quỹ đất cho khu thương mại dịch vụ, các địa phương hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu dự án nhà ở xã hội…

Ông Sinh cho hay trong quá trình sửa đổi luật cũng có nhiều ý kiến cho rằng tại sao không nâng lợi nhuận từ 10% lên 15% với các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tiễn, nếu nâng lãi suất thì sẽ phải nâng giá bán nhà. Điều này gây khó khăn cho người dân trong tiếp cận nhà, đặc biệt là người thu nhập thấp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cho rằng với chính sách ưu đãi, hoạt động sản xuất kinh doanh mà lợi nhuận 10% là đồng tình. Vấn đề quan trọng cải cách thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi để thúc đẩy tham gia hoạt động đầu tư tốt hơn.

"Hiện có rất nhiều doanh nghiệp đang vào đầu tư, nên chắc chắn tới đây nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tốt hơn khi Chính phủ đã ký đề án làm 1 triệu căn nhà ở xã hội với giải pháp đồng bộ, quyết liệt, thủ tục hành chính, vốn, đất đai" - ông Sinh nói. 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC