Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và đánh trống khai mạc lễ hội Tràng An năm 2018.
Lễ hội được bắt đầu bằng nghi lễ rước nước tại đền Đức thánh Quý Minh Đại Vương (đền Suối Tiên). Nghi thức được thực hiện bởi 1.050 diễn viên chuyên và không chuyên, tái hiện hiện cảnh rước rồng trên sông, cảnh thủy chiến thời vua Đinh, về với cố đô ngàn lau nơi hơn 1.050 năm trước Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân lên ngôi hoàng đế.
Nghi lễ rước nước tại lễ hội Tràng An.
Trong chuyến hành trình tham quan Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, từ bến thuyền du khách xuôi theo dòng sông Sào Khê qua các hang động, ngắm những cảnh tuyệt đẹp của “di sản kép” có một không hai tại Việt Nam.
Với chủ đề “Tràng An kết nối di sản”, tại lễ hội Tràng An năm nay còn có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ các nước trong khu vực ASEAN như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Các đoàn nghệ thuật quốc tế biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc của từng dân tộc trên các sân khấu hai bên dòng sông di sản. Bên cạnh đó là các đoàn nghệ thuật của Việt Nam như: Nhã nhạc cung đình Huế, hát quan họ, hát Then, hát chèo…
Các đoàn nghệ thuật quốc tế tham dự lễ hội "Tràng An kết nối di sản".
Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, thiên nhiên đã ban tặng cho Ninh Bình di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An với những giá trị nổi bật toàn cầu. Đây chính là cơ hội tốt để Ninh Bình ngày càng phát triển hơn nữa, là điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh trống khai mạc lễ hội Tràng An năm 2018. Hàng nghìn người dân, du khách thập phương đến dự lễ khai hội cùng nhau cầu quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, an lành hạnh phúc.
Người dân tham dự lễ hội Tràng An và tham quan 'di sản kép" có một không hai của Việt Nam.
Nguồn: Thái Bá
Dân trí