Campuchia cũng nhận được giải thưởng lớn về điện ảnh trong khi Việt Nam hầu như trắng tay trên mọi đấu trường.
Chưa hết những xôn xao về việc "chơi sang" đăng cai ASIAD, mấy ngày gần đây, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch lại khiến người dân "mắt tròn mắt dẹt" về đề án “Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Người lạc quan nhất thì bảo, thôi thì dù mục tiêu đề án đưa ra và kết quả đạt được trong thực tế luôn khác nhau "một trời một vực" nhưng "méo mó có vẫn hơn không". Người thực tế hơn thì ngửa mặt kêu trời, các ông bà làm điện ảnh, văn hóa hãy chịu khó bước ra ngoài xe hơi, ngó phim trường Cổ Loa tan hoang rồi hẵng tính đến "kế hoạch ba miền" này.
Mà không đi thì chỉ cần lên mạng google là đã ra khối thứ. Nào thì, phim trường Cổ Loa vốn đã được đầu tư tới hơn 100 tỷ đồng, nhưng bây giờ để không.
Nào thì, dù trường quay Cổ Loa đã phục vụ cho một số bộ phim như Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô song những bối cảnh dựng lên cho các phim này phần nhiều là bằng xốp, nên chỉ một thời gian sau đã xuống cấp.
Nhìn cái thực tế "lù lù cả một đống" như thế này mà vẫn đề xuất 3 phim trường ở 3 miền thì có khác nào "họa sĩ tồi" vẽ dự án to không, thưa các ông bà làm điện ảnh, văn hóa?
Trường quay Cổ Loa là bài học để cân nhắc kỹ đến đề án xây dựng 3 trường quay mới tại 3 miền |
Nghe thì có vẻ hợp lý lắm nhưng thực ra chỉ là "ghen ăn tức ở", nghĩ một mà không nghĩ hai. Người viết bài này thì không thể đồng tình với những suy nghĩ nông cạn nói trên được. Bởi lẽ, xét một cách khách quan và khoa học, việc gì cũng có căn nguyên của nó. Vấn đề là có nhìn ra được những căn nguyên sâu xa, lẩn khuất và vô cùng tinh tế đó không?
Này nhé, nhìn sang nước bạn, điện ảnh Campuchia vừa được xướng danh là một trong 5 ứng viên xuất sắc nhất hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, tranh tượng vàng Oscar năm nay với “The Missing Picture” (Bức tranh bị mất tích) của đạo diễn Rithy Panh.
Điện ảnh Thái Lan cũng đã từng gây chấn động với Cành cọ Vàng LHP Cannes 2010 cho "Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives" của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul. Điện ảnh Việt Nam thì có gì nào?
Không cần nhắc ai cũng biết những loại giải thưởng trong nước vốn bị các bậc có nghề về phê bình điện ảnh chê "có cũng như không", "so bó đũa chọn cột cờ". Bước ra thế giới thì năm 2013, không thấy tên phim VN xuất hiện tại các LHP danh giá thế giới. Tại các LHP hạng A khác cũng vậy.
Thế cho nên, dù "lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa" cũng buộc phải thừa nhận, điện ảnh Việt Nam "thua đứt đuôi" các nền điện ảnh trong khu vực. Vậy thì "hào khí người Việt, vinh quang Việt Nam" phải tìm ở đâu?
Không ra biển thì ta bơi trong hồ nhà, không thắng về chất thì chọn cách thi đua về lượng. Ấy thế nên, các nhà hoạch định chiến lược điện ảnh Việt Nam đã tìm ra một phương cách tối ưu để "chữa ngại" với các nước láng giềng: xây 3 phim trường lớn ở ba miền, để từ đâu nhìn vào cũng thấy một nền điện ảnh Việt Nam "bạo vì tiền". Có lý có tình cả đấy.
Xin quý vị đừng vội nghĩ các vị hoạch định chiến lược điện ảnh chỉ biết "ngồi mát húp bát vàng", đi resort vẽ chiến lược quốc gia. Họ cũng phải nuốt nước mắt vào trong mà tính chuyện tiêu đồng tiền người dân còng lưng đóng thuế, cùi gằm mặt xuống đất không dám nhìn cảnh người nông dân khóc bên ruộng xoài, ớt, dưa hấu, thanh long...
Thôi thì người dân Việt vốn được đức bao dung. Hãy tiếp tục rộng lượng mà mở rộng hầu bao. Mà nói thật nhé, các vị có không muốn mở cũng có bàn tay vô hình rút mất, thà cứ cười tươi móc ví còn được tăng thêm chút sức khỏe tinh thần. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ cơ mà, phải không các vị?
Thái Linh