An toàn vệ sinh thực phẩm bàn đi bàn lại vẫn là câu chuyện muôn thuở tại Việt Nam. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhiều người dân trồng rau dù biết rõ rau có thuốc trừ sâu là nguy hại, nhưng vẫn bán cho người tiêu dùng. Thống kê tỷ lệ dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm rau muống, cải, đậu… tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh mức thấp nhất là 15%, cao nhất 30%.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, mỗi năm ở VN có chừng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100 – 200 ca tử vong. Chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát thốt lên rằng: "chống bão, thiên tai còn dễ hơn quản lý an toàn thực phẩm".
Thừa nhận, quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại Việt Nam hiện vẫn là vấn đề vô cùng khó khăn. Người dân bình thường không thể có được một bữa ăn an toàn, Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng chỉ rõ năm nguyên nhân.
Thứ nhất, nguyên nhân chính là con người - Sự thiếu hiểu biết, vô cảm, thậm chí dã man tàn bạo, coi thường tính mạng và sức khỏe người tiêu dùng của những người sản xuất:
1. Vì thiếu hiểu biết về độc chất, thiếu hiểu biết về luật pháp: Đâu là chất độc hại, gây độc hại đến đâu-Không cần biết. Các chất kháng sinh, các chất Salbutamol chữa bệnh hen/hô hấp, tim mạch do Bộ Y tế nhập khẩu về đâu phải là chất độc? Luật pháp đã quy định các chất gây hại, chất cấm không được đưa vào lương thực thực phẩm, nhưng tuyên truyền chưa sâu rộng, do vậy còn nhiều người dân chưa biết để thực hiện.
2. Vì lợi nhuận nên dã man tàn bạo, coi thường tính mạng người dân: Biết rõ thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích tăng trưởng… là chất độc nhưng cứ phun, cứ ngâm tẩm rồi bán cho người tiêu dùng. Thậm chí có những kẻ kinh doanh thực phẩm bẩn sẵn sàng bất chấp tất cả như đe dọa, khống chế lực lượng chức năng để tìm cách tuồn những loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đưa vào thị trường, gián tiếp đầu độc người tiêu dùng.
Thứ hai, sự chồng chéo về quản lý:
“Một chiếc bánh trung thu chịu sự quản lý của 5 Bộ”?, chuyện thật nghe như đùa, nhưng thực tế: Bột gạo nếp – Đường -Thịt/lạp xường - sữa – phẩm mầu thực phẩm và các chất hương liệu, phụ gia - ……Mối thứ được quy định do 1 Bộ quản lý. Thực tế trên thị trường thì Bộ nọ đùn đẩy Bộ kia, không dám nhận trách nhiệm, thiếu cơ chế giải trình. các cơ quan chức năng về vệ sinh thực phẩm, thị trường, y tế… luôn bị bó tay trước nạn chồng chéo của bộ máy quản lý, và cuối cùng chỉ cần một lời xin lỗi hay đổ tội cho cơ chế hoặc khôn ngoan vin vào lý do “khoa học” chưa xác minh (?) để tránh né trách nhiệm và sự phê phán của công luận.
Thứ ba, có tiêu cực trong quản lý, đánh tráo khái niệm:
Các bài học về Câu chuyện chất 3-MCPD gây Ung thư trong Xì dầu/nước tương trong những năm trước đây và chất Salbutamol tạo nạc cho thịt heo nguy cơ gây ung thư vú ở phụ nữ, suy yếu hệ thống miễn dịch...hiện nay được mua tự do tại các chợ thuốc, bất kỳ ai cũng có thể mua Salbutamol với số lượng không hạn chế và không cần phải có đơn thuốc của bác sĩ đang dần bị chìm xuống, không ai chịu trách nhiệm.
Tại sao Việt Nam đã ký công ước Stôc-khôm nhưng lại không tuân thủ, toàn thế giới người ta gọi chung 1 tên gọi là Hóa chất dùng trong nông nghiệp theo quy định của Công ước riêng Việt Nam gọi là Thuốc bảo vệ thực vật? Ai bật đèn xanh cho Cán bộ các chi cục Bảo vệ thực vật đi tư vấn dùng thuốc trừ sâu và thuốc Bảo vệ thực vật, bật đèn xanh cho Cán bộ thú Y đi bán các chất kích thích tăng trưởng?
Thứ tư, các quy định của văn bản luật pháp chưa rõ ràng, chưa cụ thể và Pháp luật chưa đủ sức răn đe:
Đây là hành vi ảnh hưởng rất lớn đến sinh mạng con người, nhưng theo khung xử phạt thì chỉ từ 3,5 - 4 triệu đồng. Rõ ràng không hề có tính răn đe với cách sản xuất siêu lợi nhuận này, nên người sản xuất coi thường. Với khung phạt như vậy tự mình trói tay mình trong xử lý.
Thứ năm, sự vô lý và lãng phí trong các quy định:
Theo dự thảo Thông tư Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, chủ cơ sở và người sản xuất, kinh doanh trực tiếp phải có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; tổ chức khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh ít nhất một lần/năm.
Để người dân được ăn sạch, giảm đến mức thấp nhất thực phẩm không an toàn trôi nổi trên thị trường cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, sao cho mỗi người phải thay đổi nhận thức - hành động để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và cho chính mình.
Coi đây là vấn đề đạo đức, là mệnh lệnh của lương tâm. Đồng thời các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý an toàn thực phẩm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng.
Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định, văn bản pháp luật, cần chú trọng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc thực hiện VSATTP và ý thức trách nhiệm với cộng đồng của người sản xuất, kinh doanh; phối hợp giữa các ngành, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kết hợp giữa kiểm tra, xử lý và thông tin, tuyên truyền công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm về VSATTP; Vận động người tiêu dùng đồng lòng tố cáo và tẩy chay các cơ sở sản xuât thực phẩm kém chất lượng, gây nguy hại đên sức khỏe nhân dân.
BS. Nguyễn Trọng An