Việt Nam đưa ra mục tiêu tăng chiều cao trung bình thêm 4cm trong 13 năm tới để bắt kịp các nước trong khu vực.
Trong dự thảo Nghị quyết TƯ về công tác dân số, VN đặt mục tiêu đến năm 2030, chiều cao đối với nam 18 tuổi đạt 1,685m, nữ đạt 1,575m, cao hơn hiện tại khoảng 4cm.
Thấp hơn chuẩn quốc tế 10cm
PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trước đó trong vòng suốt 100 năm, theo số liệu của Mondiere (1875 -1975), chiều cao của người Việt gần như không thay đổi.
Giai đoạn 1975-2000, chiều cao nam thanh niên tăng chậm, trung bình 1,1cm mỗi thập kỷ.
Đến năm 2000, tổng điều tra dinh dưỡng cho thấy chiều cao nam thanh niên là 162,3cm và nữ là 152,4cm.
Giai đoạn 2000-2010, chiều cao nam giới VN trong độ tuổi 20-24 đã tăng thêm 2,1cm , nữ tăng 1cm, lần lượt là 1,645m và 1,534m.
Nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chiều cao người VN được xếp vào nhóm thấp, chỉ nhỉnh hơn Indonesia còn nam giới thấp hơn Campuchia 0,4 cm, nữ giới thấp hơn 0,2cm.
Nếu xét theo tiêu chuẩn chiều cao quốc tế, chiều cao trung bình của nam thanh niên VN thấp hơn gần 13cm, nữ thấp hơn 10cm.
PGS Tuyên đánh giá, mức tăng của VN trong 1 thập kỷ qua khá nhanh, nhưng vẫn chưa tăng thần kỳ được như Nhật Bản.
Giai đoạn 1950, chiều cao trung bình của nam giới Nhật Bản còn thấp hơn VN đến 4cm, ở mức 150cm, nữ thấp hơn 2cm với chiều cao 149cm.
Chiều cao của người Việt thuộc nhóm thấp trong khu vực
Tuy nhiên 15 năm sau đó (1960-1975), thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy chiều cao của thanh thiếu niên Nhật Bản đã tăng lên được 2,8cm đối với nam và 2,5cm đối với nữ giới.
Và sau 35 năm, chiều cao của nam giới Nhật Bản đã bỏ xa VN đến 7cm, lên mức 1,715m, nữ cao hơn Việt Nam 4,6cm lên mức 1,580m. Đây được coi là hiện tượng “phát triển thể chất một cách thần kỳ”.
Có giai đoạn, trong vòng 15 năm, chiều cao nam giới Nhật Bản tăng thêm tới 2,8cm và nữ tăng 2,5 năm.
Bắt đầu từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, dù kinh tế khó khăn nhưng quốc gia này khuyến khích phát triển thể thao tại trường học rất mạnh mẽ, đồng thời áp dụng dinh dưỡng phương Tây một cách khoa học vào bữa ăn.
Chỉ có 20% phụ thuộc di truyền
Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ trẻ em, cho biết, sức khoẻ hay chiều cao của 1 người được quyết định bởi 20% yếu tố di truyền, 80% còn lại do môi trường, đặc biệt dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời.
Để cải thiện chiều cao của người Việt, từ năm 2012, chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Di truyền chỉ quyết định 20% chiều cao của 1 người |
Trong đó tập trung nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân, giảm lượng calo/bình quân đầu người, phấn đấu đến 2020 có 75% hộ gia đình có khẩu phần ăn cân đối.
Đồng thời tập trung cải thiện dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2,5kg xuống dưới 8% vào năm 2020; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống xuống còn 23% vào năm 2020.
Khống chế tỉ lệ béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 5% ở nông thôn và dưới 10% ở thành phố lớn, duy trì đến năm 2020.
Đến năm 2020, chiều cao của trẻ 5 tuổi tăng từ 1,5cm - 2cm cho cả trẻ trai và gái; chiều cao của thanh niên theo giới tăng từ 1cm - 1,5cm so với năm 2010.
Về giải pháp chuyên môn, giao Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng các chương trình, dự án và các giải pháp can thiệp đặc hiệu góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao thể lực và thể chất của người dân phù hợp theo vùng, miền, ưu tiên cho những vùng nghèo, khó khăn, dân tộc thiểu số và các nhóm đối tượng có nguy cơ khác.
Chú trọng chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh. Thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi.
Nguồn: Thúy Hạnh
VietNamNet