Ở huyện vùng cao Mường Lát, các giáo viên nhận thưởng Tết bằng tờ lịch còn ở Lâm Đồng, có trường xây nhà vệ sinh xong thì khóa lại không cho dùng.
Có rất nhiều câu chuyện liên quan đến giáo dục những ngày đầu năm này, mà tôi đảm bảo khi đọc xong, các bạn sẽ chẳng biết nên cười hay nên mếu. Ấy là trong khi các quan chức ngành xổ số tỉnh Tiền Giang giải thích mức lương cao 730 triệu đồng/năm là đúng quy trình ở Mường Lát, quà thưởng lương giáo viên Tết này chỉ được một tờ lịch.
Báo Tuổi trẻ cho biết: “Ông Mai Xuân Giang - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), cho biết tại huyện có trường khó khăn chỉ có quà Tết Nguyên đán này cho cán bộ, giáo viên là một tờ lịch Tết. Còn phần lớn các trường trên địa bàn huyện, do tiết kiệm chi tiêu thường xuyên của năm học, nên cũng có mức thưởng Tết năm ngoái cho cán bộ, giáo viên từ 100.000 đến 200.000 đồng/người (tùy từng trường)”.
Thế đấy, giáo dục là quốc sách, nghề giáo là nghề cao quý, nên ở huyện vùng cao khó khăn, các thầy cô giáo được nhận quà thưởng Tết là 1 tờ lịch. Còn ở những ngành nghề khác, như nghề xổ số chẳng hạn, thì lương cao là ngoài tiền lương hàng tháng, các viên chức quản lý còn có thu nhập khác như: tiền kiêm nhiệm thành viên các Hội đồng quản trị, Hội đồng giám sát xổ số, tiền làm ngoài giờ, tiền thưởng hàng năm…
Đặt thu nhập của 2 ngành này cạnh nhau, chắc quý bạn đọc cũng đã có thể tự rút ra kết luận giống như tôi, rằng vì sao mà giáo dục của chúng ta thì cứ mãi lẹt đẹt. Bởi những người làm cái nghề giáo viên cao quý ấy, họ không có tiền giám sát học sinh, không tiền kiêm nhiệm, tiền ngoài giờ, lại được thưởng bằng tờ lịch.
Một bạn đọc đã nói: Trên tờ lịch ấy, nên in đủ một mâm ngũ quả Tết, một bàn tiệc ê hề gà, xôi, giò… cho các thầy cô ngắm mà no con mắt luôn.
Một câu chuyện khác, cũng ngang trái không kém, ấy là chuyện nhiều năm nay, thầy cô và học sinh tại phân hiệu Phước Thái và Phước Trung thuộc Trường tiểu học Phước Cát 2 (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) khốn khổ vì nhà vệ sinh.
Báo Tuổi trẻ thuật lại, hai điểm trường này được cấp 800 triệu đồng từ nguồn vốn ODA xây 2 nhà vệ sinh (mỗi nhà 400 triệu đồng), xây từ năm 2012, xây mãi không xong, đến lúc xong thì khóa trái cửa để đó không cho thầy trò sử dụng với lý do: chưa có người trông coi, sợ hỏng.
Thế là thầy trò 2 điểm trường này hoặc là nhịn tiểu, hoặc là đi bờ đi bụi, mùi xú uế xông lên nồng nặc. Rồi cuối cùng chịu không nổi, họ quyết định phải phá khóa để xông vào sử dụng. Than ôi, cái nhà vệ sinh 400 triệu đồng ấy, vừa dùng đã hỏng, hư lên hư xuống, nước ngấm tràn ra.
Đọc những bài báo thế này, thấy bực mình, bức xúc, vì chẳng hiểu tại sao. Có nhà vệ sinh hàng trăm triệu đồng mà thầy trò không được dùng, đến lúc phải phá khóa “giải cứu” nhà vệ sinh thì vừa hay công trình này đã đến thời kỳ xuống cấp, cần sửa chữa.
Đọc rồi thấy tăng huyết áp, bực bội thì rồi cũng chẳng biết kêu với ai? Nếu cố nặng ra một nụ cười thì cũng méo cả mồm như người trúng gió. Người giàu thì cứ giàu lên rất đúng quy trình, người nghèo thì cứ nghèo khổ mãi, cứ bị đè nén mãi, đè đến nỗi cả chỗ đi vệ sinh cũng bị khóa lại, phải phá khóa mà vào.
Rõ khổ! Ai bảo khi sinh ra lại chọn cái số con nhà nghèo?
-
Mi An